Danh họa Dương Bích Liên 'trở lại'
(Thethaovanhoa.vn) - Trong tứ danh họa của nền mỹ thuật Việt Nam thế kỷ XX, Dương Bích Liên (1924 -1988) là một người vô cùng đặc biệt. Trừ Bùi Xuân Phái có gia đình, vợ con, 3 danh hoạ còn lại đều không có con, Nguyễn Tư Nghiêm khi ngoài 70 tuổi mới lấy vợ. Dương Bích Liên còn thiệt thòi hơn nhiều lần bởi ông, với cá tính đặc biệt và “cực đoan tuyệt đối”, đã chỉ biết dành toàn bộ sự sống cho đam mê duy nhất: Vẽ.
Là sinh viên khoá cuối của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Dương Bích Liên học khoa Hội họa, khóa XVIII (1944-1945). Trở thành họa sĩ cách mạng một lớp đầu tiên của mỹ thuật Việt Nam, ông từng được sống ở chiến khu Việt Bắc, gần bên Chủ tịch Hồ Chí Minh để vẽ Người.Trốn chạy chính mình
Tất cả tài ba, tâm huyết, Dương Bích Liên dồn cho niềm say mê vẽ - ý nghĩa sống của ông. Ông không rời giá vẽ ngay cả những tháng ngày chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ ác liệt nhất. Nổi tiếng với tranh phong cảnh và thiếu nữ nhưng danh họa không đứng ngoài nhịp sống dân tộc, thời cuộc.
Những người gần gũi ông kể: Dương Bích Liên sống không gia đình, không vợ con, không họ hàng, và ít bạn hữu. Căn nhà nhỏ ở 55 Bà Triệu của ông trống không, đồ đạc chỉ một chiếc giường nhỏ quanh năm phủ drap trắng muốt, một võng và một bàn, một ghế.
Tự nguyện chọn “tiếng im lặng của hội họa làm bản thân”, ông sống cô đơn, thu mình lặng lẽ, trốn chạy chính mình và trốn chạy những khát vọng. Cuộc đời ông chất chứa mâu thuẫn, là một dấu hỏi lớn, đam mê vẽ thế nhưng danh hoạ lại không dày công cất giữ sáng tạo của mình. Dương Bích Liên đã tuyệt thực chỉ uống rượu trong những ngày cuối đời.
Ông không cần tang lễ long trọng; thậm chí muốn được đốt hết tranh đã vẽ sau khi qua đời. Tác phẩm của ông còn lại đến giờ là hàng trăm bức tranh, chủ yếu là do bạn bè trân trọng ông nâng niu cất giữ. Năm 1984, Nhà nước chính thức mời bộ tứ Nghiêm, Liên, Sáng, Phái tổ chức triển lãm (TL) cá nhân. Một mình Dương Bích Liên từ chối. Do vậy, lúc sinh thời, ông không có TL nào của riêng mình.
Lớp hậu sinh “dìu” tiền bối “trở lại”
Dương Bích Liên, khi sống và khi chết được công chúng biết đến ít hơn cả trong bộ tứ danh hoạ. Song giới tinh hoa và người yêu tranh chưa bao giờ quên ông. Cách đây 27 năm, 12/12/1988 ông qua đời lặng lẽ trong nhà mình không ai bên cạnh. Mùa Đông này, lớp hậu sinh “dìu” lão tiền bối trở lại.
Vào lúc 18h ngày 14/12/2015, tại khách sạn Apricot, 136 Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, TL Genesis (Khởi nguồn) khai mạc. Apricot ra đời 20 năm trước, được coi là một trong những gallery uy tín của Hà Nội. Genesis muốn giới thiệu hoạ sĩnổi bật của các thời kỳ, 3 tháng/lần giới thiệu các tác phẩm giá trị của hội hoạ Việt Nam tới công chúng Việt và du khách quốc tế.
Vườn chuối của Trần Lưu Hậu
Genesis mở màn bằng 35 tác phẩm của 9 hoạ sĩ. Dương Bích Liên với Hào, vẽ đường hào trong kháng chiến chống Mỹ. Ngay sau khi vẽ tại Hà Nội, bức sơn dầu hiếm có bởi khổ lớn, thời mà họa phẩm và chất liệu rất khó khăn, Hào chìm nổi qua nhiều tay người 40 năm rồi mới thuộc về bộ sưu tập của Apricot.
Bên ông là 3 thế hệ hoạ sĩ, người 3 tranh, người 4 tranh, người 8 tranh. Trẻ nhất là Lê Quý Tông (1977), sinh ra sau chiến tranh lại có sự phối ngẫu với bậc thầy qua loạt tranh về chiến tranh: Xe tăng, Máy bay, Duyệt binh, Mừng chiến thắng.
Tại Genesis, tiếp bước Dương Bích Liên, họa sỹ Trần Lưu Hậu - học trò danh hoạ Tô Ngọc Vân bày Vườn chuối rực rỡ và trẻ trung, dù ông tuổi ngoài bát thập.
Kế đến là thế hệ đổi mới có các họa sỹ: Đỗ Quang Em (1942), Phạm Luận (1954, vốn tốt nghiệp Đại học Sư phạm, là thầy giáo tự học vẽ)... Riêng Lê Thiết Cương là người duy nhất xuất hiện bằng tác phẩm vừa vẽ là ba tranh sơn dầu cùng kích thước 80x100cm: Song ẩm, Ngắm sen 1, Ngắm sen 2 và Chân dung.
Đa dạng về phong cách, bút pháp, Genesis kéo dài đến 14/1/2016 trưng bày cho công chúng bộ sưu tập quý báu như một sự tôn vinh không giới hạn đề tài, độ tuổi, góp phần gìn giữ và phát triển hội hoạ Việt Nam. Đây là triển lãm nhóm hiếm có trong hàng thập niên qua.
Danh hoạ Dương Bích Liên được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật đợt II, năm 2000. |
Vi Thùy Linh
Thể thao & Văn hóa