Dàn nhạc giao hưởng lâu đời nhất tại Nga trình diễn âm nhạc Việt Nam
Ngày 6/5, trong khuôn khổ chương trình "Những viên ngọc của âm nhạc Nga và Việt Nam", Dàn nhạc giao hưởng hàn lâm quốc gia Moskva (MGASO) - một trong những dàn nhạc giao hưởng lâu đời nhất tại LB Nga - đã chọn 3 sáng tác của của nhạc sĩ Lê Tự Minh để trình diễn cùng với các tác phẩm của các nhà soạn nhạc xuất sắc của Nga tại đại khán phòng của Nhạc viện Moskva.
Với truyền thống trình diễn xuất sắc những tác phẩm kinh điển của thế giới và những tác phẩm hay nhất của các tác giả hiện đại, MGASO đã giới thiệu đến khán giả Moskva 3 bản romance của nhạc sĩ Việt Nam Về bên Mẹ, Ơi con sông Vàm Cỏ và Hồi sinh qua phần trình diễn của nữ nghệ sĩ độc tấu nổi tiếng Anna Aglatova - một trong những giọng nữ cao đẹp nhất thế giới; nghệ sĩ cello, chỉ huy Tứ tấu cello của Nhà hát Lớn Moskva Boris Liphanovsky và dàn nhạc dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Airat Kashaev.
Tại Xứ sở Bạch Dương, những nghệ sĩ này được xem là bảo chứng cho chất lượng biểu diễn và điều này có thể thấy rõ qua khán phòng đông kín người trong một buổi tối ngày thường se lạnh.
Ngoài sự công nhận về chuyên môn, chương trình âm nhạc Nga - Việt này còn mang ý nghĩa biểu tượng khi diễn ra vào tháng Năm, khi cả hai nước kỷ niệm những ngày lễ lớn nhất – tại Việt Nam là ngày chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5 và tại Nga là Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại 9/5.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN, nhạc sĩ Lê Tự Minh cho biết ông cùng Chủ tịch Ban chấp hành Hội nhạc sĩ Nga Rashid Kalimullin kỳ vọng buổi biểu diễn này sẽ là "viên gạch nhỏ" góp phần xây đắp thêm tình đoàn kết Nga - Việt cũng như đóng góp cho nền âm nhạc thế giới. Ông cho biết: "Buổi biểu diễn diễn ra vào thời điểm rất quan trọng, đó là kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và 79 năm chiến thắng phát xít Đức. Đây là hai sự kiện của hai dân tộc. Tôi và ông Kalimullin, chủ tịch (Ban chấp hành) Hội nhạc sĩ Nga, rất vinh dự đóng góp để nói lên tiếng nói của người yêu chuộng hòa bình, nêu bật tình đoàn kết của hai dân tộc".
Một tác phẩm âm nhạc để được trình diễn trên sân khấu Nhạc viện Moskva trước hết phải được giới chuyên môn đánh giá cao và âm nhạc Việt Nam đang dần từng bước chinh phục những khán giả hàn lâm ở thủ đô Moskva.
Ông Nikolai Kolesnik cùng vợ là bà Galina vốn là những người bạn của Việt Nam. Ông chia sẻ: "Đã lâu rồi chúng tôi chưa được nghe nhạc Việt Nam, nhất là âm nhạc do dàn nhạc trình diễn tại một khán phòng cao cấp như Nhạc viện".
Trong cảm nhận của ông, nhạc Việt Nam rất đẹp, tinh tế và mềm mại, dễ dàng lắng đọng trong tâm hồn. Cũng chính vì thế, dù đã mấy chục năm sau khi ông làm việc tại Việt Nam với tư cách là chuyên gia quân sự, đến nay ông vẫn còn nhớ được giai điệu bài hát thường được phát vào buổi sáng trên sóng đài phát thanh thời đó. Vợ ông - bà Galina, người đã tốt nghiệp trường nhạc, khẳng định: "Người Việt Nam có giọng rất đẹp".
Anh Andrey - người đã từng sống và làm việc tại Việt Nam - chia sẻ rằng nghe nhạc Việt Nam tại thủ đô Moskva thực sự là một dịp quan trọng, là cơ hội để anh một lần nữa trở về gần hơn với đất nước mà anh yêu mến. Anh nhấn mạnh: "Tôi đã từng sống mấy năm ở Việt Nam và sự kiện ngày hôm nay đối với tôi thực sự rất quan trọng. Nó cho thấy quan hệ giữa hai nước phát triển tích cực và một lần nữa là minh chứng cho tình đoàn kết gắn bó giữa hai nước Việt Nam – LB Nga".
Trong 2 bản romance Việt Nam được trình diễn qua giọng nữ cao xuất chúng Anna Aglatova, Hồi sinh là bản nhạc sĩ Lê Tự Minh tâm đắc nhất. Như nhạc sĩ giải thích, khi sáng tác Hồi sinh ông nhớ đến sự bừng dậy của thiên nhiên Nga khi đông qua xuân đến, cũng như sức hồi sinh mãnh liệt của con người lao động, sáng tác, chinh phục những đỉnh cao và vun đắp cho tình hữu nghị anh em.