Đà Lạt xử lý nhiều công trình xây dựng trái phép, hạ độc thông cổ thụ và lấn chiếm đất rừng
Thethaovanhoa.vn) - Ngày 16/5, ông Nguyễn Văn Hòa, quyền Chủ tịch UBND phường 3 (thành phố Đà Lạt) cho biết: Trong mấy ngày nay, lực lượng chức năng thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) phối hợp với UBND Phường 3 đã và đang tổ chức giải tỏa "nóng" hàng chục công trình xây dựng trái phép, lấn chiếm rừng, hạ độc nhiều cây thông lớn trên địa bàn.
Khu vực đang tiến hành giải tỏa nằm trên đồi Robin - đồi thông đẹp nhất nhì của thành phố Đà Lạt. Khu vực này nằm ngay bên dưới tuyến cáp treo từ trung tâm thành phố xuống Thiền Viện Trúc Lâm có đông du khách qua lại. Từ nhiều tháng qua, hàng chục cây thông cổ thụ tại khu vực này bỗng nhiên héo vàng rồi chết. Đáng chú ý là những cây thông hàng chục năm tuổi này lại ở trong khuôn viên, thậm chí nằm ở giữa nhà, xuyên qua mái những căn nhà xây dựng trái phép mới xây dựng tại khu vực này. Ngay trong tán rừng, nhiều công trình tường bao, taluy, nhà ở kiên cố đã nhanh chóng được xây dựng lên. Hình ảnh những cây thông chết đứng hàng loạt trong các khuôn viên, trong từng ngôi nhà đã được xây dựng được hàng ngàn du khách đi trên cáp treo chứng kiến, khiến nhiều du khách bức xúc.
Ông Thân Văn Nam, cán bộ Kiểm lâm thành phố Đà Lạt cho biết: "Tình trạng phá rừng thông chiếm đất ở đây diễn ra rất phức tạp, đất đai thường xuyên được sang tên đổi chủ nên công tác điều tra, xử lý gặp khó khăn. Khu vực này xảy ra mua bán, sang nhượng nhà đất qua rất nhiều chủ. Vì vậy trong quá trình điều tra xử lý, anh em phải tìm ra đúng chủ vi phạm thì mới xử lý được. Hơn nữa, trong quá trình điều tra thì không có đối tượng để anh em tiếp cận làm việc, vì vậy gây rất nhiều khó khăn cho đoàn kiểm tra".
Sau vụ hạ độc hơn 10ha rừng thông tại xã Tân Thanh (huyện Lâm Hà), Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo, tỉnh Lâm Đồng cũng đã triển khai các giải pháp quyết liệt trong công tác quản lý và bảo vệ rừng trên địa bàn. Thành phố Đà Lạt đã trở thành địa phương đi tiên phong trong công tác đấu tranh với tình trạng hủy hoại rừng để lấn chiếm đất ở, đất sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Hòa, quyền Chủ tịch UBND Phường 3 cho biết: Vụ việc mà cơ quan chức năng và chính quyền Phường 3 đang giải quyết để lại hậu quả rất nghiêm trọng nếu không được xử lý nghiêm, kịp thời và có thể sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, tạo tiền lệ không tốt. Trong hai ngày qua, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng của thành phố Đà Lạt đã khẩn trương kiểm tra hiện trường, tiến hành lập biên bản xử lý gần 20 trường hợp xây dựng trái phép, hạ độc thông chết và lấn chiếm đất rừng. Cùng với đó, lực lượng chức năng đã tiến hành giải tỏa "nóng" và cưỡng chế tháo dỡ 6 công trình nhà ở, taluy và tường bao xây dựng trái phép trong khu vực. Trong ngày 16/5, lực lượng chức năng sẽ tiếp tục tổ chức cưỡng chế nốt hai công trình còn lại.
Theo đại diện của UBND Phường 3, các công trình vi phạm trong tổ dân phố 18 thường rơi vào trường hợp vắng chủ hoặc chủ ở nơi khác nên chính quyền địa phương tập trung xử lý vi phạm vắng chủ, xử lý "nóng" bằng cách tổ chức tháo dỡ ngay. Đối với các trường hợp có chủ thì chính quyền địa phương sẽ cùng với cơ quan chức năng củng cố hồ sơ, kiên quyết tiến hành tháo dỡ trong thời gian tới
Trong những năm gần đây, giá đất ở và đất sản xuất trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, đặc biệt là thành phố Đà Lạt tăng chóng mặt, ở mức cao nhất cả nước. Do quỹ đất hạn hẹp, dân số tăng cao nên nhiều đối tượng đã tấn công vào các khu rừng thông còn lại để chiếm đất. Các đối tượng sử dụng nhiều biện pháp tinh vi như lén lút xây bờ kè, tường bao, xây dựng nhà dưới tán rừng.
Sau khi hoàn thành công trình một thời gian, họ mới bắt đầu hạ độc những cây thông nằm trong khuôn viên, trong nhà đã hoàn thành. Chờ cây chết khô, tự mục nát gãy đổ, cơ quan chức năng đến lập biên bản thì sự đã rồi nên nghiễm nhiên biến diện tích đó thành đất ở. Tuy nhiên, quá trình xây dựng mỗi công trình thường diễn ra trong thời gian khá dài, lại ở ngay giữa lòng thành phố nên dư luận cho rằng các đối tượng trên không thể thực hiện nếu không có sự tiếp tay, làm ngơ của một số cán bộ chính quyền cơ sở và cơ quan chức năng địa phương.
Chu Quốc Hùng/TTXVN