Đã tìm thấy ứng viên trả lời được câu hỏi hack não: 'Mẹ và bạn gái cùng rơi xuống nước thì cứu ai?' - Đến nhà tuyển dụng cũng không thể phản bác
Đáp án thông minh mà chàng trai này đưa ra khiến cả nhà tuyển dụng và các ứng viên còn lại đều phải tán thưởng.
Trong xã hội hiện đại, nhu cầu tuyển dụng nhân tài "hàng thật giá thật" cho doanh nghiệp ngày càng tăng cao. Để tìm kiếm nhân sự, nhà tuyển dụng ban đầu sẽ kiểm tra hồ sơ, kinh nghiệm làm việc của ứng viên. Bước sau cùng, họ thường đưa cho ứng viên loạt bài kiểm tra hack não nhằm đánh giá sự phù hợp giữa ứng viên và doanh nghiệp. Trường hợp của chàng trai có tên là Tử Kiệt đến từ Trung Quốc dưới đây là ví dụ.
Trong buổi phỏng vấn cho một công ty Luật, Tử Kiệt nhận được câu hỏi có 1-0-2 từ phía nhà tuyển dụng: "Mẹ và bạn gái cùng rơi xuống nước, anh chọn cứu ai?". Khi nghe xong câu hỏi, không chỉ Tử Kiệt mà các ứng viên có mặt hôm đó đều xôn xao. Bởi lẽ câu hỏi này vốn là chủ đề gây tranh cãi trên mạng xã hội trong thời gian dài.
"Làm sao có thể đưa ra câu trả lời thoả đáng khi cả mẹ và bạn gái đều quan trọng?", Tử Kiệt băn khoăn. Và anh khẳng định, đắn đo của bản thân cũng là thắc mắc chung của nhiều người khi nhận câu hỏi.
Hết thời gian suy nghĩ, các ứng viên lần lượt phải đưa ra đáp án của riêng mình. Theo đó, có người liền đưa ra lời phản bác cho câu hỏi rằng bắt ứng viên phải chọn cứu ai trong tình huống khẩn cấp thật phi nhân tính. Trong khi đó, có ứng viên lại nói sẽ chọn cứu mẹ, bởi mẹ là người quan trọng nhất trong cuộc đời anh ta. Ứng viên khác lại tâm sự sẽ chọn cứu bạn gái bởi anh ta không còn mẹ.
Ở diễn biến khác, có nhiều ứng viên lại tự đặt ra giả thuyết bên lề cho câu hỏi. Chẳng hạn như giữa bạn gái và mẹ, ai ở gần anh ta hơn, anh ta sẽ cứu người đó. Một ứng viên lại khác bày tỏ, giả sử một trong hai người rơi xuống nước biết bơi, anh ta sẽ cứu người còn lại.
Đến lượt Tử Kiệt, anh đứng lên và dõng dạc nói: "Chiếu theo Luật pháp Trung Quốc, tôi chọn cứu mẹ. Mẹ là người thân trong gia đình. Do đó nếu tôi chọn cứu bạn gái mà gây nên cái chết của mẹ, tôi sẽ bị cấu thành tội vô trách nhiệm. Trường hợp ngược lại, tôi chọn cứu mẹ mà bỏ mặc bạn gái, kể cả khi cô ấy qua đời, tôi cũng không chịu bất kỳ trách nhiệm nào trước pháp luật.
Tóm lại tôi chỉ chịu trách nhiệm về mặt đạo nghĩa với bạn gái. Còn với mẹ, tôi phải chịu trách nhiệm trước pháp luật".
Trước lập luận rõ ràng của Tử Kiệt, nhà tuyển dụng không thể đưa ra lời phản bác, ngầm ghi nhận ứng viên này là nhân sự có tiềm năng phát triển. Không chỉ nhà tuyển dụng mà các ứng viên cũng phải tán thưởng trước cách xử lý tình huống thông minh của anh.
Trên thực tế đây là buổi phỏng vấn của công ty Luật, do đó dưới bất kỳ trường hợp nào ứng viên cũng nên dùng một cái đầu lạnh và đối chiếu cách xử lý với luật pháp để đưa ra cách giải quyết phù hợp nhất.
Hơn nữa trong các buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng đưa câu hỏi hóc búa cho ứng viên không phải để nghe câu trả lời bình thường. Muốn tạo được ấn tượng với doanh nghiệp, bạn phải thể hiện được tư duy và bản lĩnh của mình thông qua câu trả lời. Bởi, trong vô vàn những ứng viên "giống nhau", chỉ có người khác biệt mới đáng chú ý!