Cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phòng, chống tham nhũng: Cuốn sách gối đầu giường cho mỗi cán bộ, đảng viên
Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh là nhan đề cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ra mắt, đang thu hút sự quan tâm, đón nhận của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tại Hà Nội.
Trao đổi về nội dung cuốn sách, nhiều bạn đọc khẳng định: Với khoảng 600 trang được chia thành 3 phần, cuốn sách đã phản ánh chân thực, sâu sắc tư tưởng kiên định, nhất quán và xuyên suốt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
"Sách gối đầu giường" cho cán bộ, đảng viên
Nhận xét về cuốn sách, bà Nguyễn Thị Kim Loan, nguyên kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết, bà đã đọc rất kỹ và nhận thấy, cuốn sách là tập hợp của nhiều bài viết, bài phát biểu có tính hệ thống hóa tư tưởng, sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về chống “giặc nội xâm”; thể hiện quan điểm xuyên suốt, nhất quán của Đảng ta đối với công cuộc này cũng như công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên để cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu rõ, quán triệt sâu rộng và thực hiện có hiệu quả.
Tâm đắc với bài viết "Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Một việc làm cần thiết, tất yếu; một xu thế không thể đảo ngược!" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuốn sách này, bà Nguyễn Thị Kim Loan dẫn ra: Ngay đầu bài viết, tác giả đã đặt vấn đề: "Vì sao chúng ta phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực?".
Tác giả bài viết nêu rõ: “Câu hỏi này được đặt ra trong bối cảnh có một số ý kiến cho rằng nếu quá tập trung vào chống tham nhũng sẽ làm "nhụt chí", "chùn bước" những người dám nghĩ, dám làm và làm "chậm" sự phát triển của đất nước. Trong khi thực tiễn cho thấy hoàn toàn ngược lại. Cuộc chiến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã góp phần rất quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đặc biệt là đã từng bước lấy lại và củng cố niềm tin của nhân dân”.
Đồng tình với quan điểm của Tổng Bí thư, bà Nguyễn Thị Kim Loan liên hệ tới việc vừa qua Ban Bí thư ban hành Thông báo số 20-TB/TW về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật. Bà Nguyễn Thị Kim Loan bộc bạch: Chống tham nhũng, tiêu cực "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai" luôn là nguyên tắc của các lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước ta. Từ 10 năm nay, khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì công tác này của Đảng ta đã được tăng cường với nhiều kết quả quan trọng. Nhiều vụ việc lớn đã được đưa ra ánh sáng pháp luật, nhiều cá nhân thoái hóa, biến chất bị kỷ luật, xử lý hình sự.
Thể hiện rõ nhất chính là trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng. Hàng chục cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang bị xử lý kỷ luật. Cơ quan tố tụng đã khởi tố, điều tra gần 4.200 vụ với 7.572 bị can về các tội tham nhũng, chức vụ, kinh tế.
Đảng cũng đang tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới. Trong đó, phương châm “có vào, có ra, có lên, có xuống” dành cho cán bộ quản lý cấp cao quy định ở Thông báo số 20-TB/TW đang nhận được niềm tin rất lớn của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Không chỉ tăng cường tính kỷ luật, bảo đảm sự nghiêm minh mà Thông báo này còn thể hiện sự trông đợi và đòi hỏi của Đảng đối với bản thân mỗi người cán bộ. Đó là phải tích cực, năng động, cố gắng hơn nữa khi được quy hoạch, bổ nhiệm; tạo nỗ lực phấn cao hơn nữa cho mỗi cán bộ cũng như mở đường cho những cán bộ mắc sai lầm có cơ hội sửa chữa, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp chung- bà Nguyễn Thị Kim Loan nhấn mạnh.
“Cuốn sách của Tổng Bí thư thực sự là cuốn sách gối đầu giường cho mỗi cán bộ, đảng viên chúng tôi”, bà Nguyễn Thị Kim Loan chia sẻ.
Sức hút, sự lan tỏa từ sách và tác giả
Trao đổi về sức hút, sự lan tỏa của cuốn sách Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Thạc sỹ Phạm Ngọc Huyền, giảng viên Khoa Ngân hàng- Học viện Ngân hàng cho rằng, có hai yếu tố giúp cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có sức lan tỏa tốt. Đầu tiên là yếu tố đấu tranh phòng, chống “giặc nội xâm”- một chủ đề mà cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân rất quan tâm. Yếu tố thứ hai chính là sức thu hút từ tác giả cuốn sách - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người luôn trăn trở với vấn đề đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Với tư cách là một bạn đọc, Thạc sỹ Phạm Ngọc Huyền chia sẻ: Trong cuốn sách, Tổng Bí thư đã chỉ ra những hạn chế, thiếu sót để rút ra kinh nghiệm, tổng kết những bài học sâu sắc trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực. “Các bài viết trong sách đã nêu ra hàng loạt hành vi tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, trong đó tôi rất tâm đắc với bài viết Bệnh sợ trách nhiệm của Tổng Bí thư”, Thạc sỹ Phạm Ngọc Huyền nói.
Trong bài viết, tác giả chỉ rất rõ: “Thái độ sợ trách nhiệm của một số cán bộ, đảng viên đang là một trở ngại cho công tác của Đảng và Nhà nước, làm cho công việc bị trì trệ, giậm chân tại chỗ, làm cho những nhân tố mới không phát huy được, những khuyết điểm và nhược điểm không được khắc phục kịp thời và làm cho trình độ, năng lực công tác của cán bộ chậm được nâng cao”; “Nguồn gốc chủ yếu của bệnh sợ trách nhiệm là chủ nghĩa cá nhân”- Thạc sỹ Phạm Ngọc Huyền dẫn ra nội dung bài viết.
Tâm đắc với bài viết của Tổng Bí thư, Thạc sỹ Phạm Ngọc Huyền khẳng định bài viết đăng từ năm 1973 đến nay vẫn mang tính thời sự. Hiện nay, trách nhiệm của cán bộ, công chức, đảng viên là mỗi người phải thực hiện nhiệm vụ được giao đến cùng, không được thoái thác hoặc giao lại cho ai khác; phải gắn mình với thực hiện công vụ cho đến khi có kết quả. Trong hoạt động thực thi nhiệm vụ không được né trách nhiệm, không được sợ trách nhiệm mà đổ lỗi cho người khác, cho cấp khác. Nếu né tránh, đùn đẩy trách nhiệm chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng rất lớn, khiến công việc chậm chạp. Cán bộ cấp cao “sợ” trách nhiệm, “né” trách nhiệm sẽ làm bộ máy bị đình trệ, tiến độ công việc triển khai không đảm bảo, nhiều vấn đề xã hội bức xúc không được giải quyết kịp thời, cuộc sống và công việc của nhiều người khác bị ảnh hưởng, nhiều cơ hội tăng trưởng không tận dụng được...
Theo Thạc sỹ Phạm Ngọc Huyền, Đảng ta đã nhận diện và chỉ rõ bệnh sợ trách nhiệm là một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị. Mới đây, Đảng ta đã nêu cao tinh thần “6 dám” là dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung; đồng thời có chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung nhằm từng bước khắc phục triệt để căn bệnh sợ trách nhiệm.
“Nhưng để thực hiện tốt tinh thần “6 dám” mà Nghị quyết của Đảng đã đưa ra và quyết tâm khắc phục căn bệnh này thì trước hết cần sửa đổi quy định pháp luật cho rõ ràng, minh bạch hơn, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân; luật hóa quy định của Đảng về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới vì lợi ích chung”, Thạc sỹ Phạm Ngọc Huyền nhấn mạnh.
Theo Thạc sỹ Phạm Ngọc Huyền, để khắc phục “bệnh sợ trách nhiệm”, đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay cũng cần phải nâng cao hơn nữa sự tự trọng, ý thức trách nhiệm và hoài bão của cá nhân. Mỗi cán bộ, đảng viên không được phép bằng lòng về bản thân, phải luôn phấn đấu vươn lên tự hoàn thiện mình; không ngừng học tập nâng cao trình độ, kiến thức chuyên môn.