Đàm Vĩnh Hưng và Trấn Thành: Có thể chẳng sai nhưng lố!
Có thể Trấn Thành hay Đàm Vĩnh Hưng vẫn đang ấm ức vì sự phản đối tưởng như vô cớ của công chúng. 'Dù sao thì chúng tôi cũng không vi phạm pháp luật', kiểu vậy.
Tôi nghĩ Trấn Thành không sai khi nói rằng, bốn chữ hào-quang-rực-rỡ thật sự rất khó nuốt.
Từng nói chuyện với rất nhiều những nghệ sĩ nổi tiếng, kết bạn với không ít người, tôi biết đằng sau hào quang rực rỡ ấy là một áp lực khổng lồ. Những đêm dài mất ngủ, những lịch trình không một ngày trống, và nỗi lo sợ phập phồng để tìm cách duy trì thứ tình yêu vốn khó nắm bắt của khán giả. Để có được sự "rực rỡ", họ phải chấp nhận đánh đổi đời sống riêng tư và sẵn sàng lao mình vào một guồng quay khắc nghiệt bào mòn sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.
Tôi cũng nghĩ Đàm Vĩnh Hưng cũng không sai khi đồng ý đưa danh hiệu The King vào bộ phim tiểu sử về mình. Với những người bước lên từ con số 0, nhìn lại những thành tựu mình đạt được là một niềm tự hào khó nói nên lời. Có nhẽ nhiều người sẽ muốn ăn mừng điều đó. Ừ đúng, chẳng sai.
Cuộc sống là vậy. Mọi khái niệm đúng - sai đều chỉ là tương đối. Nếu không thuộc về phạm trù đạo đức, thật khó để phán xét rằng câu nói này liệu có sai ở đâu, hay hành động này hình như chưa đúng. Rất có lẽ Trấn Thành hay Đàm Vĩnh Hưng vẫn đang ôm trong lòng một nỗi hàm oan và ấm ức vì sự phản đối tưởng như vô cớ của công chúng. Dù sao thì chúng tôi cũng không vi phạm pháp luật, kiểu vậy.
Nhưng cái lối suy nghĩ “chúng tôi không làm gì sai” vốn dĩ là một cái bẫy chết người với giới nghệ sĩ. Một cái bẫy thật sự có thể đánh bay sự nghiệp của họ chỉ trong vài đêm.
Một nghệ sĩ giải trí nổi tiếng - về cơ bản - là không thể nói: "Tôi không làm gì sai để bạn lên án và nhạo báng tôi". Đó là thứ lập luận một chiều khi đặt trong hệ quy chiếu của một ngành nghề tồn tại bằng tình yêu thương của công chúng. Làm nghệ sĩ, đừng nói là chỉ làm nghệ thuật, mà còn là sống trên lằn ranh yêu - ghét của khán giả. Ngay từ khi bắt đầu, một nghệ sĩ giải trí phải chấp nhận sự thật rằng: Từ nay, họ sẽ sống và lao động để có được sự cảm mến từ khán giả. Điều đó không chỉ đến từ việc họ làm những sản phẩm hay để khán giả đón nhận, mà còn đến từ cá tính, ứng xử và nhân cách mỗi người. Khán giả không chỉ yêu sản phẩm, họ còn có nhu cầu yêu cả những người làm ra nó. Ai muốn phản biện thì tùy, nhưng đó là cách mà ngành công nghiệp giải trí này vận hành.
Quay trở lại với câu chuyện, thật ra Trấn Thành và Đàm Vĩnh Hưng chẳng làm gì sai.Họ: Một người tỏ ra bất mãn với nghề nghiệp và ấm ức trước thái độ khắt khe của khán giả. Một người lại phô trương về thành tựu cá nhân. Rất dễ để nhận ra vấn đề ở đây là gì: Thái độ tự mãn và ích kỷ của họ có thể là thứ khiến khán giả quay lưng.
Tự mãn ở đâu? Ở chính cái danh hiệu nhà vua xuất hiện trong bộ phim tiểu sử của Mr. Đàm. Ai cũng có quyền tự hào về những gì mình đã trải qua và đạt được. Nhưng để làm riêng một bộ phim về mình, chấp nhận việc được gọi là nhà vua và đứng trên tất cả thì có thể nói đó là một sự tự mãn đến mức... ngạo mạn. Đúng là Đàm Vĩnh Hưng có nổi tiếng tột độ trong một giai đoạn, nhưng đó là một giai đoạn Vpop mới manh nha phát triển và người ta không có nhiều lựa chọn. Đóng góp cho nhạc Việt của Đàm Vĩnh Hưng không phải là không có. Nhưng sự đóng góp theo kiểu nền tảng, tiên phong, hay là một bản lề quan trọng tạo ra những dấu mốc cho Vpop, thì câu trả lời là không. Đó là chưa kể vô số scandal lớn nhỏ, những vạ miệng của Đàm đã khiến khán giả nhắc về anh bằng một cảm giác tiêu cực. Bộ phim The King có lẽ sự huyễn hoặc về bản thân và tin rằng khán giả cũng sẽ tặc lưỡi cho qua.
Ích kỷ ở đâu? Ở chính những giọt nước mắt Trấn Thành tuôn rơi trong buổi họp báo của Mr. Đàm. Thời điểm hiện tại, Trấn Thành là bàn tay Midas của showbiz Việt. Bất cứ thứ gì, Trấn Thành chạm vào đều trở thành tiền hoặc rất nhiều tiền. Bộ phim Nhà Bà Nữ đạt doanh thu kỷ lục, là một trong những MC ăn khách nhất hiện tại, và là gương mặt đại diện của vô số nhãn hàng. Tất cả những điều Trấn Thành có đến từ tài năng của anh, nhưng không thể phủ nhận cộng hưởng với đó là rất nhiều sự yêu thương của khán giả. Hào quang rực rỡ mang đến cho Trấn Thành không chỉ danh tiếng, mà còn là một cuộc sống xa hoa còn hơn rất nhiều nghệ sĩ ngoài kia. Vậy mà ở trên sân khấu ấy, Trấn Thành bật khóc một cách chua chát khi nói về đời nghệ sĩ. Như thể anh bị tước đoạt đi rất nhiều thứ trong cuộc đời mình, để rồi chỉ nhận về sự ghét bỏ, chê bai và khinh miệt, chứ không phải là những đặc quyền và vật chất đủ đầy. Để có được những hào quang rực rỡ đúng là không hề dễ nuốt, nhưng chẳng người nghệ sĩ chân chính nào sau khi nhận cho đã những rực rỡ đó lại quay lại nói rằng thật ra nó chẳng sung sướng lắm đâu. Bất cứ thứ gì đều đến cùng cái giá của nó. Để vươn đến đỉnh cao của nghề nghiệp nào cũng là những đánh đổi. Và với "nghề nghệ sĩ", đây là cái giá mà bất cứ ai trước khi bước chân vào đều đã biết trước. Nếu không học cách sống với những phản biện, những chỉ trích, những khắt khe của khán giả, vậy ngay từ đầu, hãy đừng chọn trở thành một người nghệ sĩ.
Trấn Thành hay Đàm Vĩnh Hưng đều là những nghệ sĩ giải trí thuộc hạng già rơ của showbiz. Họ đã có đủ tiền tài, danh vọng, đủ những sự tưởng thưởng và ghi nhận của khán giả, hay cũng có thể nói là họ đã đạt được đến đỉnh cao trong lĩnh vực của mình. Khi có trong tay tất cả, con người ta thường dễ rơi vào trạng thái đặt bản thân mình lên trước mọi thứ. Họ bỗng thấy khi mình đã đủ đầy vật chất và tiếng tăm thì tình yêu thương và sự chú ý của người khác trở thành cái gì đó như một gánh nặng. Họ mất đi sự khiêm tốn và tin vào bản thân hơn là tin vào điều khán giả góp ý. Họ không còn khát khao tìm kiếm sự đồng cảm của khán giả nữa mà tìm cách để bắt khán giả phải hiểu mình, phải chấp nhận mình, phải đi theo ý kiến của mình.
Thật ra nếu Thành có khóc lóc và kể khổ thêm vài lần nữa về "đời nghệ sĩ" của mình thì cũng chẳng sai. Đàm Vĩnh Hưng có làm thêm một phần pre-quel và sequel nữa của The King - cũng chẳng sai. Chẳng hề có đúng - sai ở chuyện này. Họ muốn làm gì chẳng được, bởi đến cuối ngày, điều đó đâu thể làm tổn hại đến ai.
Sau tất cả những ồn ào, Đàm Vĩnh Hưng buộc phải đổi tên dự án phim và phân trần rằng mình chưa từng tự nhận là nhà vua, đó là ý tưởng và góc nhìn của bên phía nhà sản xuất. Đó là một bước đi kịp thời để xoa dịu sự quay lưng của công chúng. Khi sống trong những bong bóng của sự tung hô quá lâu, người nghệ sĩ bây giờ phải chấp nhận rằng, tình yêu thương của công chúng cũng có những ranh giới. Họ phải hiểu rằng không phải mình đã bước lên quá cao là không thể ngã xuống, và buộc phải học cách tiết chế bản thân để giữ gìn tình yêu đó. Ra những sản phẩm tốt thôi chưa đủ, hãy sống với một phẩm cách tốt đẹp. Bởi đó là điều công chúng muốn nhìn thấy ở nghệ sĩ: Một hình mẫu mang đến cho họ niềm vui trong tâm hồn, nhưng cũng là cả cảm hứng về cách sống. Bởi, cũng giống như Trấn Thành từng nói trong một talkshow: "Để đứng ở ngọn núi cao hơn, bạn sẽ được ngắm cảnh đẹp hơn, nhưng cũng sẽ cô đơn hơn và ngã… đau hơn".
Nghệ sĩ - suy cho cùng - cũng chỉ là con người. Và khán giả - suy cho cùng- cũng chỉ là con người. Mà phàm là con người với nhau, chẳng ai lại thích những người khoa trương và ngạo mạn. Phải không?