Dâng sao giải hạn: Chẳng Phật nào dạy thế
(Thethaovanhoa) - Cảnh một biển người chen chúc trước các ngôi chùa để “dâng sao giải hạn” trong dịp tháng Giêng không phải là một cái gì quá xa lạ. Thế nhưng, khi sự việc ấy liên tục được lặp đi lặp lại, rõ ràng đó là một hiện tượng xã hội không bình thường.
Buộc lòng, giới nghiên cứu đã buộc lòng phải lên tiếng khá gay gắt về thực trạng này. Và GS Trần Lâm Biên là một trong số đó. Ông chia sẻ với Thể thao & Văn hóa (TTXVN)
Về bản chất, dâng sao giải hạn có nguồn gốc từ Đạo giáo của Trung Hoa. Vắn tắt theo quan niệm ấy, tùy từng năm, mỗi người có thể được chiếu mệnh bởi các ngôi sao khác nhau. Và tục dâng sao hình thành với mục đích tránh những sao xấu chiếu rọi, đi vào cung chiếu của những sao tốt.
- Cần hiểu đúng về dâng sao giải hạn đầu năm
- Dâng sao giải hạn chưa đúng với tinh thần của Phật giáo
- Dâng sao giải hạn: Phong tục hay hủ tục?
Dần dần, theo thời gian, tục dâng sao giải hạn này đã biến tướng mạnh. Người ta bị chi phối bởi tâm lý “tốt lễ dễ cao” để tự huyễn hoặc bản thân mình, với lầm tưởng rằng cứ đặt lễ và dâng sao thì tai qua nạn khỏi, bất kể những điều tồi tệ mình đã làm trong quá khứ. Với tinh thần của một tôn giáo gắn với triết lý hướng thiện và từ bi,Phật pháp không bao giờ dạy con người ta như thế.
Và về bản chất, Phật giáo hoàn toàn không có tục dâng sao. Phật giáo chỉ có lễ cầu an, để con người thành tâm sám hối, bỏ ác làm lành, phát nguyện công đức – và rộng hơn, cầu cho cho quốc thái dân an, nhà nhà được sống trong cảnh thanh bình, yên ổn.
Cách để tục dâng sao “nhập” vào cửa chùa như vậy là sự thiếu hiểu biết cơ bản – thậm chí trong một số trường hợp đã mang bóng dáng của sự lợi dụng tôn giáo để trục lợi.Tôi rất ngạc nhiên rằng nhiều nhà sư của Phật giáo đã lên tiếng về hiện tượng này, vậy nhưng nhiều ngôi chùa vẫn cứ tổ chức dâng sao và để dòng người ùn ùn kéo về, gây ra những cảnh tượng rất bất bình thường trong xã hội.
Thật ra, giải thích về điều này không khó. Xã hội càng phát triển, con người càng nảy sinh thêm nhu cầu tự lục vấn bản thân mình. Và nhiều người hoặc hụt hẫng tinh thần ở mức độ cao, hoặc không tìm được bệ đỡ tinh thần từ truyền thống.
Để thỏa mãn sự thiếu hụt này, cửa mở nhận thức của họ luôn dễ đón nhận và tin vào những điều đôi khi là huyễn hoặc. Và những kẻ hoạt đầu muốn lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng thì rất biết khai thác tâm lý ấy...Tôi hi vọng khi xã hội đạt đến một sự phát triển nhất định, những hiện tượng kiểu này sẽ bị hạn chế dần.
Sơn Tùng