Đã thanh lý 761 xe công, thu hơn 35 tỷ đồng
(Thethaovanhoa.vn) - Tại cuộc họp báo của Bộ Tài chính chiều 8/3, Ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết: Đến nay, các bộ ngành địa phương đã quyết định thanh lý được 1.105 xe công, trong đó, 761 xe đã thanh lý xong với số tiền thu được là 35,15 tỷ, bình quân mỗi xe là 46,2 triệu đồng.
- Giao Chính phủ quyết định khoán kinh phí xe công
- Thủ tướng xin lỗi việc đoàn xe công vụ đi vào phố cổ Hội An
Tính đến ngày 31/12/2016, số lượng ô tô công là 34.214 chiếc. Trong đó, xe phục vụ các chức danh là 864 chiếc, công tác chung 17.047 chiếc, xe chuyên dùng hơn 16.300 chiếc. Ước tính chi phí trung bình cho 1 xe công là 320 triệu/năm, bao gồm khấu hao xe, chi phí cho lái xe, chi phí xăng xe và bảo hiểm sửa chữa.
Trước đó kể từ 1/10/2016, Bộ Tài chính đã áp dụng chế độ khoán kinh phí sử dụng xe công đối với các chức danh thứ trưởng, chức danh lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25 (tổng cục trưởng và tương đương) thuộc Bộ. Đơn giá sẽ áp theo giá taxi, cao nhất là 15.000 đồng một km. Theo đó, 6 Thứ trưởng của Bộ Tài chính được khoán tiền sử dụng xe công từ 3,96 triệu đồng đến mức cao nhất là 9,9 triệu đồng/người/tháng cho 2 chặng từ nơi ở đến nơi làm việc mỗi ngày.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Đai diện Bộ Tài chính cho biết thêm: Bộ Tài chính đang soạn thảo trình Thủ tướng Chính phủ 2 phương án khoán kinh phí sử dụng xe công theo mức cố định 6,5 triệu đồng/tháng hoặc theo số km thực tế.
Theo đó, Bộ dự kiến đưa chi phí sử dụng xe ô tô công vào thu nhập với mức 6,5 triệu đồng/tháng trong tờ trình Chính phủ sửa đổi Quyết định số 32/2015/QĐ- TTg (Quyết định 32)về tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô công.
Nguyên do dù đã có được những kết quả tích cực nhưng Quyết định 32 cũng bộc lộ một số hạn chế như xe chuyên dùng tăng lên (do việc quy định phân cấp thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức cho các bộ, ngành, địa phương chưa được thống nhất nên làm gia tăng số lượng xe chuyên dùng không hợp lý).
Bên cạnh đó, định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung tại một số cơ quan, đơn vị còn có quy định chưa phù hợp, nên hiệu quả sử dụng thấp. Tiêu chuẩn xe phục vụ công tác chung ở các địa phương có điều kiện kinh tế- xã hội, điều kiện tự nhiên khác nhau nhưng tiêu chuẩn sử dụng xe như nhau là không phù hợp.
Chế độ khoán kinh phí sử dụng xe theo cơ chế tự nguyện nên còn ít người đăng ký áp dụng. Việc quy định một đơn giá (đơn giá bình quân của các hãng taxi trên địa bàn) để thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe cho các chức danh là chưa bao quát hết thực tế, chưa thực sự tạo động lực khuyến khích việc thực hiện cơ chế khoán xe công.
Theo đó, tại dự thảo tờ trình Chính phủ, Bộ Tài chính đã đưa ra một số quy định như: Tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô phục vụ các chức danh; tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung (quy định cho cơ quan tại trung ương, địa phương, doanh nghiệp, ban quản lý dự án; giá mua xe và điều chỉnh giá mua; tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe chuyên dùng; thuê xe dịch vụ; xử lý xe dôi dư và sắp xếp, bố trí đội ngũ lái xe.
Đáng chú ý nhất là việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô. Theo đó, các chức danh có hệ số phụ cấp từ 1,25 đến thứ trưởng và tương đương, chủ tịch hội đồng quản trị, chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc các tập đoàn kinh tế do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập sẽ thực hiện khoán (bắt buộc) kinh phí sử dụng xe đưa đón từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại. Trường hợp đi công tác thì bố trí xe phục vụ công tác chung hoặc nhận khoán theo hình thức tự nguyện.
Chức danh có hệ số phụ cấp lãnh đạo từ 0,7 đến dưới 1,25 và các chức danh được sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung tại tập đoàn kinh tế và doanh nghiệp nhà nước sẽ thực hiện khoán (tự nguyện) kinh phí sử dụng phương tiện khi đi công tác trong nội tỉnh, thành phố hoặc bố trí xe phục vụ công tác chung (nếu có).
Theo Minh Phương - Tin tức