'Dán nhãn' phim truyền hình và hơn thế nữa (Bài 1): Câu chuyện dài hơn thế kỷ
Mới nghe thì thấy việc dán nhãn phân loại người xem (phim và truyền hình) có vẻ rắc rối, nhưng đây là việc mà hầu hết các nước phát triển đã làm, như Anh khởi động từ năm 1912, Pháp từ 1961, Mỹ từ 1968…
Theo dự kiến, từ năm 2015 (chưa xác định tháng) Việt Nam sẽ tiến hành dán nhãn phân loại theo độ tuổi người xem với những bộ phim phát sóng trên truyền hình. Đây là xu thế tất yếu, nhưng thực trạng kỹ thuật và hoàn cảnh người xem truyền hình tại Việt Nam có đáp ứng kịp?
Đang trong giai đoạn soạn thảo và hoàn chỉnh bộ quy chế này nên Cục Điện ảnh từ chối trả lời những câu hỏi mang tính kỹ thuật mà độc giả muốn nhờ báo Thể thao & Văn hóa Cuối tuần tìm câu trả lời. Chính vì vậy, chúng tôi đưa ra đây cách phân loại từ vài nước để độc giả tham khảo thêm và vài băn khoăn còn tồn đọng trước khi việc dán nhãn có hiệu lực thực tế tại Việt Nam:
Tại Anh, một tổ chức phi chính phủ có tên Ban Phân loại phim Anh quốc (BBFC), mà trước năm 1985 là Hội đồng kiểm duyệt phim Anh quốc (British Board of Film Censors) - một tổ chức ra đời từ năm 1912, chịu trách nhiệm phân loại phim cho rạp chiếu, truyền hình và các loại hình khác như video, DVD, kỹ thuật số. Chỉ với cột mốc này thì thế giới đã có hơn 100 năm sống với việc phân loại, dán nhãn người xem phim và phim truyền hình.
Tổng quan, ở Anh và nhiều nước khác vẫn dùng khái niệm “Watershed” (tạm dịch: phân luồng) để kiểm soát việc phát sóng truyền hình. Với truyền hình miễn phí, sử dụng kỹ thuật truyền hình analog (tương tự) như vô số kênh ở Việt Nam, ai có ti-vi cũng xem được, thì ở Anh Watershed bắt đầu từ 21h đến 5h30 sáng. Ngoài thời gian này, nội dung không phù hợp với trẻ em (tình dục, bạo lực, chửi tục...) không được phát. Quy định chung chung thì những gì chiếu trên ti-vi trước 21h phải phù hợp cho trẻ em dưới 15 tuổi, xem mà không cần cha mẹ ngồi cạnh. Với truyền hình thuê bao, Watershed giãn ra một chút, từ 20h tối đến 5h30 sáng.
Truyền hình Việt “rộng thước” hơn Anh quốc
Về phim trên ti-vi, nước Anh chia ra hai loại: một là phim điện ảnh đã chiếu rạp, sau đó được chiếu trên ti-vi; và hai là phim truyền hình. Nhìn chung, phim cho 15 tuổi trở lên chiếu sau 21h, phim cho 18 tuổi trở lên chiếu sau 22h, đây là điều được áp dụng cho những ti-vi miễn phí. Phim có cảnh nóng nhưng không đến mức gợi dục thì được chiếu ở ti-vi miễn phí sau giờ Watershed (tức là sau 21h đến 5h30 sáng). Cảnh quay làm tình có thể được chiếu ngoài giờ nếu có “mục đích giáo dục nghiêm túc”.
Phim có nội dung tình dục người lớn chỉ được chiếu trên dịch vụ thuê bao trả tiền từ 22h đến 5h30, nhưng phải có hệ thống kiểm soát bắt buộc (mandatory restricted access). Ví dụ, phải có PIN (mật mã), để ai biết số PIN nhập vào thì mới xem được. Phim sex nặng (hardcore porno, R18) không được chiếu bất kỳ lúc nào. Ti-vi thuê bao có thể có kênh riêng cho phim porno, nhưng là loại nhẹ hơn.
Ti-vi thuê bao được tự do hơn, được phép phát phim có nội dung rating trên 18 tuổi sau 21h tối, phim cho 15 tuổi trở xuống thì có thể chiếu bất kỳ giờ nào, nhưng cũng phải có hệ thống PIN. Trong hệ thống này còn chia ra thêm loại “pay per view”, tức là một số phim bắt trả thêm tiền ngoài tiền thuê bao, thì mới được xem. Với dạng phim này, thì phim trên 18 tuổi được chiếu bất kỳ lúc nào, nhưng cũng phải có hệ thống PIN. Ngoài ra, phải có thêm các thủ tục như có cảnh báo trước khi chiếu, hóa đơn tính tiền phải ghi rõ xem giờ nào…
Với phim truyền hình thì phải tuân thủ giờ Watershed, tức là nội dung cho người trưởng thành chỉ được phát sau 21h, cảnh khỏa thân cực kỳ hạn chế, đặc biệt là cho ti-vi miễn phí. Ví dụ loạt phim truyền hình nổi tiếng Game Of Thrones, chỉ chiếu trên ti-vi thuê bao sau 21h.
Với hệ thống phân loại như trên đây thì nhiều phim (xã hội đen, kiếm hiệp, hành động, tình cảm, tâm lý, chiến tranh…) phát sóng ban ngày trên nhiều kênh truyền hình tại Việt Nam có thể sẽ bị Anh quốc đặt vấn đề là “không phù hợp khung giờ có trẻ em xem ti vi”.
Vài nước có vẻ còn “chật đất” hơn
Tại Pháp, các “ô trắng” đã được thực thi trên truyền hình từ tháng 3/1961, khi bộ phim L’Exécution của Maurice Cazeneuve công chiếu, vì có vài giây do nữ khỏa thân. Vai trò của nó là để cảnh báo với người xem rằng đây là phim “không thể phù hợp cho tất cả các nhóm tuổi”. Từ đây, họ có một hệ thống phân loại theo màu sắc, hình thù và lời nhắc để khán giả xem truyền hình nhớ về độ tuổi của mình. Ví dụ viên kim cương màu trắng là dành cho tất cả các chương trình công cộng (loại 1); một hình tam giác màu trắng nằm trong ô màu da cam là “phải có sự đồng ý của cha mẹ, yêu cầu người xem trên 12 tuổi” (loại 3)…
Tại Mỹ, hệ thống phân loại được thành lập bởi một tổ chức phi chính phủ có tên MPAA (Hiệp hội Điện ảnh Mỹ) vào năm 1968. Nhiệm vụ của họ là cung cấp cho cha mẹ những công cụ hợp lý và khoa học cần có để đưa ra quyết định về những gì con cái của họ sẽ xem. TV Parental Guidelines (trụ sở tại Washington DC) có cách phân loại khán giả truyền hình với các ký hiệu như sau: TV-Y (phù hợp với tất cả trẻ em), TV-Y7 (phù hợp với trẻ em 7 tuổi trở lên), TV-Y7-FV (cần định hướng giúp trẻ), TV-G (xem chung), TV-PG (cha mẹ cần cảnh giác), TV-14 (cha mẹ cần cảnh giác với trẻ dưới 14 tuổi), TV-MA (khán giả trưởng thành)…
Tại Australia các phim chiếu rạp, truyền hình và trò chơi điện tử được phân loại với các ký hiệu như sau: G (ai xem cũng được), PG: (dưới 15 tuổi muốn xem phải có cha mẹ giám sát), M (có mức độ bạo lực nhẹ nhàng, hình ảnh tình dục lớt phớt và ngôn ngữ thô tục ở mức độ nhẹ, chỉ đề nghị (recommend) rằng trẻ dưới 15 tuổi không nên xem), MA (cấm trẻ dưới 15 tuổi), R18+ (muốn vào rạp xem phim này thì phải mang giấy tờ tùy thân. Truyền hình chỉ chiếu vào giờ khuya, cấm chiếu vào giờ ăn cơm), X 18+ (là phim sex, loại này chỉ bán và cho thuê hợp pháp tại Thủ đô Canberra (ACT) và Bắc Australia - nơi chỉ mới là “lãnh thổ” chứ chưa được công nhận quy chế tiểu bang), RC (loại bị từ chối, bị cấm bán hay thuê)... Tất cả các phim chiếu trên truyền hình phải nêu rõ thứ hạng đã được cơ quan chuyên môn phân loại. Cơ quan phụ trách việc này là Classification Board, trực thuộc Bộ Tư pháp liên bang (Attorney-General’s Department).
Không rõ trong bộ quy chế mà Cục Điện ảnh đang hoàn chỉnh có phân loại chi tiết như trên đây không, chứ lâu nay với phim chiếu rạp chúng ta chỉ có hai thứ hạng: trên và dưới 16 tuổi, còn truyền hình thì chưa. Chia sẻ hệ thống truyền hình cáp với các kênh chuyên chiếu phim quốc tế như HBO, AXN, Star Movies…, nếu không phân loại khoa học, việc khán giả trẻ em xem phim quá độ tuổi của mình là đương nhiên. Đây là chưa nói vài trò chơi thực tế trên truyền hình bây giờ khá “nóng” và “mạnh” với trẻ em.
Đón đọc bài 2: Rào cản với truyền hình 'nội'
Văn Bảy
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần