Cuộc đua ghế chủ tịch Barca: Cơ hội nào cho 'cáo già' Laporta?
(Thethaovanhoa.vn) - Ít nhất 5 người đã tuyên bố sẽ ra tranh cử, nhưng truyền thông TBN tin rằng Laporta là ứng viên số 1. Lý do một phần nằm ở việc Laporta đã giúp Barca quay lại với những giá trị và triết lý của thời 1988-1996 với Johan Cruyff vĩ đại.
Về mặt thành tích, ngay cả tính giai đoạn trầm lắng từ cuối 2006 tới giữa 2008, thời kỳ 2003-2010 là một trong những thời kỳ thành công nhất lịch sử Barca, và cả lịch sử bóng đá thế giới với một CLB.
Lợi thế của Laporta
Laporta được cho là không có đối thủ nhờ những chiếc cúp đó. Tuy nhiên, nhiều người cũng đã quên rằng ông phải ra đi vì sự cai trị độc tài, do thám bí mật các cầu thủ, khuất tất về tài chính và gây mất lòng gần như tất cả mọi người trong CLB. Những gì Laporta đã làm là bằng chứng cho thấy mô hình CĐV bỏ phiếu bầu chủ tịch chưa chắc đã mang lại thiên đường lý tưởng của sự dân chủ, minh bạch, trách nhiệm giải trình đầy đủ và sự hòa hợp giữa đội bóng với người hâm mộ. Thật ra, Sandro Rosell đã giành chiến thắng năm 2010 với tỉ lệ phiếu cao nhất trong lịch sử các cuộc bầu cử chủ tịch ở Barcelona.
Rosell sau đó trở thành một địch thủ của Cruyff. Ông cũng khiến Pep Guardiola cảm thấy bị bạc đãi và cô lập, dẫn tới việc HLV thành công nhất lịch sử CLB ra đi. Ban lãnh đạo dưới thời Rosell cũng tìm cách tống cổ Eric Abidal sau khi hứa rằng nếu anh bình phục trong cuộc chiến với căn bệnh ung thư và có thể ra sân, anh sẽ được nhận một hợp đồng mới. Rossell còn là người quyết định chấm dứt đăng logo ủng hộ Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) trên áo đấu của Barca để thay bằng nhà tài trợ Qatar Foundation. Cuối cùng, ông đã đưa về Neymar trong một thương vụ rối rắm tới mức cả đội bóng có nguy cơ phải hầu tòa. Nhiệm kỳ chủ tịch của Rosell, vì thế, kết thúc khá đột ngột.
Một yếu tố nữa khiến lợi thế với Laporta càng lớn: Ông được coi là một người chống Rosell. Họ không chỉ thù ghét nhau, mà chủ tịch sắp hết nhiệm kỳ (Josep Bartomeu) từng là phó chủ tịch dưới thời Rosell, tức trên nguyên tắc, là kẻ thù của Laporta. Ngài cựu chủ tịch giai đoạn 2003-2010 cũng có thể tự nhận là người đã xây dựng nên mọi nền tảng cho giai đoạn thành công nhất lịch sử đội bóng vẫn đang tiếp tục kéo dài, bao gồm cú ăn ba tuyệt diệu ở mùa giải vừa rồi.
“Cáo già” Laporta
Sẽ có tất cả khoảng 150.000 CĐV Barca có quyền bỏ phiếu và bởi hầu hết đều là những CĐV lâu năm và trung thành, họ đều sẽ nhớ hoặc biết về những gì CLB đã đạt được dưới thời Laporta. Bên trong đội bóng, Laporta cũng còn rất nhiều đồng minh. Rất nhiều những người ủng hộ ông nhiệt thành giờ đã rời Camp Nou: Txiki Begiristain, Ferran Soriano, Samuel Eto’o, Marc Ingla, Frank Rijkaard, Ronaldinho, Evarist Murtra, Pep Guardiola, Tito Vilanova và Johan Cruyff. Nhưng đó vẫn là những cái tên đầy sức nặng với các CĐV Blaugrana. Trong số đó, nhiều người sẽ sẵn sàng quay lại phục vụ đội bóng với Laporta, chứ không phải là với Rosell hay Bartomeu.
Laporta còn là một con cáo già chính trị, một tay lão luyện trong việc đối phó với truyền thông, nhưng quan trọng hơn cả, ông rất nhất quán về triết lý bóng đá ở Barca: Đó là việc của Johan. Đừng ngạc nhiên nếu Cruyff lại xuất hiện trên báo vài ngày tới và nói mấy lời ủng hộ Laporta. Cũng đừng ngạc nhiên nếu Laporta thắng cử, Cruyff sẽ trở lại như một “cố vấn cấp cao”, đặc biệt là ở bộ phận đào tạo trẻ, của CLB.
Với Victor Valdes, Carlos Puyol và Xavi đều đã ra đi. Andres Iniesta bước vào giai đoạn xế chiều của sự nghiệp, Barca phải chuẩn bị cho một thời kỳ chuyển giao đầy rủi ro cần những người lèo lái bản lĩnh và có năng lực tốt nhất. Laporta, và Cruyff, có thể sẽ chạy đua với một tuyên bố như thế.
12 Dưới triều đại Joan Laporta, Barca giành tổng cộng 12 danh hiệu, trong đó có hai chức vô địch Champions League (2006, 2009). 6 Ở mùa giải 2008-09, Barca của Laporta đã giành cú ăn sáu danh hiệu - một thành tích có một không hai. 2 Dưới thời Laporta (2003-2010), Barca chỉ có đúng 2 HLV là Frank Rijkaard và Pep Guardiola. Những ví dụ điển hình của mô hình “socio” Châu Âu tồn tại rất nhiều mô hình sở hữu bóng đá. Ở Anh là sự tự do gần như tuyệt đối với việc các ông chủ ngoại lần lượt thâu tóm các đội bóng lớn nhất tại Premier League. Ở Đức, các doanh nghiệp tư nhân chỉ được phép sở hữu một phần thiểu số của các CLB Bundesliga và nhà nước đóng vai trò hỗ trợ quan trọng. Còn tại TBN là hệ thống các “socio”, những CĐV trả tiền để trở thành thành viên có quyền biểu quyết của CLB. Hai sự kiện trọng đại của mô hình “socio” tại TBN diễn ra vào mùa Hè năm 2000 và 3 năm sau đó. Sự kiện đầu tiên là khi chủ tịch Real Madrid lúc bấy giờ Lorenzo Sanz (ảnh) bị đá văng khỏi chiếc ghế nóng dù đã giúp Los Blancos có chức vô địch Champions League thứ 7 và 8, kết thúc 32 năm chờ đợi mỏi mòn. Sanz đã bị trừng phạt vì các CĐV không hài lòng với sự thiếu rõ ràng về tài chính của ông, nhưng đồng thời, họ cũng bị ngợp bởi những lời hứa xa xỉ của người thách thức Sanz, Florentino Perez. Sự kiện thứ hai là khi Joan Laporta, cũng chỉ là một “socio” bình thường 7 năm trước đó, giành ghế chủ tịch ở Camp Nou vào năm 2003. Đó thực sự là một cột mốc quan trọng với Barcelona. Laporta, đã rời CLB vào năm 2010 vì những bê bối tài chính, giờ tuyên bố sẽ chạy đua cho cuộc bầu cử chủ tịch diễn ra vào tháng tới. |
Trần Trọng (theo ESPN)
Thể thao & Văn hóa