Đà Nẵng quyết đánh thức du lịch đường thủy bằng cảng sông Hàn
Tính đến 18/8/2015, tổng số phương tiện thủy nội địa phục vụ du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng là 44 ca nô, tàu du lịch, thành phố đã phê duyệt 09 vị trí bến đỗ du thuyền và cầu tàu du lịch trên sông Hàn nhưng chỉ mới có 1 cầu tàu đã hoàn thiện, các cầu tàu hiện nay đang neo đậu ở cảng Sông Hàn cũ nhưng cầu cảng lại chưa được cải tạo, nâng cấp để bảo đảm hoạt động.
Việc phát triển du lịch đường thủy nội địa vì thế cũng gặp nhiều vướng mắc và khó khăn.
Cảng Sông Hàn là một trong những cảng quan trọng của thành phố Đà Nẵng, đặc biệt khi đưa vào khai thác tuyến du lịch đường thủy nội địa, tuy nhiên cảng Sông Hàn hiện nay vẫn chưa được cải tạo và nâng cấp để có thể phục vụ cho du lịch.
Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng cho biết: “Việc phát triển du lịch đường thủy trước hết cần phải có cầu tàu ở các điểm đến để đón trả khách nhưng hiện nay vẫn chưa có; du khách không tham quan được khu danh thắng Ngũ Hành Sơn do vướng đập Bờ Quang, Đồng Nò; Các điểm đến ở Đà Nẵng còn đơn giản, hoang sơ, thiếu các dịch vụ và cơ sở vật chất tối thiểu để phục vụ khách; Nguồn nhân lực phục vụ đường sông còn hạn chế, chưa được đào tạo nghiệp vụ du lịch, kỹ năng giao tiếp phục vụ khách.
Muốn khai thác được những tiềm năng và thế mạnh của du lịch đường thủy nội địa thì sự quan tâm và đầu tư của thành phố đóng vai trò rất lớn”.
Sớm xây dựng cảng Sông Hàn thành cảng du lịch cố định
Nhằm khai thác thế mạnh của du lịch đường thủy nội địa tạo sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, góp phần đa dạng hóa các loại hình tour, tuyến, dịch vụ du lịch, đáp ứng nhu cầu du khách trong và ngoài nước khi đến TP. Đà Nẵng.
Tại cuộc họp UBND sáng 9/9, Ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đã yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành xây dựng cảng tạm, bổ sung một số hạng mục tạm thời đưa vào thi công trong tháng 9 như điện chiếu sáng, nhà chờ khách, nhà điều hành, hệ thống cấp điện, cấp nước, vệ sinh môi trường, nhà vệ sinh công cộng, thùng rác, nhà bán vé dịch vụ, container,… đến cuối tháng 10 có thể đưa vào hoạt động cảng tạm.
Đồng thời, đầu tư và nâng cấp cảng Sông Hàn thành cảng du lịch cố định và hoàn thành cảng này trước khi đoàn thuyền của cuộc đua Clipper Race 2015 – 2016 cập bến Đà Nẵng vào ngày 17/2/2016.
Việc cải tạo và nâng cấp cảng Sông Hàn hiện nay là cần thiết để phục vụ cho hành trình cuộc đua nói riêng đồng thời phục vụ cho việc phát triển du lịch thành phố nói chung.
Bên cạnh đó, nhiệm vụ trọng tâm trong việc đầu tư khai thác du lịch từ đây đến hết năm 2016 là đầu tư xây dựng các cầu tàu, điểm đến.
Cụ thể, cải tạo cảng Sông Hàn thành cảng du lịch cố định, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch; Xây dựng cầu tàu và cải tạo lại đường đi tại khu vực K20, Làng Túy Loan và Thái Lai, Làng Phong Lệ; Nghiên cứu tháo dỡ đập Đồng Nò, đập Bờ Quang để mở rộng tuyến tham quan danh thắng Ngũ Hành Sơn; Cải tạo mặt bằng và xây dựng cầu tàu, bến bãi khu vực phía bắc cầu Nam Ô, kêu gọi xã hội hóa từ các tổ chức cá nhân đầu tư cầu tàu, bến bãi dọc tuyến sông Cu Đê; Nâng cấp cảnh quan và dịch vụ bổ sung phục vụ du khách tại Bãi Cát Vàng, đầu tư cầu tàu và dịch vụ bổ sung tại Bãi Đá Đen – Bán đảo Sơn Trà.
Đối với việc phát triển du lịch, xây dựng thành phố ngày càng văn minh, xinh đẹp, UBND TP. Đà Nẵng đã và đang tiến hành xây dựng nhiều đề án, công trình. Việc đầu tư và khai thác phát triển tour, tuyến du lịch đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng sẽ là tín hiệu đáng mừng không chỉ cho ngành du lịch mà còn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân gian, các thiết chế văn hóa, các ngành nghề truyền thống tại các làng quê dọc tuyến sông, các điểm đến. Góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân tại những nơi hình thành các tour du lịch, điểm đến du lịch đường sông.