Đàn ông 'chất' là người biết tạo ra 'cổ tức niềm tin'
(Thethaovanhoa.vn) - Lý do dẫn đến ly hôn thì nhiều, nhưng chung quy vẫn là do niềm tin vào "đấng phu quân" của những người vợ đã... hết. Trong mắt những người vợ này người đàn ông của họ không còn... chất?
- Đàn ông chất như... 'cáo bạc' Alessandro Manfredini
- Bài dự thi Đàn ông chất: Bố tôi là anh chàng quê lúa
- Người đàn ông với trái tim 'bé bỏng'
1. "Sống bằng niềm tin" - câu thành ngữ tưởng chừng vu vơ ấy lại là "kim chỉ nam" của nhiều người. Bởi khi người ta không có bất kỳ một loại tài sản giá trị nào thì niềm tin trở thành món quà, một giá trị sống không thể thiếu. Ấy vậy mà, thật trớ trêu, điều tưởng như ai cũng có ấy lại đang... thiếu, đang bị thử thách và khủng hoảng trầm trọng.
Bằng chứng là nhìn vào xã hội hiện nay có quá nhiều thứ khiến chúng ta bất an, nghi ngờ, sợ hãi, lo lắng, đề phòng.... Nhiều nhất là các lĩnh vực xã hội như thực phẩm, giáo dục, y tế, môi trường, giao thông,…
Người ta nghi ngờ từ mớ rau con cá đến cốc sữa, ly cà phê bị pha, ngâm hoá chất; sợ mua phải cái túi, đôi giày, chiếc khăn xuất xứ một đằng, made in một nẻo; lo lắng bất an với tình trạng thuốc thang giả mạo, kém chất lượng, điều trị nhầm thuốc; đi tắm biển sợ bị ung thư vì nước biển có thể bị nhiễm chất thải độc hại.
"Mất niềm tin là mất tất cả", mất niềm tin là mất đi các mối quan hệ, không phân biệt được phải trái, tốt xấu lẫn lộn, dẫn đến sự nghi ngờ, lớn hơn là làm mất đi động lực phát triển kinh tế của quốc gia. Nhà kinh tế thần kinh học Paul Zak trong một nghiên cứu năm 2000 chỉ ra rằng: "Các quốc gia có số lượng người đáng tin cậy cao hơn thì giàu có và phát triển hơn. Ngược lại, các quốc gia nghèo nhìn chung là các quốc gia có 'chỉ số niềm tin' thấp".
Như vậy, niềm tin không chỉ là "thước đo" về mặt đạo đức xã hội, mà còn là tiêu chuẩn đánh giá "năng lực" của một quốc gia trong nền kinh tế toàn cầu. Và niềm tin cũng chính là bộ tăng tốc cho để thúc đẩy hoạt động. Khi niềm tin tăng lên đồng nghĩa với việc tốc độ đạt được kết quả cũng được tăng theo, tạo ra "cổ tức niềm tin", giúp cải thiện mọi khía cạnh của công việc và cuộc sống.
2. Nhưng đó là câu chuyện về niềm tin ở tầm "vĩ mô". Còn niềm tin ở cấp độ cá nhân, gia đình trong xã hội, đặc biệt là với cánh mày râu Việt thì sao?
Theo thống kê, ở Việt Nam hiện có khoảng 60.000 vụ ly hôn/năm, tương đương 0,75 vụ/1.000 dân. Tỷ lệ ly hôn so với kết hôn 25%, có nghĩa trong 4 đôi đi đăng ký kết hôn thì 1 đôi đưa nhau ra tòa ly dị.
Những năm qua, ngành tư pháp liên tục báo động về tình trạng án ly hôn gia tăng. Có thời điểm, tỷ lệ án ly hôn ở một số tòa án cấp huyện chiếm tới 50 - 60% án dân sự. Điều đáng chú ý là trong những vụ ly hôn, 70% người đứng đơn là phụ nữ.
Lý do dẫn đến ly hôn thì nhiều, nhưng chung quy vẫn là do niềm tin vào "đấng phu quân" của những người vợ đã... hết, đồng nghĩa với việc 70% đàn ông Việt trong những vụ ly hôn là rất thiếu tin cậy? Trong mắt những người vợ này người đàn ông của họ không còn... chất? Nếu vậy thì nguyên nhân do đâu?
Báo cáo kết quả nghiên cứu “Các yếu tố xã hội quyết định bất bình đẳng giới ở Việt Nam” của Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) vừa công bố cách đây không lâu cho thấy, có tới 97% phụ nữ và 90% đàn ông cho biết, nam giới trong gia đình họ chỉ tham gia từ 0-2 việc trong số 11 việc được liệt kê (đi chợ, rửa bát, nấu ăn, giặt quần áo, dọn dẹp, chăm sóc người ốm, việc hiếu hỉ, đưa đón con...). 90,9% nữ và 78,6% nam cho biết phụ nữ làm ít nhất 5 đầu việc trở lên.
Từ nghiên cứu trên, vị Viện trưởng của Viện cho rằng, đàn ông gây ra nhiều đổ vỡ gia đình, là người gây ra đa số các vụ bạo lực trong gia đình, không chia sẻ việc nhà với vợ, gây áp lực cho vợ... Họ còn là nạn nhân và thủ phạm chính của các vụ tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, nghiện hút, nghiện rượu, bệnh tật hiểm nghèo, đánh nhau...
Không thể đại diện cho tất cả, nhưng còn những người đàn ông... mất chất như thế thì làm sao có thể tạo ra được "cổ tức niềm tin"?
Khôi phục, củng cố lại niềm tin đã mất hoặc đang rơi vào khủng hoảng là hoàn toàn có thể nếu mỗi cá nhân tự thân phải thực tâm và biết trân trọng các giá trị đạo đức tốt đẹp trong xã hội. Giống như các cơn sóng gợn trong lòng hồ, việc khôi phục củng cố niềm tin được bắt đầu từ bên trong mỗi người, lan sang các mối quan hệ, ở mọi cấp độ rồi tỏa ra khắp nơi...
Và nói như Stephen M.R.Covey – tác giả "Tốc độ của niềm tin" là: "Niềm tin được ví như các mạch nước ngầm. Trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, những mạch nước ngầm ấy giữ vai trò nuôi dưỡng các con sông và dòng suối của mọi mối quan hệ, tạo nên chất lượng cuộc sống bên vững, sự cống hiến bền vững.
Không gì có thể nhanh bằng tốc độ niềm tin. Không có mối quan hệ nào mỹ mãn bằng mối quan hệ tin cậy. Không có gì truyền cảm hứng mạnh mẽ bằng tác động của niềm tin. Không có gì có thể sinh lợi bằng tính kinh tế của niềm tin. Không gì có sức ảnh hưởng lớn hơn sức mạnh của niềm tin".
Niềm tin có thể làm thay đổi mọi thứ. Niềm tin cần phải được xây dựng, khôi phục và mở rộng ở mọi cấp độ tạo nên cuộc sống chất lượng trong mỗi gia đình. Cùng tạo ra "cổ tức niềm tin" để "cơ thể xã hội" khỏe mạnh không phải bây giờ thì bao giờ nữa?
Tiên phong cho việc cho việc tạo ra "cổ tức niềm tin" nên là các "quý ông". Chỉ khi nam giới không phân biệt lứa tuổi, thế hệ biết tạo ra "cổ tức niềm tin" biến nó thành một năng lực kinh tế, có sức mạnh vật chất và truyền cảm hứng cho mọi người, với tôi đó mới là đàn ông "chất"!
Phạm Tố Mai