Dân Trung Quốc cháy túi, méo mặt vì 'lướt sóng' chứng khoán
(Thethaovanhoa.vn) - Trong một ngày Chủ Nhật nóng nực hồi giữa tháng 6, khoảng 600 nhà đầu tư chứng khoán Trung Quốc chen nhau đứng trong phòng khiêu vũ lớn nhất của khách sạn Grand Hyatt tại Lujiazui, nơi được xem là Phố Wall của Thượng Hải.
Với việc chứng khoán Trung Quốc đã ở mức cao nhất trong 7 năm qua, nhiều nhà đầu tư tìm tới đây để lắng nghe lời khuyên từ Wang Weidong - quan chức công ty Adding Investment và là một trong những nhà quản lý đầu tư có uy tín bậc nhất.
"Chơi" chứng khoán theo lời khuyên của thợ làm đầu
Những người có mặt quá đông, tới mức những chiếc điều hòa không thể kham nổi. Nhân viên trong khách sạn đã phải mang ra nhiều chiếc ghế và nước đóng chai để phục vụ họ.
Lần ấy, chỉ số chứng khoán Shanghai Composite Index đã đạt 5.178,19 điểm, mức cao nhất trong 7 năm qua. Phiên giao dịch kết thúc vào ngày thứ Sáu của tuần đó đã chứng kiến chứng khoán dừng lại ở mốc 5.166,35 điểm, tăng 162% so với mức thấp điểm vào năm 2014.
Trong cuộc trò chuyện, Wang dẫn nguồn một loạt bài bình luận trên báo chí chính thống, dự đoán việc nhà đầu tư sẽ đạt lợi nhuận lớn. Wang kết thúc bài phát biểu bằng cách kêu gọi họ ngừng việc đi nghỉ, du lịch... để "lướt sóng" chứng khoán.
Ngày hôm nay, chỉ số Shanghai Composite Index đã mất đi hơn 1/4 giá trị kể từ đỉnh cao đạt được trong tháng 6. Nhưng điều đáng chú ý là ngay khi chỉ số này đã trượt qua đỉnh, các nhà đầu tư vẫn thi nhau mở hàng triệu tài khoản giao dịch để có thể tham gia cuộc chơi.
Sophie Wang, một giáo viên nghệ thuật 32 tuổi ở Nam Kinh, nói trong một cuộc phỏng vấn rằng chị mở tài khoản giao dịch đầu tiên cách nay 2 tuần và đã mua một số cổ phiếu dựa trên "lời khuyên từ người thợ làm đầu" cho chị.
Wang cho biết số cổ phiếu chị nắm giữ đã sụt giảm tới 32% giá trị. "Tôi không theo dõi chặt tin tức về chứng khoán. Cô làm đầu cho tôi bảo rằng thị trường vẫn đi lên và tôi phải tham gia" - chị nói. Kết cục là chị chẳng biết phải làm gì khi thị trường bắt đầu đi xuống và chị vẫn đang giữ lấy các cổ phiếu.
Wang không phải cá biệt. Nhiều người khác cũng nếm quả đắng từ chứng khoán. Anita Lu, một chuyên viên quan hệ công chúng ở Thượng Hải, đã bỏ gần hết tiền tiết kiệm vào công ty sản xuất ống nước Sichuan Goldstone Orient. Khi chị bỏ tiền mua hồi tháng 5 vừa qua, mỗi cổ phiếu công ty có giá 140 NDT. Tuần trước, chị mới bán lô cổ phiếu này với giá 44 NDT/ cổ phiếu. "Tôi sẽ tránh xa cổ phiếu, càng lâu càng tốt" - chị tuyên bố.
Thi nhau bán tháo cổ phiếu
Chính quyền Trung Quốc đã tỏ ra ngày càng lo ngại về màn bán tháo cổ phiếu của các nhà đầu tư. Nhưng nỗ lực của chính quyền, gồm việc cắt giảm lãi suất cơ bản, đã không giảm được đà suy thoái của chứng khoán.
Trong ngày thứ Bảy vừa qua, Bắc Kinh đưa ra hành động kiên quyết nhất khi ngừng hoạt động mở bán cổ phiếu (IPO) và thiết lập quỹ bình ổn thị trường để thúc đẩy hoạt động mua cổ phiếu. Ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng cam kết sẽ cho vay vốn, hỗ trợ nhà đầu tư có tiền để tiếp tục mua cổ phiếu.
Trung Quốc từng ngừng hoạt động IPO trong một thời gian, với hy vọng sẽ giảm nguồn cung và kích thích nguồn cầu của thị trường. Lần này, rủi ro lớn hơn vì có tin nói các công ty đã chuẩn bị bán IPO số cổ phiếu trị giá 4.000 tỷ NDT. Ngoài ra, Bắc Kinh còn hy vọng việc gây dựng được thị trường cổ phiếu mạnh để các công ty đang gặp khó khăn ở Trung Quốc có thể thu gom được tiền.
Thực tế thì ngay từ đầu, các nhà đầu tư đã nhìn về phía Bắc Kinh. Sau khi đám đông hoan hô ông Wang Weidong ở khách sạn Grand Hyatt, đã có tin đồn xuất hiện, nói rằng cuối ngày Chủ Nhật, ngân hàng trung ương Trung Quốc sẽ nới lỏng các quy định cho vay và thị trường sẽ đi lên ngay từ thứ Hai tuần sau.
Nhưng khi ngân hàng trung ương không hành động, các nhà đầu tư thất vọng bắt đầu bán tháo cổ phiếu, khiến thị trường mất giá tới 2% trong ngày thứ Hai.
Thấy tâm lý của các nhà đầu tư đi xuống, cơ quan điều phối Trung Quốc đã tung ra một cơn lũ IPO. Trong tháng 6, tổng số tiền thu được từ IPO lên tới 61,4 tỷ NDT, tăng vọt so với mức 17 tỷ NDT trong tháng 1.
Dưới quy định mới nhằm nâng cao lợi nhuận từ IPO, giá cổ phiếu được mở bán ở mức thấp, dẫn tới việc những ngày đầu giao dịch giá luôn tăng vọt, do có quá đông người mua. Cùng lúc, các nhà đầu tư đã mua cổ phiếu trước ngày IPO lại mong chờ ngày này để giải tán bớt cổ phiếu và thu tiền về.
Thiệt hại nặng vì ham lời nhanh?
“Có quá nhiều cổ phiếu IPO, với một lượng lớn tiền kẹt trong đó" - chuyên gia chứng khoán Chaoping Zhu nhận xét. Tuy nhiên chính việc có quá nhiều cổ phiếu IPO đã khiến thị trường nhanh chóng quay đầu sụt giảm, lần lượt 3,7%, 6,4% rồi 13,3% trong tuần trước - thành tích tệ hại nhất của chứng khoán Trung Quốc trong vòng 7 năm. Bắc Kinh phản ứng bằng cách bơm tiền vào thị trường tài chính. Tuy nhiên nhà đầu tư vẫn tiếp tục bán tháo cổ phiếu.
Theo WSJ, kể từ khi các nhà đầu tư bắt đầu cuộc bán tháo trong ngày 12/6, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã "bốc hơi" mất 1,25 ngàn tỷ USD, tức gần bằng nền kinh tế Mexico.
Sau cùng, bên chịu thiệt hại nặng nề nhất là các nhà đầu tư. Frank Zhuang, một nghệ sĩ 42 tuổi đã mua 20.000 cổ phiếu công ty năng lượng Guanghui Energy, với giá 12 NDT/ cổ phiếu, tưởng rằng anh sẽ thu lời lớn.
Rốt cục cổ phiếu của anh giảm mất 30% giá trị, xuống chỉ còn 8,44 NDT/ cổ phiếu. Zhuang cay đắng nói: "Tôi vừa bán một bức tranh và có thêm tiền, nhưng tôi nghĩ rằng mình sẽ dùng nó để nâng cấp xưởng vẽ của mình hơn là lao vào cổ phiếu thêm một lần nữa."
Tường Linh (Theo WSJ)
Thể thao & Văn hóa