Cuộc 'đối thoại' giữa Tuồng Việt và Hý khúc Trung Quốc
(Thethaovanhoa.vn) - Vừa qua, một đoàn nghệ thuật gồm 13 nghệ sĩ của Nhà hát Tuồng Việt Nam và một học giả nghiên cứu sân khấu là PGS.TS Lê Thị Hoài Phương (thuộc Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam) được Bộ VH,TT&DL cử sang tham dự “Tuần Sân khấu Trung Quốc - ASEAN 2015”, diễn ra tại thành phố Nam Ninh, Trung Quốc.
- Giáo sư Singapore 'hiến kế' cứu Tuồng Việt
- Nhà hát Tuồng Việt Nam diễn miễn phí tại TP.HCM
- Tuồng Việt “lai” kịch Pháp đắt hàng tại festival D’Avignon
* Việt Nam đã đưa nghệ thuật Tuồng đi tham dự. Nhưng hình như từ trước tới nay có một số người cho rằng nghệ thuật sân khấu Tuồng của Việt Nam có cái gì đó na ná với nghệ thuật Hý khúc của Trung Quốc, bà thấy khán giả Trung Quốc đón nhận Tuồng của chúng ta thế nào?
- Đúng là trước đây, và kể cả hiện nay, có một số người, do cảm nhận bề ngoài mà cho rằng nghệ thuật Tuồng của Việt Nam và Hý Khúc Trung Quốc có nhiều điểm giống nhau, từ phục trang, hóa trang cho đến vũ đạo... thậm chí có người cho rằng nghệ thuật Tuồng của Việt Nam ngay từ khi ra đời là chịu ảnh hưởng của Hý khúc Trung Quốc...
Không biết có phải vì “e ngại” với những nhận định mang tính chủ quan thế không mà mặc dù đã từng đi biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới nhưng đây là lần đầu tiên Nhà hát Tuồng Việt Nam mới được đem bộ môn nghệ thuật truyền thống độc đáo của đất nước mình giới thiệu với khán giả Trung Quốc.
Đoàn đã lựa chọn mang đi bốn trích đoạn rất đặc sắc do các nghệ sĩ tài năng biểu diễn, đó là các tiết mục: “Ông già cõng vợ đi xem hội” (NSND Hồng Khiêm và các nghệ sĩ), “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo” (NSND Minh Gái, NSƯT Ánh Dương), “Ngũ Biến” (NSND Hương Thơm và các nghệ sĩ), “Châu Sáng qua sông” (NS Xuân Tùng).
Kết quả thật bất ngờ. Khán giả Trung Quốc cũng như diễn viên của các đoàn thuộc ASEAN đều thể hiện rất hứng thú với chương trình biểu diễn của đoàn Việt Nam. Chương trình kết thúc rồi mà nhiều người còn nán lại để tiếp xúc, trò chuyện với các diễn viên của ta.
Họ khen ngợi tài nghệ của các diễn viên Tuồng Việt Nam, nhất là NSND Minh Gái trong trích đoạn “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo” và NSND Hồng Khiêm trong trích đoạn “Ông già cõng vợ đi xem hội”.
Thậm chí ngày hôm sau, khi các đoàn đang cùng ăn trưa tại khách sạn, một số diễn viên các đoàn bạn đã đến chào hỏi, chỉ vào NSND Minh Gái hỏi “Có phải chị đã đóng vai cứ “OW! OW!” không?” (họ bắt chước động tác và tiếng hú của Nguyệt Cô khi đã hóa thành cáo), rồi lại chỉ vào NSND Hồng Khiêm hỏi: “Có phải chị đã đóng trong cái trích đoạn đầu tiên không?” (là trích đoạn “Ông già cõng vợ đi xem hội”), họ tỏ ra ngưỡng mộ thực sự...
* Hý Khúc nói riêng và nghệ thuật truyền thống Trung Quốc nói chung có chịu chung tình trạng vắng khán giả như Tuồng Việt?
- Tôi nhận thấy các học giả Trung Quốc rất chú trọng đến nghệ thuật sân khấu kịch hát truyền thống của họ (gọi là Chinese Opera), họ bàn nhiều đến thực trạng đang bị mai một của sân khấu kịch hát truyền thống, đến nguy cơ thất truyền, họ bàn các biện pháp để bảo tồn nó trong xã hội hiện đại, trong đó biện pháp đưa vào các nhà trường được nói đến nhiều...
Có lẽ đấy là tình trạng chung của nhiều quốc gia, nhất là đối với các nước châu Á, nơi có nhiều loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống đang bị đe dọa bởi làn sóng toàn cầu hóa.
* Thế các nhà chuyên môn nói gì về nghệ thuật Tuồng của chúng ta, thưa bà?
- Tại sự kiện, tôi trình bày tham luận giới thiệu khái quát về các loại hình sân khấu Việt Nam, truyền thống và hiện đại; và mối quan hệ sân khấu Việt Nam và Trung Quốc, chủ yếu từ sau 1945.
Bên ngoài hậu trường, tôi có hỏi các chuyên gia Trung Quốc xem họ nhận xét gì về nghệ thuật Tuồng Việt Nam trong tương quan với Hý Khúc Trung Quốc. Ông Nhiễm Thường Kiến, nhà nghiên cứu và đạo diễn sân khấu đến từ Học viện Hý khúc Trung Quốc ở Bắc Kinh nói: “Sân khấu Tuồng Việt Nam và Hý khúc Trung Quốc giống nhau ở cách biểu đạt mang tính cách điệu, tượng trưng rất cao. ..”, rồi vừa nói ông vừa làm động tác minh họa: “Ví dụ, diễn viên chỉ cần làm động tác đang quất roi ngựa thì người xem hiểu là anh ta đang phi ngựa, hay chỉ cần làm động tác chèo thuyền là người xem hiểu nhân vật đang chèo thuyền...
Còn GS.TS Mao Tiểu Vũ đến từ Viện nghiên cứu Nghệ thuật Trung Quốc (Bắc Kinh) sau khi nghe các nghệ sĩ Việt Nam giải thích rằng trong nghệ thuật hóa trang của Tuồng có hai màu đen và đỏ là chủ đạo, biểu hiện sự đối xứng âm - dương, thì cho biết, hóa trang trong sân khấu Hý khúc Trung Quốc cũng thể hiện sự đối xứng âm dương, nhưng lấy hai màu đen - trắng làm chủ đạo...
Như vậy, chỉ qua một chút trao đổi như vậy chúng tôi đã có thể thấy được một số nét tương đồng và dị biệt giữa hai nền sân khấu. Ai nói Tuồng giống Hý khúc hoàn toàn là do cảm nhận bề ngoài.
* Xin cảm ơn bà!
Trang Kim (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa