Đà Nẵng thổn thức cùng Tuồng
(Thethaovanhoa.vn) – Đà Nẵng những ngày này đang hội tụ 20 đoàn Tuồng đến từ cả nước tham gia Liên hoan tác phẩm sân khấu của tác giả Tống Phước Phổ. Đây là sự kiện thực sự ý nghĩa với nghệ thuật Tuồng trong bối cảnh còn nhiều khó khăn trong việc duy trì, phát triển.
Cùng với cả nước, thời gian qua, Đà Nẵng đã có nhiều nỗ lực cụ thể trong việc giúp đỡ Tuồng tìm đến với khán giả. Gần nhất, họ đã đưa Tuồng ra biểu diễn miễn phí tại bờ sông Hàn, và tạo ra được hấp lực cùng hiệu ứng đáng ghi nhận.
Cảm hứng từ “cây đại thụ của ngành Tuồng”
Trong bối cảnh Đà Nẵng đã có nhiều hoạt động quảng bá nghệ thuật truyền thống, Liên hoan này như một sự tiếp nối tích cực và là để giới nghệ sỹ sân khấu tưởng nhớ, ghi nhận và tri ân những đóng góp to lớn của tác giả Tống Phước Phổ - Cây đại thụ của ngành Tuồng.
Tham dự lễ khai mạc tối ngày 24-9, chúng tôi đọc được trong ánh mắt các nghệ sỹ về dự liên hoan lần này sự phấn chấn, phấn khởi khi Đà Nẵng là nơi đăng cai, cùng chủ đề là Tống Phước Phổ, một tên tuổi sừng sững của Tuồng Việt Nam, người con ưu tú của xứ Quảng Đà.
Tống Phước Phổ (1902 - 1991) là người sáng tác chủ lực của ngành Tuồng Việt Nam với sự nghiệp sân khấu đồ sộ gần 100 kịch bản Tuồng tự sáng tác. Một con người tài năng trên cả hai lĩnh vực soạn Tuồng và làm thơ, góp phần rất lớn cho sự phát triển của nghệ thuật dân tộc và được giới nghệ sỹ gọi là “Cây đại thụ của ngành Tuồng”.
Ông còn là Nhà hoạt động cách mạng lão thành của Đảng, được giới chuyên môn nhìn nhận và đánh giá là cây viết hàng đầu của sân khấu Tuồng cách mạng, xứng đáng với Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT được Nhà nước trao tặng đợt I năm 1996.
Đây là lần đầu tiên, Liên hoan tác phẩm sân khấu của tác giả Tống Phước Phổ do Hội nghệ sỹ Việt Nam, Bộ VHTT&DL phối hợp với UBND TP. Đà Nẵng tổ chức tại Đà Nẵng.
Thắp lên những ngọn lửa vì Tuồng
Trong 10 ngày diễn ra Liên hoan (từ ngày 24/9 - 4/10), sẽ có 23 vở diễn dài, ngắn được dàn dựng từ kịch bản sáng tác, hiệu đính, chỉnh sửa nâng cao của tác giả Tống Phước Phổ đến từ 6 đơn vị chuyên nghiệp và 14 đơn vị không chuyên.
Cũng phải nói thêm, dù gặp nhiều khó khăn về kinh tế và chính sách trong việc gìn giữ, bảo tồn những giá trị của nghệ thuật Tuồng, đặc biệt trong việc quảng bá nghệ thuật Tuồng địa phương đến bạn bè trong nước và quốc tế, nhưng 20 đoàn Tuồng đến từ nhiều địa phương trên cả nước bất chấp khó khăn, vì tình yêu với nghệ thuật Tuồng truyền thống đã đến tham dự tại Liên hoan này.
Vở diễn “Trưng Nữ Vương” được sáng tác bởi hai cố tác giả Tống Phước Phổ và Lưu Trọng Lư (là vở diễn mà ông đã chắp bút đến 5 lần và chỉ hài lòng khi cộng tác với tác giả Lưu Trọng Lư) do Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh biểu diễn đã được lựa chọn là vở diễn đầu tiên cho đêm khai mạc.
NSND Nguyễn Ngọc Phương chia sẻ: “Sự có mặt của anh chị em hôm nay không phải chỉ đến xem, mà chính để học tập và trao đổi trên quê hương của tác giả Tống Phước Phổ. Mặc dù họ không được gặp mặt tiền nhân, nhưng cái lòng và sự hồ hởi ấy đã giúp cho họ thực sự thăng hoa và thêm tình yêu nghề. Niềm vinh dự của nghệ sỹ không phải ở tấm thẻ, huy hiệu mà là chính là niềm vinh dự được tham gia liên hoan này, trên quê hương của tiền bối Tống Phước Phổ. Họ ở miền Bắc, họ ở miền Nam, họ ở miền Trung trong suốt dải đất Việt Nam của chúng ta đã về đây, đấy mới là tấm lòng của anh em nghệ sỹ”.
Hơn 60 năm gắn bó với nghề, tác giả Tống Phước Phổ đã để lại những tác phẩm thấm đẫm giá trị nhân văn và đầy cảm hứng, tiếp lửa cho thế hệ nghệ sĩ tương lai thêm yêu và gắn bó với nghệ thuật Tuồng.
Diễn viên Trần Duy Bình, đoàn Tuồng TT khu phố Đa Hội, Bắc Ninh tâm sự: “Ngay từ lúc nhận được thông tin sẽ tham gia Liên hoan đến nay hơn 3 tháng, các thành viên trong đoàn đã bất chấp dù nắng nóng hay mưa gió tích cực luyện tập để mong chờ đến hôm nay, ngày hội ngộ với các đoàn Tuồng trong nước. Chúng tôi thực sự rất vinh dự, tự hào và phấn khởi khi được biểu diễn trên quê hương của tác giả Tống Phước Phổ. Dù kinh phí hạn hẹp và các diễn viên cũng phải đóng góp thêm cho chuyến đi nhưng vì đam mê và tình yêu nghề, vượt qua hơn 1000km chúng tôi vẫn luôn nhiệt huyết và tự hào vì là một diễn viên của ngành Tuồng”.
Liên hoan lần này là cơ hội để các đơn vị biểu diễn nghệ thuật Tuồng truyền thống có thể giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao chất lượng biểu diễn đồng thời quảng bá loại hình nghệ thuật Tuồng đặc sắc của địa phương đến với khán giả.
Lịch biểu diễn mở cửa miến phí từ ngày 24/9-04/10/2015, tại Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, TP. Đà Nẵng: Sáng 25/9: 9h, CLB Ánh Dương – Bình Định, vở diễn “Tam Hạ Nam Đường”, 120’. Chiều 25/9: 14h30, CLB Phường Đồng Nguyên – Bắc Ninh, vở diễn “Sơn Hậu”, 120’. Tối 25/9: 20h, Nhà hát Tuồng Việt Nam, vở diễn “An Tư công chúa”, 120’. Sáng 26/9: 9h, Đoàn Tuồng Trần Quang Diệu, vở diễn “Đào Phi Phụng”, 90’; vở diễn “Lã Bố hý Điêu Thuyền”, 30’. Tối 26/9: 20h, Nhà hát NT truyền thống Tuồng Khánh Hòa, vở diễn “Bao Công tra án Quách Hòe”, 120’. Sáng 27/9: 9h, Đoàn II Xuân Nội – Đông Anh, vở diễn “Mười tám năm ly hận”, 120’. Tối 27/9: 20h, Nhà hát Tuồng Đào Tấn, vở diễn “Sao Khuê Trời Việt”, 120’. Sáng 28/9: 9h, CLB Tuồng Dương Cốc – Quốc Oai - Hà Nội, vở diễn “Ngọn lửa Hồng Sơn”, 120’. Tối 28/9: 20h, Nhà hát Tuồng Thôn Bèo – Vĩnh Lộc - Thanh Hóa, vở diễn “Ngọn lửa Hồng Sơn”, 120’. Sáng 29/9: 9h, CLB Tuồng Nghiêm Xá – Yên Phong - Bắc Ninh, vở diễn “Trưng Nữ Vương”, 75’. 9h, CLB Tuồng Ngự Câu – Hoài Đức, vở diễn “Ngọn lửa Hồng Sơn” 70’. Tối 29/9: 20h, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Đoàn II, vở diễn “Thoại Khanh – Châu Tuấn”, 120’. Sáng 30/9: 9h, CLB Tiến Bào – Bắc Ninh, vở diễn “Triệu Đình Long cứu Chúa”, 120’. Tối 30/9: 20h, Đoàn II Xuân Nội – Đông Anh, vở diễn “Bốn ngàn năm họp mặt”, 90’. 20h, CLB Tuồng xã Trung Thành - Yên Thành - Nghệ An, vở diễn “Lê Lai đổi áo”, 30’. Sáng 1/10: 9h, Nhà hát NT truyền thống Cung đình Huế, vở diễn “Lâm Sanh – Xuân Nương”, 120’. Tối 1/10: 20h, Nhà hát NT truyền thống Cung đình Huế, vở diễn “Ngô Vương Quyền”, 120’. Sáng 2/10: 9h, CLB Trung Bạn – Yên Phong, vở diễn “Kiều Nguyệt Nga cống Hồ”, 120’. Tối 2/10: 20h, Đoàn Tuồng Sông Thu – Quảng Nam, vở diễn “Lã Bố Lý Điêu Thuyền”, 120’. Sáng 3/10: 9h, CLB Phú Mẫn – Yên Phong – Bắc Ninh, vở diễn “Ngọn lửa Hồng Sơn”, 120’. Tối 3/10: 20h, Nhà hát Bội TP. Hồ Chí Minh, vở diễn “An Tư Công Chúa”, 120’. Sáng 4/10: 9h, CLB Yên Phong - Bắc Ninh, vở diễn “Tam Hạ Nam Đường”, 120’. |