Đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ: EU và Thổ Nhĩ Kỳ tranh cãi, biểu tình phản đối đảo chính vẫn tiếp tục
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 21/7, hàng nghìn người biểu tình ủng hộ Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã tuần hành trên cầu Bosphorus tại Istanbul, phản đối cuộc đảo chính quân sự bất thành hòng lật đổ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cuối tuần trước.
Gần một tuần sau khi cuộc đảo chính bị đập tan, Tổng thống Erdogan vẫn luôn kêu gọi người ủng hộ biểu tình liên tục nhằm lên án cuộc đảo chính đồng thời ngăn chặn nguy cơ tái diễn một cuộc đảo chính khác.
Người biểu tình mang theo đuốc và nhiều biểu ngữ phản đối giáo sĩ Fethullah Gulen, người bị chính phủ cáo buộc đứng đằng sau âm mưu đảo chính vừa qua.
Dân chúng ủng hộ tổng thống Erdogan tập trung tại quảng trường Taksim tại thủ đô Istanbul phản đối cuộc đảo chính quân sự (Ảnh: AP)
Mọi hoạt động giao thông qua cầu đều phải tạm ngừng trong thời gian diễn ra biểu tình. Cầu Bosphorus nối 2 miền Âu- Á tại Istanbul cũng chính là một trong các mặt trận chính của lực lượng đảo chính trong suốt cuộc chính biến.
Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, Liên minh châu Âu (EU) đã bày tỏ quan ngại trước quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp trong vòng 3 tháng của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời kêu gọi quốc gia này tôn trọng các quy định pháp luật và nhân quyền.
Trong một thông báo chung, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại EU, Federica Mogherini và Uỷ viên phụ trách vấn đề mở rộng EU, Johannes Hahn cho biết EU đang theo dõi sát sao những diễn biến tại Thổ Nhĩ Kỳ sau khi quốc gia này ban bố tình trạng khẩn cấp.
Liên minh này cũng kêu gọi giới chức Thổ Nhĩ Kỳ tôn trọng các quy định luật pháp, nhân quyền và quyền tự do cơ bản, trong đó có quyền được đưa ra xét xử công bằng của mỗi cá nhân.
Trong khi đó, phát biểu với báo giới ngày 21/7 tại Ankara, Thư ký báo chí Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ibrahim Kalin chỉ trich EU sử dụng "tiêu chuẩn kép" khi đề cập việc Thổ Nhĩ Kỳ áp đặt tình trạng khẩn cấp.
Theo ông, việc các nước EU chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ ban bố tình trạng khẩn cấp là ví dụ rõ ràng của "tiêu chuẩn kép", bởi khi Pháp áp đặt tình trạng khẩn cấp sau loạt vụ khủng bố ở Paris, không ai cáo buộc Pháp vi phạm nhân quyền. Hành động tương tự cũng được Bỉ thực hiện sau các vụ tấn công khủng bố tại Brussels. Ông Kalin nêu rõ EU không nên lên án Thổ Nhĩ Kỳ những việc mà các nước khác ở "lục địa già" vẫn làm.
Ông Kalin cũng nhấn mạnh rằng chế độ tình trạng khẩn cấp ở Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tuân thủ nghiêm ngặt các chuẩn mực luật pháp quốc tế và không gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống thường nhật của người dân. Tuy nhiên, Ankara sẽ áp dụng mọi biện pháp "quét sạch" những kẻ chủ mưu thực hiện vụ đảo chính vừa qua.
Sau vụ đảo chính bất thành diễn ra đêm 15/7 do một nhóm các tướng lĩnh và binh lính quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành, khoảng 50.000 người làm việc trong các cơ quan chính phủ đã bị sa thải, bị đình chỉ chức vụ hoặc bị điều tra với cáo buộc ủng hộ phe đảo chính và hơn 10.000 nghi can khác bị bắt giữ.
Ngày 20/7, năm ngày sau vụ đảo chính bất thành, Tổng thống Erdogan đã ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 3 tháng ở nước này nhằm tăng cường quyền lực chính phủ, truy quét các nghi can đứng sau âm mưu đảo chính.
TTXVN