Đại hội Công đoàn Viên chức Việt Nam lần thứ V: Đổi mới phương thức hoạt động, xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh
(Thethaovanhoa.vn) - Đại hội Công đoàn Viên chức Việt Nam lần thứ V, nhiệm kỳ 2018- 2023 đã diễn ra tốt đẹp, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo đội ngũ đoàn viên, công đoàn trên cả nước.
Nhiều ý kiến tâm huyết của lãnh đạo tổ chức Công đoàn các cơ quan Trung ương đã gửi đến Đại hội với mong muốn, trong nhiệm kỳ mới, hoạt động của tổ chức Công đoàn sẽ có nhiều đổi mới, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh và tâm huyết.
Xây dựng đội ngũ cán bộ trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo
Chủ tịch Công đoàn Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Doãn Tiến cho rằng, việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị gắn với Cuộc vận động xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức “Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo” có ý nghĩa quan trọng trong mỗi cơ quan, đơn vị nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất chính trị vững vàng, chuyên môn nghiệp vụ giỏi, có tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy với công việc.
Công đoàn Ban Tuyên giáo Trung ương đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thực tiễn, đề ra những nội dung phấn đấu như: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư gắn với việc học tập, rèn luyện để trở thành người cán bộ, công chức, viên chức “Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo” được thể hiện trong công việc hằng ngày, góp phần nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác trong công việc…
Để hoạt động này đem lại hiệu quả, Công đoàn Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, sẽ không bình xét thi đua đối với những cá nhân không tham gia một trong các phong trào thi đua, phát huy sáng kiến của cơ quan; không hoàn thành một trong các nhiệm vụ chuyên môn; không tích cực thể hiện tính sáng tạo, tư duy hoạt động độc lập trong chức trách, nhiệm vụ được giao...
Theo lãnh đạo Công đoàn Ban Tuyên giáo Trung ương, ngay từ đầu năm, Đảng ủy, Công đoàn Ban đã ban hành chương trình hành động, kế hoạch thực hiện chi tiết theo thời gian, mục đích, yêu cầu về hiệu quả, thời hạn hoàn thành, đó cũng sẽ trở thành tiêu chí đánh giá cán bộ, đảng viên. Nhờ đó, việc thực hiện trở nên khoa học, dễ hiểu và hiệu quả hơn, việc đánh giá cũng dễ dàng hơn. Vai trò nêu gương vô cùng quan trọng, nhất là người đứng đầu, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; chú trọng thực hiện “trên trước, dưới sau”, “trong trước, ngoài sau”, đề cao trách nhiệm nêu gương tự giác học trước, làm theo trước.
Công đoàn Văn phòng Trung ương Đảng xác định, một trong những nhiệm vụ của Công đoàn là tổ chức vận động đoàn viên, người lao động trong cơ quan, đơn vị thi đua yêu nước, thực hiện nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tham gia quản lý cơ quan, đơn vị, cải tiến lề lối làm việc và thủ tục hành chính nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác.
Theo lãnh đạo Công đoàn Văn phòng Trung ương Đảng, để thực hiện tốt nhiệm vụ này, tổ chức Công đoàn các cấp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hiểu rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của các phong trào thi đua. Các phong trào thi đua phải được triển khai, phổ biến trực tiếp đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động để hưởng ứng, tham gia, đồng thời thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết phong trào thi đua. Bên cạnh đó, việc tổ chức phong trào thi đua phải gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị; lấy việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị làm mục tiêu; nội dung, chỉ tiêu, thời gian thi đua phải cụ thể, thiết thực, phù hợp với nhiệm vụ trọng tâm trong từng thời kỳ.
Đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động
Chủ tịch Công đoàn Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh Trần Thị Bích Ngọc cho rằng, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh là một trong những vấn đề mà tất cả các đơn vị trong cơ quan đều hết sức quan tâm. Công đoàn có vững mạnh mới có đủ vị thế để thực hiện chức năng nhiệm vụ cơ bản của mình là đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Đối với Trung ương Đoàn, công tác Công đoàn và hoạt động Công đoàn các cấp của cơ quan Trung ương Đoàn luôn được đặt ở vị trí song hành cùng nhiệm vụ của cơ quan Trung ương Đoàn. Trung ương Đoàn với đặc thù là tổ chức chính trị- xã hội, có nhiều đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của các ban, đơn vị thuộc cơ quan Trung ương Đoàn cơ bản là cán bộ trẻ, năng động, sáng tạo; cán bộ luân chuyển nhanh…
Chính sự đa dạng đó đòi hỏi Công đoàn Trung ương Đoàn phải luôn đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng các nhóm giải pháp, các phong trào, các công việc cụ thể phù hợp với từng nhóm đối tượng để định hướng tốt cho các cấp Công đoàn trực thuộc bám sát và tổ chức các hoạt động thiết thực, hiệu quả, đóng góp tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị và của cơ quan Trung ương Đoàn.
Các phong trào thi đua như: Phong trào thi đua “Sáng tạo - Hiệu quả - Tiết kiệm”; phong trào “3 trách nhiệm”, “Văn hóa công sở” do Trung ương Đoàn phát động tiếp tục được nhiều cơ sở tổ chức thực hiện tốt, trong đó thi đua tiết kiệm được đặt lên hàng đầu. Các Công đoàn đã xây dựng ý thức tự giác trong mỗi cán bộ đoàn viên về thực hành tiết kiệm trong thực thi nhiệm vụ chuyên môn cũng như sinh hoạt hàng ngày tại công sở.
Chủ tịch Công đoàn Trung ương Đoàn đề nghị Công đoàn Viên chức Việt Nam tăng cường tổ chức các lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm công tác Công đoàn ở các cơ quan Trung ương, đặc biệt là tập huấn chuyên đề, vì đây là lực lượng trực tiếp chỉ đạo, tổ chức thực hiện các phong trào thi đua và hoạt động của tổ chức Công đoàn các cấp.
Đặc biệt, Chủ tịch Công đoàn Trung ương Đoàn đề xuất với Công đoàn Viên chức Việt Nam cần có các hoạt động quan tâm chăm lo đến cán bộ, công chức, viên chức, lao động nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thuộc các bộ, ngành nhân các dịp lễ, tết cổ truyền hoặc nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Công đoàn nhằm thiết thực chăm lo, động viên đời sống tinh thần của cán bộ, đoàn viên Công đoàn.
Đồng tình với việc cần thay đổi phương thức hoạt động của tổ chức công đoàn, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới, Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Thị Thuý Nhàn cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển nhanh chóng và có tác động mạnh mẽ đến tất cả các ngành, lĩnh vực. Chính vì vậy, tổ chức công đoàn ở mỗi cơ quan, đơn vị cũng cần phối hợp với các cơ quan chuyên môn vào cuộc để tổ chức các hoạt động giúp cho cán bộ, công chức, viên chức tiếp cận gần hơn với công nghệ, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc.
Bà Nguyễn Thị Thuý Nhàn cho biết, Kiểm toán Nhà nước là một cơ quan đặc thù, vì vậy việc áp dụng khoa học công nghệ là hết sức cần thiết. Thời gian qua, Kiểm toán Nhà nước đã và đang triển khai quyết liệt các phần mềm làm công cụ phục vụ cho hoạt động kiểm toán như: Phần mềm xây dựng nhật ký kiểm toán; phầm mềm cơ sở dữ liệu đầu mối kiểm toán; phần mềm theo dõi thực hiện kiến nghị kiển toán; phầm mềm số hóa và quản lý hồ sơ kiểm toán điện tử. Việc công đoàn cơ quan phối hợp với các tổ chức đoàn thể nhằm thực hiện kế hoạch, chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước trở thành một cơ quan kiểm tra tài chính công, tài sản công có uy tín, trách nhiệm, chuyên nghiệp và hiện đại.
Trong nhiệm kỳ mới, Công đoàn Kiểm toán Nhà nước đề nghị tiếp tục đổi mới hoạt động công đoàn theo phương thức hướng về cơ sở, hỗ trợ nâng cao chất lượng hoạt động cũng như năng lực của đội ngũ cán bộ đoàn viên tại các cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến địa phương.
TTXVN/Đỗ Bình