Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tuổi thọ trung bình của người dân
Trong năm thứ 2 đại dịch Covid-19 hoành hành, tuổi thọ trung bình của người dân tại các khu vực trên thế giới có sự chênh lệch rõ rệt khi tỷ lệ tiêm vaccine cao giúp một số nước phục hồi nhanh hơn nhiều so với các nước khác.
Trên đây là kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả thuộc Đại học Oxford và được công bố trên tạp chí Nature Human Behaviour ngày 17/10.
Các chính phủ áp dụng các cách thống kê số liệu về COVID-19 khác nhau, do đó, các nhà nghiên cứu muốn đưa ra bức tranh rõ ràng hơn về tác động thực sự của đại dịch bằng cách so sánh tổng số người tử vong hằng năm do tất cả các nguyên nhân tại một nước với con số trước đại dịch.
Năm ngoái, nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Oxford cho biết đại dịch COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình của người dân tại 22/29 quốc gia khảo sát trong năm 2020 giảm hơn 6 tháng so với năm 2019. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Tuy nhiên, nghiên cứu mới nhất cho thấy trong năm 2021 có sự chênh lệch rõ rệt giữa nhiều khu vực về tuổi thọ trung bình của người dân. Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả đã phân tích số liệu tử vong tại 29 nước châu Âu, Mỹ và Chile kể từ năm 2015.
Kết quả cho thấy nhiều nước tại Tây Âu ghi nhận tuổi thọ trung bình của người dân tăng trở lại gần mức trước đại dịch. Thậm chí, tuổi thọ trung bình của người dân các nước Pháp, Bỉ, Thụy Sĩ và Thụy Điển đã trở lại con số của năm 2019.
Trong khi đó tại Đông Âu, tuổi thọ trung bình giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1991. Tuổi thọ trung bình của người dân Bulgaria năm 2021 giảm 25 tháng, sau khi giảm 18 tháng vào năm 2020, tức là đã giảm tổng cộng 3 năm rưỡi kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Bulgaria có tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 thấp nhất trong số các nước Liên minh châu Âu (EU).
- Tuổi thọ trung bình người Mỹ giảm mạnh do dịch Covid-19
- Covid-19 khiến con người mất 28 triệu năm tuổi thọ
Nghiên cứu cũng phát hiện những nước có tỷ lệ tiêm đủ liều vaccine tính đến tháng 10/2021 ghi nhận tuổi thọ trung bình giảm ít hơn.
Độ tuổi của bệnh nhân COVID-19 tử vong có xu hướng trẻ hơn khi tại nhiều nơi ghi nhận tuổi thọ trung bình của những người trên 80 tuổi trở lại mức bình thường. Tại Mỹ, số người trên 80 tuổi tử vong đã trở lại mức trước đại dịch, song con số này ở những người trung niên và trẻ tuổi hơn tăng lên, dẫn đến tuổi thọ trung bình của người dân “xứ cờ hoa” giảm gần 3 tháng.
Các tác giả nghiên cứu cho rằng dấu hiệu trên phần nào cho thấy các vaccine thực sự phát huy hiệu quả bảo vệ người cao tuổi trước mối đe dọa đại dịch. Những nước Thụy Điển, Thụy Sĩ, Bỉ và Pháp đã đưa tuổi thọ trung bình của người dân về mức trước đại dịch nhờ bảo vệ được cả người trẻ và người cao tuổi.
Nguyễn Hằng/TTXVN