Cựu giám sát trọng tài Đoàn Phú Tấn: 'Nên tin vào trọng tài'
(Thethaovanhoa.vn) - Ông Đoàn Phú Tấn là một chân dung khá tiêu biểu trong đời sống bóng đá và làng trọng tài Việt Nam. Một người giỏi nghề, mẫu mực, đầy tâm huyết với trái bóng tròn. Đã về “vui thú điền viên” nhưng ông vẫn đau đáu với thế sự bóng đá nước nhà. Một Đoàn Phú Tấn luôn sắc sảo trong mọi nhận định liên quan đến trái bóng tròn.
Cảm hứng bóng đá mang lại thật tích cực
* Thể thao &Văn hóa: Thưa ông, đội tuyển futsal Việt Nam đã giành quyền vào vòng 1/8 Futsal World Cup 2021. Mấy ngày qua, ông dõi theo bước đi của đội futsal Việt Nam với tâm trạng, cảm xúc nào?
- Cựu Giám sát trọng tài Đoàn Phú Tấn: Tôi có xem futsal chứ. Trong những ngày dịch dã, giãn cách thế này được theo dõi những trận đấu như vậy rất vui. Màn trình diễn cùng thành tích của đội tuyển futsal nhân lên niềm vui đó. Nhìn lại sẽ thấy, futsal Việt Nam đã có những thành công vượt bậc. Cái tên Việt Nam đã có chỗ đứng vững chãi trên bản đồ của một môn thi đấu ở tầm cỡ thế giới. Bóng đá (sân 11 người) cũng đang đi trên hành trình đó, cố gắng để đạt được giấc mơ World Cup. Riêng futsal đã là lần thứ 2, lại vào tới vòng 1/8 là rất sâu, ngang hàng với 16 đội mạnh nhất thế giới.
Vui là vậy, nhưng cũng có đôi chút băn khoăn. Băn khoăn vì lẽ, môn chơi futsal này có vẻ như chưa được đầu tư bài bản, chưa tập hợp được hết những nhân tài trên quy mô cả nước. Hy vọng trong thời gian đến, môn này được đầu tư sâu rộng hơn nữa để phát triển mạnh mẽ. Chúng ta có quyền hy vọng những bước phát triển vững chắc tiếp theo của futsal Việt Nam. Môn chơi đòi hỏi sự khéo léo, nhanh nhẹn và khôn ngoan nhiều hơn sức lực, điều này phù hợp với thể chất, tư chất người Việt mình.
* Rõ ràng, trong bối cảnh dịch dã nhưng bóng đá nước nhà đã mang lại niềm vui, sự hứng khởi rất quan trọng. Cũng vừa có kết quả bốc thăm chia bảng AFF Cup 2020. Ông nhìn nhận thế nào về bảng đấu của đội tuyển Việt Nam cũng như cơ hội bảo vệ ngôi vương của bóng đá Việt Nam?
- Bóng đá nước nhà đang ở vị trí “hạt giống” số 1 khi tổ chức bốc thăm chia bảng, đồng thời là nhà ĐKVĐ Đông Nam Á. Chúng ta đã đi đến được vòng loại thứ 3 World Cup 2022 khu vực châu Á. Với vị thế đó, vậy thì chỉ có người khác "ngại" ta, chứ ta không phải "ngại" ai cả tại AFF Cup lần này, đơn giản mục tiêu của đội tuyển Việt Nam là phải bảo vệ thành công chức vô địch.
Hãy hành xử văn minh với trọng tài
* Vừa rồi đã có rất nhiều tranh luận xung quanh việc trọng tài không công nhận bàn thắng của đội tuyển futsal Việt Nam trong trận đấu với Panama cũng như những “lùng bùng” về các tình huống penalty ở 2 trận vòng loại thứ 3 World Cup của đội tuyển Việt Nam. Cùng với đó, người xem trong nước "tấn công" các trọng tài trên mạng xã hội. Ông nhìn nhận câu chuyện này như thế nào?
- Ở góc độ người xem, tôi cũng có những bức xúc như nhiều người khác, nhưng từ góc độ người "có nghề”, tôi nghĩ rằng các trọng tài không sai, không thể sai đâu. Trong thời đại mọi thứ đều được công khai hóa, không thể có sự "khuất tất" ở đây, cũng không có lý do gì để có sự "khuất tất". Ta nên tin vào trọng tài. Có 3 lý do sau để lý giải sau:
Một là, nên tin rằng họ làm việc có trách nhiệm và chịu sự “soi xét” bởi những người có chuyên môn cao, không thể tùy tiện. Hai là, ta không có đủ các góc quan sát tốt nhất, như trọng tài có mặt trực tiếp ở trên sân cùng các công cụ kỹ thuật hỗ trợ, nên nhận định của chúng ta (người xem) có thể còn phiến diện. Ba là, trọng tài được tập huấn kỹ càng, họ nắm vững những quy định của Luật, còn ta, cần biết rằng cuốn Luật bóng đá xuất bản ở Việt Nam gần đây nhất là năm 2013, từ đó đến nay đã có ngót trăm sự thay đổi, bổ sung, ...
Tóm lại, ta nên tin vào các trọng tài và không nên có những suy đoán tiêu cực, những định kiến chỉ khiến cho việc thưởng thức cuộc chơi mất thú vị, đượm màu đen tối. Việc tấn công trọng tài trên không gian mạng càng kém văn minh.
* Nhân chuyện này, chúng ta nói thêm về câu chuyện trọng tài Việt Nam một chút. Hiện nay, các giải đấu trong nước đã hủy hoặc hoãn. Điều này chắn hẳn sẽ để lại nhiều khó khăn cho đội ngũ “Vua sân cỏ”. Ông cũng đã từng tâm huyết với việc có được “Học viện trọng tài”. Xin ông chia sẻ góc nhìn của mình về những vấn đề này?
- Trọng tài Việt Nam đã phải nghỉ giãn cách vài tháng rồi. Điều này tai hại chứ không phải không! Thể lực có thể duy trì nếu chăm chỉ tập luyện, nhưng tay nghề đòi hỏi nhiều hơn thế. Công việc của trọng tài đòi hỏi sự duy trì những phản xạ đã tạo lập, xác thực được, thông qua việc thực hiện điều đó thường xuyên. Lâu lâu mới làm 1 trận, không thể hay được.
Nếu có gì cần nói về “Học viện trọng tài”, tôi chỉ có một từ “buồn”. Qua một đời đào tạo trọng tài, tôi thấy tiếc vô cùng những nhân tố nhìn thấy có thể phát triển tốt, rồi chẳng đi đến đâu. Vì sao?
Thứ nhất, không có cơ chế chăm sóc đặc biệt, để thấy triển vọng thì phải chăm, từ đó mà sử dụng những người thầy đích thực chăm sóc những mầm non triển vọng ấy. Tất cả các học viên cứ theo một lối mòn mà đi, có năng khiếu cũng thui chột mà thôi.
Hai là, phải có một mô hình, để những người có triển vọng ấy, phải được phát triển theo một mô hình đặc biệt, một chương trình đặc biệt. Đó chính là “Học viện trọng tài”.
Hình như những người có trách nhiệm chưa hiểu thế nào là “Học viện trọng tài” cũng như lợi ích mô hình này mang lại. “Học viện trọng tài” không hề tốn kém như nhiều người nghĩ. Nó không đòi hỏi cơ ngơi, kinh phí khủng. Đây chỉ là một mô hình đào tạo mở, gắn với thực tiễn.Tôi lại nghĩ đơn giản thôi. Học viện là một mô hình để “chăn gà nòi”.
Nói vắn tắt thế này. Chọn lựa một lứa trọng tài trẻ có tiềm năng để tập trung đào tạo. Đào tạo VĐV các môn thể thao đều cần làm vậy thôi.Tập trung huấn luyện, chu kỳ 1-2 lần mỗi năm, như những đợt tập huấn thông thường, tốn kém không đáng kể gì. Sau đó, cử những giảng viên dày kinh nghiệm theo sát họ trong thời gian họ làm nhiệm vụ các giải đấu quốc gia để uốn nắn, giúp họ vượt qua các thử thách một cách nhanh nhất, trưởng thành nhanh chóng.
Với bao nhiêu năm tháng gắn bó sôi nổi và hết lòng với nghề, tôi ngẩng cao đầu để rời “cuộc chơi”.
* Xin được cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Mong Hà Nội có con đường mang tên “Cả quãng đời làm việc, cống hiến, tôi nhận thấy cá nhân tôi không có công trạng gì đáng nói. Nhưng tôi vẫn có “tâm nguyện” ở những ngày tháng nghỉ ngơi này. Tôi là con một văn nhân đã có công không nhỏ trong việc chống tham nhũng ở tầm cấp cao, trong kháng chiến chống Pháp. Khiến kẻ cấp cao tham nhũng phải đền tội (vụ Bác Hồ xử tử đại tá Trần Dụ Châu mà mọi người đã biết), cụ là nhà thơ Đoàn Phú Tứ, người đã được (như tôi được biết) hiện nay có 3 địa phương trong nước đặt tên đường, là TP.HCM, Đà Nẵng và Bắc Ninh. Thời nay, việc chống tham nhũng vẫn luôn là vấn đề nóng bỏng. Tâm nguyện của tôi là ở Thủ đô nên có một con đường mang tên Đoàn Phú Tứ, để ghi công, đồng thời nhắc nhở các thế hệ sau về quyết tâm bài trừ tham nhũng, những kẻ hại dân hại nước. Hiện tôi và gia đình đang chuẩn bị hồ sơ và gửi “tâm thư” lên lãnh đạo thành phố Hà Nội để mong được xem xét”. |
Trần Tuấn (thực hiện)