Đạo diễn Bá Vũ: May mắn & rủi ro luôn đan cài trong sự nghiệp của tôi
Bá Vũ là đạo diễn hiếm hoi có thể đảm nhận được hết các vị trí công việc trong một đoàn làm phim. Bởi anh đã từng học trung cấp sân khấu (diễn xuất), sau đó học quay phim và cuối cùng mới học ngành đạo diễn, tất cả đều ở Trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM. Thời kỳ phim “mì ăn liền”, Bá Vũ đã làm từ chân chạy việc lên đến trợ lý rồi phó đạo diễn cho các đoàn phim. Sau đó, với chút tiếng Anh ít ỏi, Bá Vũ được tham gia vào bộ phận sản xuất của bộ phim Xích lô (đạo diễn Trần Anh Hùng) với vai trò thương lượng đền bù, tức là đi gặp những người buôn bán nhỏ, các hàng quán trong khu vực được dùng làm trường quay để thương lượng và trả tiền để họ dành chỗ trống cho đoàn phim. Công việc này đã dạy cho anh kỹ năng quan sát, thương lượng và thuyết phục người khác. Vài năm nữa, anh được nhận vào vị trí giám đốc tuyển diễn viên Việt Nam cho đoàn phim Người Mỹ trầm lặng của đạo diễn Phillip Noyce (anh chính là người phát hiện ra Hải Yến cho vai chính trong bộ phim này)… Thời kỳ sau này, công việc chính của Bá Vũ là làm sản xuất phim. Có lẽ vì thế mà dấu ấn của Bá Vũ đậm đặc trong bộ phim đầu tay khi anh đảm nhận từ việc viết kịch bản, tuyển diễn viên, kiểm soát các góc máy, sản xuất đến đạo diễn.
Bây giờ mới làm được phim là… may
* 10 năm trước, với dự án Khách sạn không đèn, anh từng gây xôn xao rồi bị “ném đá” vì công bố mãi mà phim không thấy đâu. Tại sao tác phẩm “rửa hận” của anh lại là Ngủ với hồn ma?
- Năm 2005, tôi ra Hà Nội tuyển diễn viên cho Khách sạn không đèn thì gặp Hoàng Anh Tú, lúc đó anh mới có tác phẩm được lên phim - Chiến dịch trái tim bên phải. Tú tặng tôi cuốn sách Không có ma và nói rằng “Tặng anh đọc chơi lúc lên máy bay”. Cuốn sách của Tú đã lập tức gần như đánh bay Khách sạn không đèn ra khỏi đầu tôi. Cũng lúc đó, Khách sạn không đèn gặp trục trặc về đầu tư do nhà đầu tư bất ngờ gặp chuyện không may trong kinh doanh, dự án cứ thế đình trệ. Tôi hụt hẫng và lao vào viết kịch bản bằng những câu chuyện trong cuốn sách Không có ma của Hoàng Anh Tú. Cuốn sách của Tú đã cứu tôi trong giai đoạn đó vì chi phí đầu tư sẽ ít hơn.
Xin nói thêm rằng tôi không ấp ủ 10 năm một bộ phim, tôi chỉ ấp ủ 10 năm để làm được bộ phim đầu tay. Và cũng may bây giờ tôi mới làm được bộ phim đầu tay này, bởi vì với thể loại kinh dị, nếu làm từ 10 năm trước, khi thị trường điện ảnh còn rụt rè, việc kiểm duyệt còn khó khăn thì có lẽ tôi đã không thành công. Trong cái rủi có cái may. Tôi chỉ không nghĩ cái rủi lại lâu đến vậy.
* Bây giờ cảm giác của anh như thế nào?
- Làm xong phim tôi có rất nhiều cảm xúc, những ký ức cứ ùa về. Tôi đã bị bạn bè “cắn”, bị nhiều người châm chọc và thấy mình thất bại. Nhưng bây giờ, khi xong phim, tôi thấy nhẹ lòng và biết ơn những người đã châm chọc, giẫm đạp lên mình. Bởi vì chính nhờ thế mà tôi luôn luôn ý thức mình phải ngóc đầu dậy. Tôi cũng nhận ra những người bạn chân thành xung quanh mình. Chẳng hạn như Hoàng Anh Tú. Kịch bản Ngủ với hồn ma tôi hoàn thành từ 2007, lúc đó đã nói chuyện, thỏa thuận tiền bản quyền và ký hợp đồng với Tú nhưng phải 7 năm sau, trước ngày phim bấm máy 3 - 4 tháng, tôi mới trả tiền anh ấy. Vậy mà Tú vẫn lấy đúng số tiền đó, không thêm một đồng nào trong khi mọi thứ đều trượt giá.
* Tại sao anh lại say mê thể loại kinh dị? Anh tìm thấy điều gì ở đó mà say mê đến nỗi nhất quyết tác phẩm đầu tay phải là kinh dị và còn tính sẽ trở thành đạo diễn chuyên trị phim kinh dị với một chùm tác phẩm thuộc thể loại này?
- Tôi thích phim kinh dị trước nhất vì tôi thích phim Nhật. Những bộ phim ma của Nhật mang lại cho tôi rất nhiều sợ hãi mà không hề dùng một chút kỹ xảo nào (tôi đã làm như vậy với phim đầu tay của mình). May phước như học tiếng Anh mà ngay từ đầu đã gặp được thầy giỏi, phát âm đúng thì mình cũng sẽ giỏi và phát âm đúng luôn. Tôi xem phim kinh dị Nhật từ khoảng giữa thập niên 1980, lúc mà ở Việt Nam tất cả các thể loại phim đều được làm trừ phim kinh dị. Tôi đi học làm phim và nghĩ rằng mình nếu phải làm gì đó khác mọi người thì đó là phim kinh dị. Đó là thể loại mà sự tưởng tượng là kinh khủng nhất. Tôi không muốn mọi người nghĩ kinh dị là phim rẻ tiền, nỗi sợ cũng giá trị, đó là thứ cảm xúc rất lớn của con người.
Còn về việc chuyên trị một thể loại, điều này là bình thường với các đạo diễn ở nước ngoài. Ai cũng chọn cho mình một thể loại, xây dựng tên tuổi vững chắc ở thể loại đó rồi sau mới làm sang những thể loại khác.
* Anh cho con gái đóng vai ma, điều ít ai dám làm vì ngại vấn đề tâm linh. Tại sao vậy?
- Con gái tôi đã cứu tôi, nếu không có Kitty (tên gọi ở nhà của con gái Bá Vũ - PV) thì tôi lao đao. Tôi đã tuyển được một diễn viên nhí 3 tuổi rất phù hợp với vai diễn này nhưng đến ngày quay thì cô bé bị tiêu chảy. Đoàn làm phim phải chờ cô bé bình phục suốt 2 ngày quay. Cô con gái 2 tuổi của tôi lúc đó nhận “nhiệm vụ” đến chơi với cô bé diễn viên cho có bạn, và cháu quen hết cả đoàn phim. Vậy là đến lúc cô bé diễn viên bị bệnh không quay được, tôi đã để con tôi thay thế. Lúc quay phim tôi thương con tôi lắm, thương đến rớt nước mắt, vì chỉ đạo diễn xuất cho diễn viên là con ruột nên tôi đã căng ra làm việc, yêu cầu đoàn phim phải quay cả khi con tôi khóc.
* Là một người viết phê bình phim “có giá”, anh thấy thế nào về những lời khen chê phim anh làm?
- Tôi vui vẻ chấp nhận những lời khen chê ấy dù tôi đủ khả năng và tự trọng để nhận biết những khen chê ấy là đúng hay sai. Chỉ xin nói rằng, làm phim kinh dị ở Việt Nam còn nhiều rào cản, từ vấn đề kiểm duyệt đến việc chi phối nội dung từ nhà đầu tư. Có những chuyện mình phải cố gắng chấp nhận.
Lấy vợ muộn vì thú vui sưu tầm
* Trước khi biết anh là đạo diễn, nhiều người biết anh với tư cách một người sưu tầm có hạng các ấn phẩm điện ảnh và sở hữu một kho phim đồ sộ. Do đâu mà anh có sở thích này?
- Tôi có bà cô ở Nha Trang, trước năm 1975 cô đã có một bộ sưu tập báo và những hình ảnh cắt ra từ báo viết về điện ảnh, diễn viên của Pháp dán vào những cuốn sổ. Cô còn là thành viên của các câu lạc bộ người hâm mộ mà bây giờ ta hay gọi là fan club, nên có cả những vật phẩm rất độc đáo của các diễn viên điện ảnh phương Tây. Mỗi lần được ra Nha Trang là tôi rất vui nhưng không phải vì được tắm biển mà vì được chui vào cái rương toàn những cuốn báo, cuốn sổ như vậy. Tôi tìm thấy thú vui sưu tầm từ đó.
* Thú vui này mang lại cho anh điều gì và lấy đi của anh những gì?
- Cuộc chơi của tôi không có gì tinh vi quy mô cả đâu mà chỉ đòi hỏi sự công phu thôi. Nếu người ta sưu tầm phim thường mua về xem rồi xếp lên kệ thì tôi chơi theo kiểu muốn biết về phim nào, tôi mua phim và đi tìm những tư liệu về nó để xem cho tường tận. Tôi thường mua những bản phim gốc để có thêm những phần bonus đi kèm, đó là thông tin behind the scenes, là những vật phẩm đi kèm. Thông tin cứ tích tụ trong đầu và chuyển thành những bài viết. Nhân đây tôi cũng muốn nói rằng tôi rất cảm ơn báo Thể thao & Văn hóa Cuối tuần đã trang trọng dành cho tôi 2 trang mỗi số để tôi chia sẻ tình yêu phim ảnh của mình với những người cùng sở thích. Đâu mấy ai được ưu ái như vậy. Việc này đã thúc ép tôi phải tìm tư liệu, phải học để viết.
* Anh không giàu có gì, nếu không muốn nói là có lúc đời sống của anh rất khó khăn. Thú vui này chắc đã tiêu tốn của anh kha khá.
- Quả thật đã sa vào thú vui sưu tầm thì tốn kém vô biên. Nhưng tôi chơi theo cách “lấy mỡ nó rán nó”, mua phim về xem, mua tài liệu về đọc rồi viết báo lấy nhuận bút để sưu tầm tiếp. Tôi vừa được chơi, vừa được tiền lại vừa có kiến thức. Nhưng đó cũng là lý do vì sao tôi không muốn lấy vợ sớm, vì sợ lấy vợ sẽ ảnh hưởng đến cuộc chơi của mình. Bây giờ nếu được làm lại thì tôi sẽ lấy vợ sớm. Nhưng tôi không tiếc vì những gì tôi đang có đều là từ cuộc chơi này.
* Nhưng đã có lúc anh rao bán bộ sưu tập đồ sộ của anh. Vì sao vậy?
- Tôi rao bán vì tôi không có thời gian chăm sóc nó nữa, trong khi đó người ta đã chuyển sang chơi kỹ thuật số. Không bán được cả bộ sưu tập, tôi cũng đã bán theo từng bộ (collection), giờ cũng gần hết rồi. Bây giờ tôi chuyển sang chơi bluray theo kiểu trọn bộ. Tôi dự tính lúc nào đó sẽ làm một cuộc triển lãm nhỏ trưng bày những bộ sưu tập này.
* Vậy còn kế hoạch với những bộ phim kinh dị?
- Tôi đang trong công đoạn hoàn tất kịch bản bộ phim kinh dị tiếp theo sẽ được bấm máy vào mùa Thu này.
* Chúc anh xây dựng thương hiệu đạo diễn phim kinh dị thành công.
Dương Vân Anh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần