Đăng ký lớp tiếng Anh cho con gái 5 tuổi, nghe con chia sẻ "chuyện vui hôm nay ở trường", bố mẹ vội vàng báo cảnh sát
Giáo dục gia đình là nền tảng giáo dục đầu tiên trẻ nhận được, cha mẹ là người thầy đầu tiên của trẻ.
Để không để con thua ở vạch xuất phát, ngày nay các bậc phụ huynh đăng ký cho con đi học các lớp học thêm, các lớp kỹ năng từ rất sớm. Cha mẹ luôn nghĩ rằng giao con cho thầy cô ở đó là có thể yên tâm hoàn toàn, con được dạy dỗ cẩn thận còn mình thì có thời gian để tập trung công việc.
Hân Hân và chồng đều tốt nghiệp thạc sĩ, vì trình độ học vấn cao nên họ cũng rất coi trọng việc rèn luyện cho cô con gái nhỏ mới 5 tuổi của mình. Trước khi cô bé vào lớp 1, họ đã đăng ký lớp học tiền tiểu học cho cô bé, chủ yếu là dạy bé tiếng Anh.
Cô bé đi học rất ngoan, ngày nào về cũng kể cho bố mẹ hôm nay ở trường có chuyện gì vui. Tuy nhiên, có một hôm, sau khi trở về từ lớp học tiếng Anh, con gái của Hân Hân có vẻ im lặng bất thường. Hân Hân tưởng con gái ốm nên hỏi con sao thế, không ngờ câu trả lời của con gái lại khiến cô sợ hãi, vội vàng gọi cảnh sát. Rốt cuộc chuyện gì đã xảy ra?
Hóa ra, con gái của Hân Hân đã kể với mẹ về việc hôm nay ở lớp có chơi trò "bác sĩ khám bệnh", thầy giáo tiếng Anh đóng vai bác sĩ còn cô bé đóng vai bệnh nhân. Bác sĩ yêu cầu cô bé cởi quần áo ra và nói rằng trong bụng cô bé có một con giun nên bác sĩ cần lấy nó ra.
Lúc đó, con gái của Hân Hân rất sợ vì nghĩ rằng thực sự có giun trong bụng mình và hỏi thầy giáo xem mình có cần tiêm không. Nghe đến đây, Hân Hân nhận ra mức độ nghiêm trọng của vấn đề. Cô nhanh chóng hỏi con gái: "Thầy giáo đã kiểm tra ở đâu hả con? Lúc đó có ai ở trong lớp không? Con có cảm thấy khó chịu không?".
Con gái của Hân Hân cho biết thầy giáo đã bỏ đi sau một hồi kiểm tra. Nghe con gái miêu tả, Hân Hân sợ đến mức tay chân run lẩy bẩy, cô lập tức nhấc điện thoại và gọi cảnh sát.
Sau đó, phía cảnh sát đã tích cực điều tra và thu thập chứng cứ, "thầy giáo" đã bị bắt giữ thành công. Đồng thời, cảnh sát cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh hãy quan tâm, bảo vệ con em mình, tránh để bi kịch xảy ra.
Trong những năm gần đây, các vụ việc trẻ nhỏ bị xâm hại thường xuyên xảy ra, làm thế nào để bảo vệ trẻ là điều mà các bậc cha mẹ nên quan tâm và thực hiện tốt. Thực tế rất khó ngăn chặn trẻ em bị xâm hại nếu chỉ đơn giản là không cho trẻ tiếp xúc với người lạ, bởi nhiều trường hợp đáng tiếc là do chính người quen gây ra, muốn ngăn chặn căn cơ trẻ em bị xâm hại thì tốt nhất là phải thiết lập nhận thức tự bảo vệ cho trẻ.
Cha mẹ hướng dẫn con bảo vệ mình như thế nào?
1. Không được tùy tiện cho người khác xem các bộ phận riêng tư
Trước hết phải cho trẻ biết đó là những bộ phận riêng tư nào, cha mẹ phải giải thích cụ thể, rõ ràng, có thể mượn một số sách tranh có liên quan để hướng dẫn trẻ.
Nói cho trẻ biết tầm quan trọng của những bộ phận riêng tư, đồng thời dặn trẻ không được tùy tiện cho người khác xem, chứ đừng nói đến việc tùy tiện chạm vào chúng. Ngay cả cha mẹ cũng phải được sự đồng ý của trẻ.
2. Trẻ cũng không được nhìn vào bộ phận riêng tư của người khác
Nói với trẻ rằng người khác không thể tùy ý nhìn và sờ bộ phận riêng tư của trẻ, còn trẻ cũng không được nhìn vào bộ phận riêng tư của người khác. Dặn trẻ phải biết tôn trọng người khác thì người khác mới tôn trọng mình.
3. Khi gặp rắc rối nên nói với bố mẹ càng sớm càng tốt
Thông thường, sau khi một đứa trẻ bị tổn thương, chúng sẽ bị đối phương đe dọa không được nói ra, nếu không sẽ xảy ra chuyện.
Vì vậy, trong quá trình trưởng thành của trẻ, cha mẹ nhất định phải rèn luyện cho trẻ thói quen chủ động chia sẻ. Về phần mình, cha mẹ cũng phải tỏ ra là chỗ dựa vững chãi, giúp trẻ hiểu rằng trẻ không cần sợ vì cha mẹ luôn ở đó, lắng nghe và bảo vệ trẻ.
4. Dạy con không tùy tiện nhận đồ của người lạ
Một số người thường dùng đồ chơi, đồ ăn để dụ trẻ đạt được mục đích của mình, nếu trẻ không chịu được cám dỗ sẽ bị lừa gạt.
Vì vậy, trong quá trình giáo dục trẻ, cha mẹ phải dạy trẻ không tham lam vì những lợi ích nhỏ nhặt, không tự ý nhận đồ của người lạ và sớm phổ biến những kiến thức an toàn tương tự, để trẻ có tư duy phòng vệ từ nhỏ, tránh rơi vào cạm bẫy của kẻ xấu.
Giáo dục gia đình là nền tảng giáo dục đầu tiên trẻ nhận được, cha mẹ là người thầy đầu tiên của trẻ. Để trẻ không bị tổn thương, cần kịp thời giúp trẻ hình thành quan niệm đúng đắn, loại bỏ tư tưởng tò mò sai lệch để trẻ có thể lớn lên khỏe mạnh.
Nguồn: Sohu