Cứu trợ phải “nhanh, khả thi, có trọng tâm, trực tiếp”
“Thương người như thể thương thân” là truyền thống quý báu của dân tộc ta, đặc biệt là sau mỗi lần xảy ra các thiên tai, địch họa. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả cao nhất thì việc cứu trợ phải đạt các tiêu chí “nhanh, khả thi, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, trực tiếp vào các đối tượng bị ảnh hưởng” theo nội dung Nghị quyết số 143/NQ-CP của Chính phủ.
Kịp thời, thiết thực, đúng người, đúng thời điểm
Ngày 17/9/2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.
Quan điểm của Chính phủ là chính sách, giải pháp hỗ trợ phải nhanh, khả thi, kịp thời, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, trực tiếp vào các đối tượng bị ảnh hưởng; trình tự, thủ tục, điều kiện thụ hưởng đơn giản; huy động mọi nguồn lực, quản lý và phân bổ hợp lý, chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực, bảo đảm công khai, minh bạch.
Mục tiêu là bảo vệ tính mạng, an toàn, sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết; bảo đảm an sinh xã hội, sớm khôi phục các hoạt động đời sống, xã hội. Đối tượng hỗ trợ là người dân, người lao động, người yếu thế, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp tại các địa bàn bị ảnh hưởng bởi bão số 3 (còn gọi là "siêu bão Yagi), ngập lụt, lũ, sạt lở đất.
Nguyên tắc tổng thể cứu trợ đối với nạn nhân thiên tai là như vậy, nhưng biện pháp cụ thể là như thế nào?
Theo ông Trần Sỹ Pha, Trưởng ban Ban Công tác xã hội - Quản lý thảm họa (Hội Chữ thập đỏ Việt Nam), để biết người dân bị ảnh hưởng của bão lũ cần gì nhất thì các đoàn cứu trợ nên liên lạc thông qua kênh chính thức là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ, bởi các tổ chức này có các số liệu thống kê khá chính xác, chi tiết về tình hình thiệt hại, nhu cầu cấp bách nhất của những nơi bị ảnh hưởng.
Thực tế cho thấy các hoạt động từ thiện đơn lẻ, tự phát nhiều khi dẫn đến hiện tượng “nước chảy chỗ trũng” – đồ cứu trợ không đến đúng địa chỉ, nơi nào giao thông thuận tiện thì nhiều đoàn đến, nơi nào khó khăn thì rất ít, thậm chí không đoàn nào đến được. Báo chí đã lên tiếng về việc “giải cứu hàng cứu trợ” vì đồ tiếp tế bị ứ đọng, hư hỏng.
Ủng hộ bằng cái gì cũng là một câu hỏi dai dẳng chưa có lời đáp thỏa đáng trong nhiều năm qua.
Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã nêu câu chuyện ở huyện Bảo Yên (tỉnh Lào Cai) nhưng có ý nghĩa khái quát cho tình hình cứu trợ chung là “quá nhiều mì tôm, không đúng nhu cầu thực tế”.
Anh Đàm Văn Hoàng, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Xuân Hòa (huyện Bảo Yên) cho biết: Xã có hơn 1.800 hộ với hơn 9.000 nhân khẩu thì có 41 hộ bị thiệt hại hoàn toàn về nhà cửa, tài sản, 158 hộ có nhà cửa bị hư hỏng nặng, mọi gia đình hiện tại đều rất khó khăn, thiếu thốn dù chính quyền địa phương đã rất nỗ lực cứu trợ. Người dân đang rất cần mắm, muối, mỳ chính, thuốc đánh răng, bột giặt, gạo… để duy trì sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên, các đoàn cứu trợ lại đưa vào địa bàn chủ yếu là mỳ tôm, bánh mỳ và sữa, số lượng quá nhiều, vừa gây lãng phí và cũng không đúng với nhu cầu thực tế.
Theo ông Đặng Công Quang (Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) - địa phương từng hứng chịu nhiều đợt mưa lũ, sự hỗ trợ nào cũng đều quý giá, tuy nhiên, sau mỗi trận thiên tai, gia đình nào cũng cần phải mua sắm lại từ chén bát, bột giặt, quần áo, sách vở, thậm chí cả tivi, tủ lạnh, nguyên vật liệu để sửa sang nhà cửa. Do vậy, bà con rất cần tiền để khôi phục cuộc sống, nhất là công nhân, người lao động nghèo.
Tính thời điểm trong cứu trợ nạn nhân bão, lũ là điều rất quan trọng.
Khi bão đã qua hơn 10 ngày, nước cũng đã rút thì việc cứu đói không phải là ưu tiên số một nữa mà cần chuyển hướng sang cứu trợ tái thiết. Người dân vùng bão, lũ ở khu vực phía Bắc cần nhất lúc này là tiền và các phương tiện giúp cho họ ổn định cuộc sống, học tập, sản xuất. Chúng ta nếu chưa tiếp cận trước và không biết nhu cầu thực sự của bà con ở địa bàn mình hướng tới thì hỗ trợ tiền mặt là việc thiết thực và hiệu quả nhất. Quần áo hiện được quyên góp nhiều và dễ ủng hộ nhất nhưng thực ra lại ít giá trị sử dụng, trừ áo ấm, dù việc lựa chọn, gói ghém, vận chuyển đòi hỏi nhiều công sức, thời gian.
Những sáng kiến, đề xuất cần nghiên cứu, nhân rộng
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo đối với tổ chức, cá nhân cứu trợ bằng thực phẩm là ưu tiên quyên góp lương thực, thực phẩm bao gói sẵn, có hạn sử dụng, bảo quản dài ngày; ủng hộ vitamin, men tiêu hóa hỗ trợ sức khỏe cho các đối tượng trẻ em, người già trong vùng bão, lũ.
Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cho biết: Trung tâm Tình nguyện quốc gia phối hợp với Mạng lưới Thông tin cứu nạn khẩn cấp (Emergency Rescue Information Network ERIN) vận hành tổng đài tiếp nhận thông tin cứu trợ khẩn cấp 18006132 từ ngày 12/9. Đây là tổng đài miễn phí, có 200 tình nguyện viên trực điện thoại suốt ngày đêm trong tuần để tiếp nhận các cuộc gọi đề nghị cứu trợ từ người dân; tiếp nhận thông tin và điều phối nguồn lực cứu trợ của các cá nhân, tập thể.
Cầu vận chuyển miễn phí hàng cứu trợ bão, lũ lần đầu được thiết lập sau cơn bão số 3 và dự kiến sẽ hoạt động trong 30 ngày với sự tham gia của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam và nhiều doanh nghiệp vận tải. Doanh nghiệp vận tải đăng ký cung cấp xe chở hàng miễn phí liên hệ theo số điện thoại của Ban tổ chức là 0912.000416. Còn các cá nhân, tổ chức cần xe vận chuyển miễn phí hàng cứu trợ liên hệ theo số điện thoại nóng là 0901.514.799 và 0914.799.709
Ông Nguyễn Trung Thành, Phó Trưởng phòng Phòng Chính sách Bảo trợ xã hội thuộc Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội), đề xuất thành lập bộ máy phản ứng nhanh để ứng phó với tình trạng khẩn cấp. Đó có thể là một mô hình của chính quyền, hệ thống từ địa phương, cơ sở, trong đó các đoàn thể, cá nhân cùng góp sức. Sự cứu trợ mang tính chất tự nguyện của các cá nhân dù cũng rất quan trọng nhưng cần được tư vấn, phân chia cụ thể, tránh tình trạng một thôn chỉ có 300 người mà các đòan từ thiện gửi tới hàng nghìn chiếc bánh chưng gần như cùng lúc, không thể dùng hết, bị ôi thiu.
Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, đơn vị đã có văn bản đề nghị miễn phí cho các xe cứu trợ khi qua trạm thu phí. Theo đó, để hỗ trợ vận chuyển hàng hoá cứu trợ đến các khu vực bị ảnh hưởng bão, lụt, Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị các đơn vị, nhà đầu tư, doanh nghiệp xem xét, chỉ đạo các trạm thu phí miễn phí dịch vụ sử dụng đường bộ cho các phương tiện vận chuyển hàng cứu trợ khi đi qua trạm thu phí cho đến khi có văn bản hướng dẫn mới.
Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại do bão, lũ từ phía khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như cơ cấu lại thời hạn trả nợ; xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão. Trên thực tế, một số ngân hàng thương mại đã hưởng ứng yêu câu nói trên.