Cuộc thi sáng tác truyện tranh cho trẻ em: Nhiều phong cách và chất liệu mới
(Thethaovanhoa.vn) - Tiếp tục lộ trình biến đổi và hiệu quả của Dự án Hỗ trợ Văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch của Hội Nhà văn Đan Mạch, Nhà xuất bản Kim Đồng, cuộc vận động sáng tác năm 2013-2015 với chủ đề Ngày tôi gặp… cho thể loại tranh truyện dành cho các cô bé, cậu bé, từ 3 đến 6 tuổi đã nhận được những bài dự thi có chất lượng mĩ thuật đồng đều và nhỉnh hơn so với những năm trước của tác giả trẻ thể hệ 7X, 8X, 9X.
Nhiều phong cách được thử nghiệm, nhiều chất liệu được thể hiện mới với cái nhìn tươi tắn và thỏa thuê màu sắc về thế giới quanh ta.
Đã có nhiều tác phẩm thể hiện đậm nét khả năng vào chuyện và kể chuyện rất chuyên nghiệp. Cách mở và dẫn dắt bằng hình ảnh tạo cho người đọc cảm thấy rất thú vị và muốn khám phá. Các tác phẩm đã sử dụng phần thoại hợp lí hơn, bớt phần văn kể để văn nói quán xuyến sinh động, lôi cuốn theo từng hình ảnh từ trang đầu đến trang cuối của tác phẩm.
Những bài dự thi lần này, đa phần là các sáng tác mới, chỉ một số ít dựa vào truyện cổ tích hay ngụ ngôn. Với không gian mở cho chủ đề Ngày tôi gặp…, các tác giả dường như vẫn tự hẹp lại bởi lối kể tự sự, liệt kê, thiếu tình tiết trong một tốc độ chậm của hình ảnh và không có cao trào.
Trong số 13 tác phẩm vượt hẳn lên vào Chung khảo, chúng tôi đã chọn ra 6 tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải thưởng và in sách.
Lại Hiền Lương sinh năm 1989 ở Hà Nội có ước mơ Thắt nơ cả thế giới với câu chuyện khuyến khích đem lại niềm vui cho mọi người. Thắt nơ cho mình rồi biến bản thân mình thành món quà đẹp đẽ cho một cậu bé không có ai chơi cùng là một cái kết bất ngờ và xúc động. Bộ tranh được thực hiện công phu ở tất cả các trang. Sáp màu là một chất liệu biểu cảm nhưng rất khó sử dụng lại được họa sĩ dùng rất hiệu quả và giàu nữ tính.
Cũng sinh năm 1989 nhưng ở Tp Hồ Chí Minh, Vương Thị Thùy Linh cho ta thêm một câu chuyện về biển thật đẹp và bay bổng qua Kỳ nghỉ đáng nhớ. Họa sĩ tạo dựng được không gian của sự tự do, thanh bình với sự trải rộng, phóng khoáng của khoảng không gian xanh. Chả thế mà thông điệp người đọc nhận được là: nào hãy cho đi, hãy ước mơ đi rồi ta sẽ được toại nguyện.
Quang Phúc và Vũ Tường cùng sinh năm 1989 ở TP Hồ Chí Minh như một cặp đôi tình cờ để kể cho chúng ta nghe về Bữa tiệc của vua Mèo. Ngôn ngữ đồ họa rất tốt và chuyên nghiệp. Ta mở từng trang, từng trang, thấy chất lung linh kì ảo được xử lí thật tài tình, nó xòa nhòa ranh giới giữa thật và ảo, giữa người và mèo. Rất tiếc vì “động cơ” cho chuyến phiêu lưu là sự “đói”, nhưng trong hành trình phiêu lưu lại không thấy đả động gì. Cũng còn khá nhiều lỗi trong câu chuyện như cuộc tìm kiếm mặt trăng đối với một cậu bé béo chưa từng trải thì rất dễ dàng trong khi loài mèo ranh ma thì lại không.
Với Quả trứng này là của ai?, câu chuyện thật đẹp, đơn giản mà nhiều xúc cảm của Nguyễn Phương Thảo - sinh năm 1988 ở Tp Hồ Chí Minh cho ta sự ám ảnh khó dứt với màu xanh của biển. Chỉ tiếc là câu chuyện ngắn quá nên tạo hình đẹp, bố cục vững của tác giả thể hiện sự chuyên nghiệp ở thể loại này vẫn chưa đi được xa.
Rất hiểu tâm lí trẻ em và thật thông minh khi chọn được một phong cách rất phù hợp cho câu chuyện Những ngón tay không vâng lời, Lý Minh Phúc sinh năm 1990 ở TP Hồ Chí Minh mang đến ngôn ngữ đồ họa lạ và đẹp cho tác phẩm. Phóng túng với những vệt màu nhưng cũng rất tinh tế và hiện đại. Các góc nhìn lúc xa lúc gần trong những góc quay rất linh hoạt và táo bạo, đẩy người đọc cuốn xoáy vào trò chơi của những mảng màu.
Cuối cùng là Tạ Lan Hạnh – sinh năm 1991 ở Hà Nội cho ta một Người bạn tuyệt vời. Câu chuyện của Hạnh gắn với chủ đề cuộc thi, đem lại một cảm giác ấm áp về tình bạn dù cả hai đều không hoàn hảo. Và để có một “người bạn tuyệt vời” thì nào phải tìm đâu xa, họ luôn hiện hữu ở quanh ta. Với kĩ thuật thể hiện màu nước tinh tế kết hợp với sử dụng công nghệ thuần thục, họa sĩ là người rất điêu luyện khi sáng tạo hình ảnh, mang lại cho người đọc sự thỏa mãn vô bờ về thị giác.
Thế giới tiếp tục phẳng, các bạn trẻ nước ta không né tránh thẩm mĩ toàn cầu. Họ tự tin tiếp nhận tinh hoa văn hóa nhân loại như một sự thừa hưởng đương nhiên cùng bản sắc dân tộc của người Việt. Dù đây đó, nếu có chăng sự nhập tâm hồn nhiên màu sắc và ngôn ngữ tạo hình từ thế giới bên ngoài cũng là điều dễ hiểu.
Khép lại một cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi, chúng ta cùng chia vui khi có thêm các tác gải trẻ và tác phẩm mới. Những ước ao, kì vọng vẫn khó cũ, để ngỏ sứ mệnh chuyển kênh, xoay thập kỉ bản lề sang thế hệ những người Việt mới đang nhìn khác, nghĩ khác cho tương lai.
Họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Phó Chủ tịch Hội Mĩ thuật Việt Nam