'Dán nhãn' phim truyền hình và hơn thế nữa (Bài 2): Rào cản với truyền hình 'nội'
Theo “Hội nghị triển khai quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh - truyền hình (PT-TH) đến năm 2020 và các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực PT-TH” tại TP Nha Trang ngày 24/7/2009, thì: Việt Nam thuộc nhóm các nước có số lượng đài PT-TH quảng bá tính trên tỷ lệ dân số vào loại cao nhất thế giới.
Theo số liệu thống kê của Viện Chiến lược (Bộ TT&TT) thì hiện có khoảng 16/22 triệu hộ gia đình đã có ti-vi, trong đó việc phát nhận sóng tương tự mặt đất (anolog ti-vi, nhận sóng bằng ăng-ten) chiếm đến 76/88 đài. Về mặt kỹ thuật và tình trạng thường xem ti-vi chung ở nhiều gia đình thiếu không gian riêng, việc phân loại người xem sẽ được làm như thế nào cho hợp lý?
Để tạo tiền đề, “Quyết định phê duyệt Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020” (2451/QĐ-TTg) ngày 27/12/2011 đã chỉ ra 4 giai đoạn thực hiện. Đầu tiên áp dụng với 5 thành phố trực thuộc trung ương là Hà Nội (cũ), TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ, sẽ hoàn toàn chuyển sang truyền hình số mặt đất trước ngày 31/12/2015. Giai đoạn 2 với 26 tỉnh thành, dự kiến xong trước ngày 31/12/2016. Giai đoạn 3 với 18 tỉnh thành, xong trước ngày 31/12/2018. Để giai đoạn cuối cùng sẽ tiến hành với các tỉnh thuộc vùng sâu, vùng xa trước ngày 31/12/2020.
Nếu việc chuyển số hóa này chưa hoàn tất thì việc phân loại người xem truyền hình (từ năm 2015) cũng sẽ khó hợp lý, chu toàn. Trong khi đó, TP Hà Nội từng kiến nghị lên Bộ TT&TT để cho phép phát sóng song song analog và kỹ thuật số đến hết ngày 31/12/2016.
“Lượng khán giả của Đài PT-TH Hà Nội bao gồm hơn 7 triệu dân sinh sống trên địa bàn thủ đô và khoảng 20 triệu dân thuộc 9 tỉnh lân cận. Việc số hóa trước các địa phương chắc chắn sẽ khiến độ phủ sóng của nhà đài Hà Nội bị thu hẹp, liên quan tới thị phần và doanh thu quảng cáo của họ trong một vài năm đầu” - bà Phan Lan Tú (Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội) từng phân tích.
Sợ mất độc giả và thị phần quảng cáo không chỉ đến với Hà Nội, mà còn vài tỉnh thành khác. TP.HCM dường như có quan điểm khác. Tháng 7/2014, TS Lê Quốc Cường (Phó giám đốc Sở TT&TT TP.HCM) cho biết: “Thống kê sơ bộ của chúng tôi cho thấy số lượng người dân đang sinh sống tại các huyện vùng xa của TP.HCM đang sử dụng ti-vi công nghệ analog không nhiều. Do vậy, lộ trình số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình của Chính phủ không tác động nhiều đến người dân TP.HCM. Yêu cầu dùng bộ giải mã chỉ áp dụng với những hộ dân đang dùng truyền hình công nghệ analog ti-vi, nhằm tạo điều kiện để họ được xem khoảng 20 kênh truyền hình miễn phí, thay vì chỉ được sử dụng 3-4 kênh như hiện nay”.
Theo nhiều nghiên cứu cho thấy ngày nay người xem lớn tuổi có vẻ dễ dãi hơn với các phim bạo lực, tình dục phát trên truyền hình, tức là số lượng than phiền, khiếu nại với cơ quan quản lý (Ofcom) có giảm đi. Thay vào đó, người ta lo ngại hơn là trẻ em có thể dễ dàng xem nội dung người lớn qua các phương tiện di động, khi mà việc kết nối và tương thích giữa truyền hình và các “nội dung di động” (mobile content) đã nhanh chóng hơn. Cho nên, việc phân loại cũng không chỉ dừng lại ở phim, mà còn phải đi vào nhiều lĩnh vực khác trên truyền hình, thành một quy chuẩn chung.
Đạo diễn Nguyễn Hữu Trọng: Thúc đẩy nội dung truyền hình phát triển “Việc phân loại phim là rất cần thiết vì sẽ tránh nhập nhằng, lo lắng về nội dung. Duy chỉ việc phân biệt phim nào, loại gì, phân biệt những lằn ranh hết sức mỏng manh giữa đâu là nghệ thuật, đâu là không nghệ thuật thì cần phải làm kỹ. Xưa nay phim truyền hình vẫn bị hạn chế nhiều vì đối tượng khán giả quá rộng. Tuy nhiên, càng ngày truyền hình sẽ càng hướng đến những nhóm đối tượng cụ thể hơn. Đơn cử như talk show Chuyện đêm muộn, toàn bàn về chuyện vợ chồng, tình yêu, chuyện chăn gối... những chủ đề mà trước đây truyền hình không hề đề cập tới. Chương trình phát sóng vào khung giờ rất muộn, khoảng 23h30, và không phát lại vào các khung giờ bình thường. Đây cũng có thể coi là một cách phân loại khán giả của nhà đài ở mức độ thô sơ nhất. Cá nhân tôi thấy các đài truyền hình đã quản trị nội dung khá tốt, tất nhiên thỉnh thoảng cũng có “sạn” nhưng không đáng kể. Việc phân loại khán giả cũng sẽ thúc đẩy các nhà phát triển nội dung mở ra nhiều lĩnh vực mới. Hiện chúng tôi đã bắt đầu phát triển một công nghệ mới cho truyền hình trả tiền, hướng tới từng gia đình, từng người xem. Khán giả sẽ không phải phụ thuộc vào một khung giờ, một kênh nào, họ thích một bộ phim chẳng hạn, họ có thể truy cập bất cứ lúc nào. Người dùng tất nhiên phải có tiền, có thẻ, đăng nhập bằng email hoặc tài khoản Facebook. Người lớn sẽ kiểm soát được nội dung trên ti-vi nhà mình và quyết định con cái họ sẽ được xem kênh gì. Khái niệm khung giờ vàng cũng không có nữa, vì bây giờ bạn có thể biến bất kể khung giờ nào thành khung giờ vàng của mình”. Biên kịch Lê Anh Thúy: Mở rộng biên độ sáng tạo cho phim “Thời điểm làm phim Trò đời, từ khâu biên kịch chúng tôi đã phải tiết chế rất nhiều trong cách viết, vì xác định viết cho đông đảo khán giả truyền hình xem. Khi lên phim, đạo diễn Nhuệ Giang một lần nữa phải tiết chế những cảnh nhạy cảm, gần như chỉ làm cho đủ sức gợi thôi. Như nhân vật Phó Đoan được Vũ Trọng Phụng khắc họa là người đàn bà lẳng lơ, có nhu cầu tình dục cao, lúc nào cũng tỏ ra đoan chính. Nhưng trên phim những cảnh liên quan đến bà Phó Đoan đều rất tiết chế, không có gì hở hang cả. Nếu Trò đời được xác định phát cho đối tượng người lớn thì những nhân vật sẽ được khắc họa giống trong tác phẩm gốc hơn, bộ phim sẽ tốt hơn. Ở khía cạnh nào đó việc phân loại kênh, phân loại khán giả là một việc làm rất cần thiết. Điều này cũng giúp cho người làm sáng tạo nội dung được có không gian sáng tạo rộng hơn. Mặt khác việc phân loại cũng giúp khán giả chủ động chọn thông tin phù hợp với mình, và kiểm soát được việc cho trẻ em xem gì. Ngọc Diệp |
Như Hà
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần