Đại án OceanBank: Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh 'đùn đẩy' trách nhiệm khoản vay 500 tỷ
(Thethaovanhoa.vn) - Sau hơn 1 ngày kiểm tra căn cước và đọc cáo trạng, chiều 29/8, phiên tòa xét xử bị cáo Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương - OceanBank) cùng các đồng phạm chuyển sang phần xét hỏi các bị cáo.
- 'Đại án tham nhũng' ở Oceanbank: Người đẹp hầu tòa cùng Hà Văn Thắm
- CẬP NHẬT: 'Kỷ lục' ở 'đại án tham nhũng' Hà Văn Thắm và đồng phạm
- Những con số trong vụ án Hà Văn Thắm
Phiên tòa chiều 29/8 tập trung thẩm vấn làm rõ trách nhiệm trong khoản vay 500 tỷ đồng của OceanBank.
Khai trước Tòa, bị cáo Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam - VNCB) cho rằng, trong việc chuyển nhượng, mua lại Ngân hàng Đại Tín (sau này đổi tên thành VNCB), bị cáo Hà Văn Thắm đã hứa hỗ trợ Danh và đã thực hiện bằng khoản cho vay 500 tỷ đồng của OceanBank. Trên giấy tờ, khoản vay 500 tỷ đồng này được “rót” về Công ty Trung Dung (là sân sau của Phạm Công Danh).
Về việc vay tiền, Phạm Công Danh phủ nhận sự tham gia và cho rằng bị cáo Hứa Thị Phấn đã thực hiện tất cả các hồ sơ, giao dịch để vay tiền của Ngân hàng OceanBank. Sau khi được giải ngân số tiền 500 tỷ đồng vay của OceanBank, số tiền này được chuyển vào 4-5 tài khoản của những người trong nhóm Phú Mỹ tại Ngân hàng Đại Tín (là nhóm của bị cáo Hứa Thị Phấn) còn Danh không phải là người sử dụng tiền và không chịu trách nhiệm về việc này. Danh cho rằng, ngân hàng cho vay nợ, nếu người mượn tiền không có khả năng trả nợ thì ngân hàng phải xử lý tài sản thế chấp.
Chuyển sang thẩm vấn bị cáo Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank thừa nhận về việc cho vay 500 tỷ đồng nói trên có vi phạm quy định về cho vay, nhưng bị cáo xin được Tòa xem xét tình tiết bị cáo đã yêu cầu Ngân hàng Đại Tín phong tỏa khoản vay này và yêu cầu phải được sử dụng đúng mục đích.
Tài sản thế chấp cho khoản vay 500 tỷ đồng gồm nhiều tài sản thế chấp, trong đó có 100% vốn góp (250 tỷ đồng) của Công ty Trung Dung. Theo bị cáo Thắm, cơ sở nhận tài sản này là giá trị thương mại của Công ty Trung Dung, báo cáo tài chính của công ty này… Ngoài ra còn có tài sản thế chấp là bất động sản, cổ phiếu của Công ty cổ phần Tập đoàn SSG của bà Hứa Thị Phấn.
Trả lời câu hỏi của Hội đồng xét xử về việc tại sao cho vay khi tài sản thế chấp chưa đầy đủ về mặt pháp lý? Bị cáo Thắm cho rằng: Đối với Công ty Trung Dung, ngoài các tài sản thế chấp, bị cáo còn dựa vào niềm tin giá trị thương mại của Công ty này. Nhưng sau đó phía Ngân hàng Đại Tín đã giải ngân không đúng mục đích và đã không phong tỏa theo thỏa thuận với OceanBank. Trên cơ sở đó, Hà Văn Thắm đồng quan điểm với Phạm Công Danh cho rằng, nhóm bà Phấn đã sử dụng số tiền 500 tỷ đồng này và phải chịu trách nhiệm hoàn trả lại cho OceanBank.
Bị cáo Nguyễn Văn Hoàn (nguyên Phó Tổng Giám đốc OceanBank) khai trước Tòa, bị cáo là người trực tiếp ký cho Công ty Trung Dung vay 500 tỷ đồng. Bị cáo thừa nhận có sai sót trong thẩm định hồ sơ vay nhưng thiếu sót của hồ sơ vay có thể khắc phục được. Nói về trách nhiệm khoản vay, Nguyễn Văn Hoàn cho rằng, cần căn cứ vào thỏa thuận phong tỏa tài khoản giữa ba bên: Oceanbank - Đại Tín - Trung Dung.
Do bị cáo Hứa Thị Phấn vắng mặt tại phiên xử, Tòa đã công bố lời khai của bị cáo Phấn cho biết bà cho Phạm Công Danh mượn tài sản của Công ty cổ phần Tập đoàn SSG là để vay tiền của OceanBank. Trong khoản tiền vay 500 tỷ đồng, Hứa Thị Phấn không được hưởng lợi gì…
Nói về lời khai của bà Phấn, Hà Văn Thắm cho rằng lời khai có nhiều chi tiết không đúng sự thật, giữa Danh - Phấn - Thắm không có sự bàn bạc cho vay tiền và không thỏa thuận cho vay trái pháp luật.
Có mặt tại Tòa, đại diện Ngân hàng OceanBank trình bày quan điểm về khoản vay 500 tỷ đồng. Theo đó, OceanBank đề nghị làm rõ trách nhiệm liên quan của Ngân hàng Đại Tín (nay là VNCB), đồng thời làm rõ trách nhiệm để yêu cầu các bị cáo trả lại khoản tiền 500 tỷ đồng cho ngân hàng.
Đại diện Ngân hàng OceanBank đề nghị kê biên những tài sản đã sử dụng cho khoản vay này, đó là 2 hợp đồng góp vốn đầu tư xây dựng nhà ở tại dự án khu dân cư phức hợp Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh; phong tỏa hơn 5,8 triệu cổ phiếu của Công ty SSG.
Ngày mai, phiên tòa tiếp tục với phần thẩm vấn các bị cáo.
Kim Anh - Nguyễn Cúc (TTXVN)