Đại sứ Pháp Olivier Brochet: "Phải làm sao để các em bắt đầu việc đọc sách từ sớm"
"Để nuôi dưỡng tình yêu đọc sách cho con trẻ, chính bố mẹ phải là những người bạn đầu tiên đồng hành cùng con" - ông Olivier Brochet, Đại sứ Pháp tại Việt Nam, chia sẻ bí quyết đầu tiên - và với ông là quan trọng nhất - trong việc hình thành văn hoá đọc của mỗi người từ nhỏ.
Chia sẻ này nằm trong sự kiện Ngày hội Astérix 2024 và lễ trao giải cuộc thi sáng tác tranh Astérix chơi thể thao cùng các bạn trẻ Việt Nam do NXB Kim Đồng và Viện Pháp tại Việt Nam phối hợp tổ chức tại Hà Nội và TP.HCM tuần qua.
Ông đã dành cho báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) cuộc trò chuyện.
Asterix - một biểu tượng Pháp
* Ông thấy sự đón nhận của độc giả Việt Nam về tác phẩm Astérix trong những năm qua cũng như qua cuộc thi vẽ tranh "Astérix chơi thể thao cùng các bạn trẻ Việt Nam" như thế nào?
- Tôi đến tham dự lễ trao giải vào một buổi sáng cuối tuần, với sự tham gia đông đảo và sôi nổi của rất nhiều học sinh và phụ huynh. Đặc biệt, khi nghe phần trả lời hiểu biết về Astérix của các em, tôi thấy độc giả ở Việt Nam đã dành cho tác phẩm một sự quan tâm rất đáng quý.
Còn khi xem các tác phẩm dự thi trong cuộc thi vẽ tranh Astérix chơi thể thao cùng các bạn trẻ Việt Nam, tôi lại càng có nhiều cảm xúc hơn. Trong số đó, tôi thích nhất bức tranh đạt giải 3 của Trần Thị Thanh Dung. Tác phẩm thể hiện vũ điệu của Astérix, Obélix cùng các bạn trẻ Việt Nam trong tình đoàn kết và rất nên thơ. Đáng nói, tác phẩm thể hiện rõ phong cách hội họa rất Việt Nam của tác giả nhí này.
* Được coi là một di sản lớn của văn hóa Pháp, theo ông, sức hút của Astérix nằm ở đâu sau nhiều năm ra mắt bạn đọc khắp thế giới?
- Có lẽ trẻ em mê mẩn tác phẩm từ sức hút của nhân vật chính Astérix - một cậu bé mạnh mẽ, lại có nước "thần" để luôn chiến thắng những kẻ xấu, hung ác. Còn với người lớn, nếu đọc bản gốc, họ sẽ thấy tác phẩm có nhiều lối chơi chữ rất hay. Ví dụ như "papa gomme" không chỉ là tên địa danh của một thành phố La Mã mà trong tiếng Pháp, "papa" còn có nghĩa là bánh và "gomme" có nghĩa là rượu. Người đọc trưởng thành ở Pháp luôn thích thú và cười khanh khách vì thấy nhiều lối chơi chữ như vậy, mà ngôn ngữ Pháp luôn có yếu tố này.
Hay, nói đến làng Gaulois, ai cũng nghĩ đến ngôi làng của Astérix. Nhưng đồng thời, họ cũng nhìn ra ngay "đặc tính" của những người dân sống ở đây là luôn có những tranh cãi, luôn kêu gào, không đồng ý, nhất trí nhưng cũng lại luôn thống nhất, đoàn kết chống giặc ngoại xâm. Và thực tế, làng Gaulois trong câu chuyện Astérix rất giống nước Pháp bây giờ (cười).
Bên cạnh đó nhân vật Astérix được xem là một người hùng của nước Pháp nhưng lại do những người nhập cư đến Pháp sáng tạo: tác giả René Goscinny là người Do Thái đến từ Ba Lan còn họa sĩ Albert Uderzo là người Ý đến sống tại Pháp. Điều này cũng trùng hợp với tính chất của nước Pháp, khi luôn rộng mở với những người nhập cư.
* Thông qua hình tượng Astérix và Obélix, ông nghĩ gì về một tinh thần Pháp, một tính cách Pháp - vừa hài hước vừa dũng cảm - trong không khí Thế vận hội mùa Hè và Thế vận hội Người khuyết tật mùa Hè Paris 2024 đang và sẽ diễn ra?
- Thế vận hội là sự kiện cho giới trẻ các nước gặp nhau, trong một tinh thần bác ái. Chúng ta hướng về đây không chỉ để tôn vinh lòng dũng cảm hay sự hi sinh của các vận động viên đã dành nhiều năng lượng tập luyện để đạt đến đỉnh cao trong thể thao. Xa hơn, đây còn là cơ hội để chúng ta biết đến những vận động viên mà bình thường vốn ít thấy xuất hiện trên truyền thông, hoặc chiêm ngưỡng sự xuất chúng của những vận động viên khuyết tật.
Cũng xin kể thêm, trước khi sự kiện diễn ra chính thức, tôi đã có dịp đồng hành cùng đoàn thể thao Việt Nam đến trung tâm Olympic tại Đà Nẵng. Tại đây, tôi đã rất ấn tượng với phần tập luyện của 2 vận động khuyết tật thuộc môn bơi của Việt Nam. Tôi hi vọng, đoàn thể thao Việt Nam sẽ có nhiều thành tích tốt tại sự kiện này.
"Trong trường tiểu học, chúng tôi dành từ 15 - 30 phút yên tĩnh mỗi ngày cho các em được lựa chọn bất cứ cuốn sách nào mình thích để đọc" - Đại sứ Pháp Olivier Brochet.
"Văn hóa đọc đang gặp khó khăn"
* Với cá nhân mình, ông đọc "Astérix" năm bao nhiêu tuổi?
- Tôi bắt đầu đọc Astérix từ khi 7 - 8 tuổi nhưng phải đến năm 12 -13, tôi mới hiểu hơn và thích thú về tác phẩm. Còn sau này, càng lớn, mỗi lần đọc Astérix tôi lại thêm một lần hiểu tác phẩm. Và bây giờ, tôi vẫn luôn mỉm cười khi đọc lại tác phẩm này.
Cả thế hệ của chúng tôi thời nhỏ đều được làm quen và lớn lên trong thế giới truyện tranh Astérix. Tôi vẫn còn nhớ khi mình học cấp 2, mỗi lần từ trường về nhà, trong lúc chờ xe bus đến (vốn khá lâu), tôi lại ghé vào thư viện của quận quanh đó. Và tôi luôn thấy hàng chục trẻ em ngồi đọc truyện tranh Astérix ở đây.
* Vậy văn hóa đọc của người Pháp bây giờ đang diễn ra như thế nào?
- Như nhiều nơi trên thế giới, văn hoá đọc tại Pháp hiện nay nói chung đều gặp khó khăn khi cuộc sống của chúng ta bị phân tán vào nhiều thứ thời thượng, chẳng hạn như internet hay trò chơi điện tử. Cũng chính vì thế mà Bộ giáo dục của Pháp đã đưa ra nhiều chương trình khuyến khích cho trẻ em có thú vui đọc sách từ khi còn rất nhỏ một cách rất mạnh mẽ.
Ví dụ như trong trường tiểu học, chúng tôi dành từ 15 - 30 phút yên tĩnh mỗi ngày cho các em được lựa chọn bất cứ cuốn sách nào mình thích để đọc, rồi tổ chức nhiều cuộc thi đọc sách với mục đích tạo sự yêu thích cho trẻ khi các em đọc thành tiếng và lắng nghe chính giọng đọc có nhịp điệu của mình.
Nhưng cũng phải thừa nhận rằng, khi trẻ em đến tuổi vị thành niên thì việc "lôi kéo" các em tập trung đọc sách trở nên khó hơn. Cho nên, giải pháp vẫn là làm sao để các em bắt đầu việc đọc sách từ sớm. Vì khi đã đọc và bị hấp dẫn, việc đọc sách sẽ trở thành một thói quen tự nhiên.
Cũng nói thêm rằng, thời gian xảy ra dịch Covid-19 tại Pháp, người Pháp đã đọc sách nhiều hơn. Thời điểm đó, cửa hàng sách cũng chính là một trong những sản phẩm thiết yếu được mở cửa lại đầu tiên sau dịch, chỉ sau các nhu yếu phẩm. Và chúng tôi có chính sách duy trì giá sách duy nhất để dù mua ở bất cứ đâu, kể cả siêu thị thì giá sách cũng không thay đổi. Việc này đã bảo vệ được ngành xuất bản cũng như tạo ra cơ hội để mở ra nhiều cửa hàng sách nhỏ ở khắp nơi trong thành phố. Người dân cũng thích đến mua sách trực tiếp tại cửa hàng và nghe tư vấn từ người bán hơn là chọn mua sách qua internet. Như sự kiện Ngày hội Astérix vừa qua được tổ chức ngay tại NXB Kim Đồng, trong khuôn viên có nhà sách. Đó chính là một cách làm hay, cần được nhân lên tại Việt Nam.
* Cuối cùng, ông còn lời khuyên nào dành cho các độc giả tại Việt Nam, đặc biệt là các em nhỏ?
- Có lẽ, tôi xin phép được gửi lời khuyên tới cha mẹ các em (cười). Để giúp cho con em mình đến với thú vui đọc sách, việc đầu tiên là bố mẹ nên đọc cho các con nghe. Bố mẹ có thể ngồi trên ghế sofa hay nằm trên giường đọc cho các con cũng được, đó đều là phương pháp khiến lũ trẻ say mê sách.
* Xin cảm ơn Đại sứ về cuộc trò chuyện!
Vài nét về bộ truyện tranh Astérix
Astérix là bộ truyện tranh Pháp - Bỉ của hai tác giả René Goscinny và Albert Uderzo, lần đầu tiên xuất hiện trên tạp chí truyện tranh dành cho thiếu nhi Pilote vào ngày 29/10/ 1959. Trên thế giới, bộ truyện này được dịch sang 110 thứ tiếng và bán được hơn 350 triệu bản trên toàn cầu.
Câu chuyện lấy bối cảnh vào 50 năm trước Công nguyên, thời điểm xứ Gaule bị quân viễn chinh La Mã xâm chiếm, chỉ còn duy nhất một ngôi làng Gaulois đã vùng lên kháng chiến, chống quân xâm lược. Tại đây, những anh hùng Astérix và Obélix nhờ thuốc "thần" đã có sức mạnh bất bại, cùng dân làng trải qua những cuộc phiêu lưu hài hước và chiến thắng kẻ thù.
Tại Việt Nam, tác phẩm ra mắt từ năm 1988. Năm 2019, nhân dịp kỉ niệm 60 năm ra đời bộ truyện, NXB Kim Đồng đã mua bản quyền và chính thức đưa Astérix đến với độc giả Việt Nam sau hơn 20 năm vắng bóng. Năm 2024, tác phẩm tiếp tục được ra mắt bạn đọc với phần nội dung được dịch từ nguyên bản tiếng Pháp, in màu toàn bộ trên giấy chất lượng cao.