Dằng dai cuộc đối đầu giữa Chính phủ và Quốc hội Mỹ về mức trần nợ công
(Thethaovanhoa.vn) - Chính phủ và Quốc hội Mỹ đang tiến gần tới một thỏa thuận về việc nâng mức trần nợ công. Tuyên bố trên được Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin đưa ra trong bối cảnh Chính phủ Mỹ đối diện với nguy cơ cạn ngân sách hoạt động vào đầu tháng 9 tới.
Phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng ngày 15/7, Bộ trưởng Mnuchin cho rằng hai bên có một sự ưu tiên ở mức độ nào đó để có thể đạt được nhất trí về tăng mức trần nợ công và thỏa thuận ngân sách, nhấn mạnh "đó là lựa chọn hàng đầu".
Theo ông, tất cả các bên đều mong muốn đạt được thỏa thuận về hai vấn đề này, dù "những thỏa thuận này rất phức tạp". Ông đồng thời hối thúc các nghị sĩ sớm đưa ra quyết định về vấn đề nâng trần nợ trước kỳ nghỉ vào tháng 8 tới.
Cũng trong phát biểu của mình, Bộ trưởng Mnuchin cho biết đã cùng các nghị sĩ thảo luận về một thỏa thuận ngân sách trong hai năm, theo đó quy định mức chi tiêu liên bang cho tài khóa 2020 (bắt đầu từ 1/10 tới) và tài khóa 2021.
Trước đó, ngày 12/7, trong thư gửi Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, Bộ trưởng Mnuchin đã cảnh báo Chính phủ Mỹ đang đối diện với nguy cơ hết ngân sách hoạt động vào đầu tháng 9 tới, đồng thời kêu gọi Quốc hội nên nhanh chóng nâng mức trần nợ công.
Kể từ tháng 3 vừa qua, Bộ Tài chính Mỹ đã triển khai nhiều biện pháp nhằm tái phân bổ lại ngân sách hoạt động cho chính phủ sau khi chạm ngưỡng 22.000 tỷ USD giới hạn nợ công do Quốc hội đặt ra. Các quan chức bộ này cảnh báo rằng nếu không tăng mức giới hạn vay nợ, Mỹ có thể lần đầu tiên bị vỡ nợ, do đó họ đang hối thúc Quốc hội hành động trước khi nghỉ Hè cuối tháng này.
Mức trần nợ công của Mỹ trước đó được quy định là 20.500 tỷ USD. Tháng 2/2018, Quốc hội Mỹ đã chấp thuận đình chỉ thực hiện quy định này cho đến hết ngày 1/3/2019 trong khuôn khổ thỏa thuận về dự luật chi tiêu ngân sách năm 2019 giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ. Hồi đầu tháng 3, Bộ trưởng Tài chính Mnuchin đã hối thúc các nghị sĩ Quốc hội nâng trần nợ công để tránh nguy cơ nền kinh tế lớn nhất thế giới vỡ nợ.
Nợ công của Mỹ được tính là cộng dồn tổng thâm hụt ngân sách hằng năm. Bộ Tài chính Mỹ đang đối mặt với thâm hụt ngân sách ngày càng tăng một phần từ chính sách giảm thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra hồi năm 2017. Cơ quan này từng nói rằng Chính phủ Mỹ chỉ còn đủ tiền hoạt động tới hết mùa Thu.
Tuy nhiên, tốc độ thâm hụt đang nhanh hơn dự kiến. Tháng 2 vừa qua, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) cho biết thâm hụt ngân sách của nước này trong năm 2019 có thể sẽ lên mức 897 tỷ USD, tăng 15,1% so với mức 779 tỷ USD của năm ngoái.
Cơ quan trên cảnh báo thâm hụt ngân sách sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới, vượt ngưỡng 1.000 tỷ USD mỗi năm bắt đầu từ năm 2022 và sẽ không giảm xuống dưới mức này cho tới năm 2029. CBO cũng dự báo Bộ Tài chính sẽ rơi vào tình trạng "cháy túi" vào thời điểm gần cuối năm tài khóa 2019 hoặc đầu tài khóa 2020, tức vào cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10 tới, nếu Quốc hội không tăng trần nợ.
Phương Oanh/TTXVN