Đại biểu Quốc hội: Lộ, lọt đề làm mất đi tính công bằng của kỳ thi
(Thethaovanhoa.vn) - Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội ngày 7/6 đã xảy ra tình trạng lọt đề thi khiến dư luận đặc biệt quan tâm, liệu việc lọt đề có ảnh hướng đến tính công bằng của kỳ thi. Kỳ thi này có tới gần 95.000 thí sinh tham gia dự thi.
- Thi vào lớp 10 THPT Hà Nội: Tìm được giáo viên 'tuồn' đề Văn, Toán ra ngoài
- Đáp án đề thi môn Ngữ văn vào lớp 10 THPT tại Hà Nội
- Hôm nay, 95.000 học sinh Hà Nội chính thức bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình xung quanh việc phát sinh tiêu cực trong các kỳ thi tốt nghiệp, tuyển sinh.
* Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 xảy ra lọt đề, tình trạng này đã xảy ra nhiều năm, ông có đánh giá thể nào về thực trạng này?
- Tôi đã từng làm giáo viên và cán bộ quản lý phòng giáo dục nên phần nào hiểu được về thực trạng này. Vấn đề quản lý đề thi, người ra đề trong quy trình của giáo dục làm rất chặt chẽ nhưng trong tổ chức thực hiện do lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, do sự chi phối nhiều tác động nên có nhiều đối tượng giáo viên, người quản lý có để lộ lọt đề ra ngoài. Điều này không chỉ xảy ra một lần, một nơi. Tình trạng này sắp tới có thể sẽ vẫn tiếp tục xảy ra.
* Tình trạng lộ đề, lọt vẫn xảy ra trong các kỳ thi tuyển sinh phải chăng do chế tài xử phạt chưa nghiêm,chưa đủ sức răn đe thưa ông?
- Khi lộ đề thi thì tất cả giáo viên và người quản lý đều bị xử lý, không có trường hợp nào là không bị xử lý, kể cả xử lý buộc thôi việc, cách chức quản lý, cho thôi giảng dạy làm vị trí khác , từ xưa đến nay đều xử lý nghiêm. Tuy nhiên, mức độ xử lý nghiêm nhưng lộ đề vẫn cứ lộ là do nhận thức về vấn đề này còn hời hợt, cho rằng việc mình làm còn ẩn nấp được. Thời gian tới, cần phải quản lý chặt chẽ việc chọn người ra đề, quản lý đề.
* Những tiêu cực có thể phát sinh trong những kỳ thi có số lượng thí sinh lớn là gì thưa ông?
- Áp lực của kỳ thi có số lượng thí sinh tăng đối với nhà trường là làm thế nào chọn được người tài. Bên cạnh đó, đối tượng dự thi họ luôn tìm mọi cách từ tác động về quản lý lãnh đạo, quan hệ thân quen... dồn ép, có thể người nghiêm minh, công minh vẫn bị tác động. Phụ huynh và học sinh cũng có áp lực chọn trường.
Chắc chắn kỳ thi đông, mong muốn thi đỗ của phụ huynh dẫn tới nhiều dấu hiệu tiêu cực có thể xảy ra. Lộ, lọt đề cũng là dấu hiệu tiêu cực. Phụ huynh học sinh tìm mọi cách để nộp được hồ sơ, thi và chấm thi cũng có thể có dấu hiệu tiêu cực.
Giáo viên trông thi có thể có người này gửi, người kia tác động để lơ là coi thi. Chủ tịch hội đồng thi cũng có thể bố trí giáo viên coi thi vào phòng có đối tượng gửi gắm. Trong chấm thi, nếu như chủ tịch hội đồng thi không minh bạch, thực hiện đúng quy trình có thể kết hợp với thư ký có thể lộ số phách, lộ bài thi. Người chấm thi và thí sinh có thể có tín hiệu trên bài thi...
* Theo ông thì những sự việc lộ đề, lọt đề ảnh hưởng thế nào tới ngành giáo dục?
- Chuyện lộ lọt đề thi do giáo viên là chuyện cá biệt nhưng ảnh hưởng rất lớn tới học sinh, phụ huynh. Bản thân phụ huynh, học sinh luôn có tâm trạng lo lắng lộ lọt đề thi thì tính minh bạch, công bằng của kỳ thi sẽ mất đi. Những vị trí của học sinh giỏi lại bị thay thế bằng học sinh yếu, trung bình làm cho xã hội bất bình, tạo dự luận xấu với ngành giáo dục. Do đó, ngành giáo dục phải đặc biệt chú ý đến việc tổ chức thi, ra đề thi, chọn người quản lý, triển khai kỳ thi chặt chẽ.
Về giải pháp để khắc phục tình trạng này, thứ nhất là người đứng đầu ở lĩnh vực tại Bộ, sở hay phòng giáo dục phải quản lý chặt chẽ; thứ hai bản thân người chủ trì tổ chức thi phải có tư tưởng hưởng đến lợi ích chung, uy tín của ngành để quản lý thật chặt, việc lộ, lọt đề là trách nhiệm của người đứng đầu; tiếp đó là trách nhiệm của cán bộ từng vị trí, bộ môn nhiều khi vẫn có tư tưởng chạy theo mục đích của cá nhân mà quên đi lợi ích chung, uy tín của ngành giáo dục.
* Xin cảm ơn ông!
Ông Phạm Tất Thắng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Dù là lọt đề hay lộ đề vẫn là việc không hay liên quan đến quá trình bảo mật của kỳ thi. Trong quá trình thi, việc lọt để ảnh hưởng đến tâm lý của phụ huynh, học sinh và gây ra sự nghi ngờ trong dư luận là tổ chức của kỳ thi chưa thực tốt. Đây là việc cần rút kinh nghiệm và tăng cường phổ biến quy chế cho đội ngũ giám thị thực hiện đúng trách nhiệm, giảm thiểu sai phạm, sơ suất, nhất là trong những kỳ thi gây áp lực căng thẳng khá lớn cho phụ huynh, học sinh.” “Bản thân kỳ thì số lượng thí sinh, điểm thi, phòng thi, giám thị coi thi rất lớn nên xác suất có thể xảy ra điều không mong muốn có thể xảy ra. Khi đã xảy ra sự việc, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nôi phải xem lại các quy chế, quy định đã đủ chặt chẽ hay chưa, xử lý đủ nghiêm khắc chưa phải rút kinh nghiệm để sửa đổi quy chế cho phù hợp cho các kỳ tuyển sinh sau,” ông Phạm Tất Thắng nói. |
TTXVN