Đại lễ tưởng niệm 906 năm Ni sư Diệu Nhân – tổ sư ni đầu tiên của Việt Nam viên tịch
(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 27/10, Phân ban Ni giới Trung ương, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức Đại lễ tưởng niệm 906 năm Ni sư Diệu Nhân viên tịch và chư vị tổ sư ni tiền bối hữu công. Đến dự có Hòa thượng Thích Đức Nghiệp, Phó Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; đại diện các bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ, các chư tôn đức giáo phẩm và đông đảo Phật tử.
Tại Đại lễ, các chư tôn đức giáo phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đại biểu, Phật tử đã cùng dâng hương tưởng niệm và ôn lại cuộc đời, đức độ, quá trình tu hành của ni sư Diệu Nhân trong việc lan tỏa đạo lý, đức hạnh tốt đẹp tới các Phật tử, khẳng định những đóng góp to lớn của nữ Phật tử trong việc phát triển Phật giáo tại Việt Nam.
Ni trưởng Thích Đàm Nghiêm, Phó trưởng ban Thường trực Phân ban Ni giới Trung ương, Trưởng ban Tổ chức Đại lễ cho biết, Ni sư Diệu Nhân, thế danh Lý Ngọc Kiều, sinh năm 1042 tại Thăng Long, thuộc Hoàng tộc nhà Lý, là trưởng nữ của Phụng Kiền Vương - Lý Nhật Trung, cháu nội của vua Lý Thái Tông, vua Lý Thánh Tông nhận làm con nuôi, được nuôi dạy từ nhỏ trong Hoàng cung và phong là Thụy Thánh công chúa.
- 12 kỷ lục được xác lập tại Đại lễ Phật đản Vesak 2019
- Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak 2019: Đại lễ Hoa đăng cầu nguyện hòa bình thế giới
Công chúa sống thuần hậu, ngôn hạnh đoan trang, kính tín Phật pháp, thuận tòng bề trên, ai cũng mến mộ yêu quý. Đến tuổi trưởng thành, Lý Ngọc Kiều được vua cha đem gả cho người họ Lê làm Châu mục châu Chân Đăng (nay thuộc các huyện Tam Nông, Thanh Thủy, Thanh Sơn tỉnh Phú Thọ) nhằm cố kết nhân tâm, đoàn kết các châu mục vùng núi và đồng bào các dân tộc thiểu số. Đây là việc thường làm, là “quyền lực mềm” của lịch triều đế vương Đại Việt, nhằm giữ yên vùng phên dậu của quốc gia, tạo cảnh thái bình thịnh trị lâu bền cho đất nước.
Chồng mất sớm, bà thủ tiết, quyết không tái giá, dốc hết tư trang gia sản, bố thí dân nghèo vùng khó, xuất gia tầm sư học đạo, cứu độ quần sinh. Bà được Thiền sư Chân Không (1046-1100) thuộc thế hệ thứ 16 dòng Thiền Nam Phương Tỳ-ni-đa-lưu-chi nhận làm đệ tử, đặt Pháp danh Diệu Nhân. Ni sư Diệu Nhân nhất tâm học hỏi những điều tâm yếu Phật pháp, chuyên tâm hành thiền, trở thành bậc mẫu mực trong hàng Ni giới triều Lý, là người được nối pháp, đứng đầu thế hệ thứ 17 dòng Thiền Tỳ-ni-đa-lưu-chi - một trong ba dòng Thiền có ảnh hưởng nhất đương thời.
Thiền sư Chân Không giao Ni sư trụ trì Ni viện Hương Hải thuộc hương Phù Đổng (nay là xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Thành phố Hà Nội), là Ni viện đầu tiên của Phật giáo Việt Nam. Tại đây, Ni sư chuyên tâm thiền định, thuyết pháp giảng kinh, người người nô nức tìm về. Ngày mùng 1 tháng 6 âm lịch năm Hội Tường Đại Khánh thứ 4 (tức ngày 15/7/1113), đời vua Lý Nhân Tông, Ni sư viên tịch, hưởng thọ 72 tuổi.
Phát biểu tại Đại lễ, Phó trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Bùi Thanh Hà cho biết, với truyền thống gắn bó đồng hành cùng dân tộc, Phật giáo đã tiếp biến, hòa quyện vào đời sống dân gian, trở thành một thiết chế tâm linh không thể thiếu trong đời sống người dân nước Việt.
Những triết lý, giáo lý và giá trị đạo đức tốt đẹp của Phật giáo đã ăn sâu vào hệ tư tưởng và biểu hiện thành những nếp sống, thói quen sinh hoạt xã hội. Những quan điểm “từ bi”, “hỷ xả”, “vô ngã vị tha”... của Phật giáo đã gặp gỡ với tính trọng nghĩa, bao dung của người Việt. Đó là điều kiện tốt nhất để Phật giáo đóng góp vào việc giữ gìn phong tục tập quán dân gian trong đời sống văn hóa, xã hội Việt Nam ngày một bền vững và tốt đẹp.
Phật giáo – một lý tưởng cao đẹp, mang nhiều đặc tính nhân bản như hòa bình, từ bi, khoan dung, trí tuệ, bình đẳng đối với mọi tầng lớp, không phân biệt nam - nữ, giàu - nghèo, sang - hèn. Ni sư Diệu Nhân là bậc tiền bối khả kính và là niềm tự hào của Phật giáo Việt Nam nói chung, ni giới Việt Nam nói riêng.
Việc Phân ban Ni giới Trung ương tổ chức Đại lễ tưởng niệm 906 năm Ni sư Diệu Nhân viên tịch cùng chư vị tổ sư ni tiền bối hữu công không chỉ là sự kiện tôn giáo quan trọng trong đời sống tinh thần và tín ngưỡng của người dân theo đạo Phật, mà còn là một sự kiện văn hóa, xã hội, gắn với tâm thức tưởng niệm tri ân và báo ân của toàn thể cộng đồng.
Theo Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đại lễ là việc làm thiết thực, thể hiện sự trân trọng quá khứ và kính trọng bậc tiền nhân, đồng thời gợi lại những hình ảnh tốt đẹp, những đức hạnh, công đức của Ni sư Diệu Nhân và chư vị tiền bối ni sư hữu công, làm hành trang cho toàn thể ni giới Việt Nam trên bước đường tu học Phật pháp và phục vụ chúng sinh. Trong các dòng thiền ở Việt Nam thời đó, chỉ có một dòng thiền Tỳ-ni-đa-lưu-chi có một người nữ xuất gia tu hành, thành đạo, trở thành bậc tổ sư ni và thiền sư ni người Việt đầu tiên trên đất nước Việt Nam, đây là điểm đặc biệt của dòng thiền của Phật giáo Việt Nam.
“Điều đó cho thấy phụ nữ cũng có thể xuất gia tu hành và chính quả ngang với đại tăng. Nếu giác ngộ, giải thoát, tìm kiếm được chân lý thì bình đẳng như nhau, chân lý thì không phân biệt nam nữ, qua đó mở ra định hướng mới cho sự phát triển của ni giới trong hiện tại và tương lai”, Hòa thượng nói; đồng thời bày tỏ mong muốn ni giới lấy đó làm kim chỉ nam, nỗ lực tinh tấn hành trì, giữ gìn giới luật để có thể đạt được phần nào những công đức, hành trạng, kết quả như Ni sư Diệu Nhân.
Cũng tại Đại lễ, Ban Tổ chức đã tặng 100 triệu đồng cho quỹ khuyến học. Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam thay mặt Hội nhận món quà này.
Chu Thanh Vân (TTXVN)