Đại sứ Phạm Sanh Châu chia sẻ về 'số phiếu tuyệt đối' của 2 di sản tư liệu thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Việt Nam vừa chính thức sở hữu thêm 2 danh hiệu Di sản Tư liệu Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương dành cho Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế và Mộc bản trường học Phúc Giang (Hà Tĩnh). Nhân dịp này, Thể thao & Văn hóa đã có cuộc trao đổi nhanh với Đại sứ Phạm Sanh Châu, Tổng thư ký Ủy ban UNESCO VN..
Đại sứ Phạm Sanh Châu cho biết:- Tôi rất vui mừng và tự hào. Đây là lần đầu tiên, chúng ta cùng một lúc nhận về 2 danh hiệu Di sản Tư liệu Thế giới từ UNESCO. Cảm giác đó cũng khá đặc biệt (cười).
Cũng phải nói thêm, lần này Hội nghị của MOWCAP (Ủy ban Chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thuộc UNESCO) diễn ra tại Việt Nam. “Đá sân nhà” như vậy, tất nhiên chúng ta cũng có một chút lợi thế. Tuy nhiên, hành trình đến với danh hiệu Di sản Tư liệu Thế giới của 2 hồ sơ VN cũng không quá suôn sẻ.
* Ông có thể chia sẻ thêm?
- Với hồ sơ Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, rất nhiều người dễ rơi vào ấn tượng rằng đây là những thông tin có nội dung mô tả, ca ngợi kiến trúc cung đình. Chúng ta phải trình bày một cách ngắn gọn, minh triết để thuyết phục Hội đồng về hình thức “di sản trong di sản” này.
Bởi, những gì được khảm, gắn trên kiến trúc cung đình Huế có ý nghĩa lớn hơn nhiều. Đó là hệ thống những giá trị và tư tưởng vô cùng phong phú về ước vọng thái bình thịnh trị, về tình cảm với vùng đất đế đô, về chính sách nông nghiệp hay đời sống nhân dân của vương triều Nguyễn.
Triển lãm các bản in Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế
Trao bằng công nhận Di sản tư liệu Thế giới cho các di sản của Việt Nam hôm 19/5
Riêng ở hồ sơ Mộc bản trường học Phúc Giang (Hà Tĩnh) hay còn gọi là Mộc bản Trường Lưu, vấn đề phức tạp hơn. Chúng ta đã có tới 2 mộc bản được UNESCO vinh danh (mộc bản triều Nguyễn và mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm - TT&VH), nên việc thuyết phục Hội đồng thêm một lần nữa là điều không dễ. Và thật lòng, so với chất liệu bằng gỗ của chúng ta, một số quốc gia khác cũng đăng ký những bộ hồ sơ có chất liệu hiếm gặp hơn, chẳng hạn như trên da thuộc hoặc đá.
Mộc bản trường học Phúc Giang (Hà Tĩnh) cho thấy truyền thống hiếu học của người Việt
Bởi vậy, chúng ta đã cố gắng thuyết phục Hội đồng về giá trị nội dung của bộ mộc bản này. Đây là bộ mộc bản của một dòng tộc Nho học, và cho thấy truyền thống hiếu học đặc biệt trong lịch sử Việt.
Hơn thế nữa, nội dung của những pho kinh, sách khắc trên mộc bản cũng hướng tới những vấn đề hoàn toàn phù hợp với các tiêu chí mà UNESCO tuyệt đối đề cao, như dạy trẻ em học để cống hiến cho xã hội, để có nhân cách tốt, để sống hòa hợp và khoan dung với cộng đồng.
Cũng như trường hợp của Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế, hồ sơ này được Hội đồng thông qua với số phiếu tuyệt đối. Nhưng, với khó khăn như vậy, tôi trộm nghĩ: có lẽ đây là lần cuối, chúng ta thành công ở một di sản tư liệu thuộc dạng mộc bản.
* Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Cúc Đường (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa