Đàn bầu - kết tinh của văn hóa Việt (kỳ 1): Cách phát âm 'độc nhất' thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Như bài viết trong số báo ngày 26/10, vấn đề xuất xứ của đàn bầu đang thu hút sự quan tâm lớn từ độc giả. Và, Thể thao & Văn hóa (TTXVN) xin giới thiệu một số thông tin thú vị về cây đàn đặc biệt này.
Một số nước trên thế giới cũng có nhạc cụ 1 dây như: đàn ixian qin (Trung Quốc), ichigenkin (Nhật Bản), sadev (Campuchia), gopi yantra (Ấn Độ)… Tuy nhiên, 2 điều khác biệt của đàn bầu đối với các cây đàn 1 dây khác trên thế giới đó là: dùng tay trái điều khiển cần đàn để thay đổi cao độ của các nốt nhạc phát ra và nguyên lý phát âm của đàn là dựa vào các bồi âm.
Cụ thể, sau khi dùng que gảy để gảy dây đàn, người chơi đàn ngay tức thì dùng cườm tay phải (tay cầm que gảy) chạm vào dây đàn một lần nữa để tạo nên bồi âm. Đây là cách phát âm được xem là độc đáo của đàn bầu, nó không giống với bất kỳ nhạc cụ nào. Và cũng chính vì vậy mà tiếng đàn bầu có âm sắc rất đặc biệt.
Nghệ sĩ Hải Phượng (TP.HCM) và cây đàn bầu Ảnh: Hải Sơn
Từng học đàn bầu tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, ca sĩ - nhạc sĩ Bảo Lan cho biết:“Âm thanh của đàn bầu trong trẻo, gợi cảm. Việc uốn cần đàn để làm căng hoặc chùng dây đàn nhằm tạo ra những nốt nhạc khác nhau rất phù hợp với lối hát luyến láy trong nhạc dân gian Việt Nam. Tiếng đàn cũng gần gũi với giọng hát của con người ".
Cũng theo ca sĩ - nhạc sĩ Bảo Lan, chính việc sử dụng cần đàn để tạo những cao độ khác nhau đã khiến những nốt nhạc không có cao độ “tuyệt đối” như các loại đàn phím hoặc piano. Người nghệ sĩ có thể tạo nên những âm thanh “già, non, nông, sâu” đầy cảm hứng tùy theo cảm xúc âm nhạc lúc mình trình tấu”.
2. Dân gian xưa thường truyền tụng câu ca dao: Đàn bầu ai gảy nấy nghe/ Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu. Điều đó cho thấy âm thanh đàn bầu rất gợi cảm, dễ mê hoặc người nghe. Vì vậy mọi người thường cho rằng tiếng đàn bầu mang sắc thái buồn, ai oán.
Tuy nhiên, Bảo Lan cho biết thêm: “Đàn bầu có thể diễn tấu những giai điệu với bất kể cảm xúc nào, nó cũng có thể thể hiện bằng nhiều kỹ thuật phong phú như: gảy, rung, nhấn, vê… Trong một concerto của nhạc sĩ Nguyễn Thiên Đạo viết cho đàn bầu và dàn nhạc giao hưởng mà Bảo Lan trình tấu phần đàn bầu, Nguyễn Thiên Đạo đã khai thác những âm thanh ma mị, dữ dội của đàn bầu mà trước đây chưa ai từng sử dụng”.
Cũng chính nhờ có những ưu điểm trên, đàn bầu có thể "một mình", hoặc cùng các nhạc cụ khác đệm cho ngâm thơ, đệm cho các bài hát dân ca hoặc các thể loại âm nhạc như tuồng, chèo, cải lương, xẩm, ca Huế… Ngoài ra, đàn bầu cũng có thể trình tấu như một nhạc cụ độc tấu.
Theo nghệ sĩ Toàn Thắng, giảng viên đàn bầu tại Nhạc viện TP.HCM, tác phẩm viết riêng cho đàn bầu khá nhiều. Tuy nhiên thịnh hành trên các sân khấu biểu diễn trong và ngoài nước, trước đây các nghệ sĩ đàn bầu thường độc tấu bài Lên ngàn (Hoàng Việt) và Vì miền Nam (Huy Thục) - 2 ca khúc trong thời kháng chiến chống Mỹ.
Thời gian gần đây, 2 bản nhạc viết riêng cho đàn bầu được biểu diễn nhiều nhất là: Nhịp cầu quê hương (của Toàn Thắng, phát triển từ bản Lý qua cầu) và bàn Cung đàn đất nước (Xuân Khải).
Theo NSND Thanh Tâm (người có hơn 40 năm gắn bó với nghệ thuật đàn bầu VN) cho biết, trong quá trình phát triển những năm gần đây, đàn bầu từng được các nghệ sĩ Việt Nam sử dụng để biểu diễn không ít tác phẩm âm nhạc quốc tế. Trong đó có cả những tác phẩm đặc biệt như Phiên chợ Ba Tư (Albert Ketelby); Sakura (Dân ca Nhật Bản), Danube xanh (Johann Strauss); Hotel California (Ban nhạc Eagles)… |
Bình Minh
Thể thao & Văn hóa