Cuộc đời sóng gió của Cervantes vẫn... thời sự
(Thethaovanhoa.vn) - Kỷ niệm 400 năm ngày mất đại văn hào Miguel deCervantes (22/4/1616 - 22/4/2016), từ nay đến hết năm, Tây Ban Nha sẽ tổ chức hơn 300 sự kiện gồm nhiều cuộc triển lãm, diễn kịch, tổ chức hội thảo và các cuộc đọc sách về Cervantes.
Cervantes nổi tiếng nhất với tiểu thuyết 2 tập Don Quixote, được coi như tiểu thuyết hiện đại đầu tiên của châu Âu. Cuộc đời đầy ắp những sự kiện của ông cũng lôi cuốn chẳng kém gì các cuộc phiêu lưu của hiệp sĩ đầy ảo tưởng Don Quixote trong cuốn tiểu thuyết của ông.Một người lính quả cảm
Cho đến nay nhiều câu hỏi xung quanh cuộc đời của Cervantes, một người lính trở thành người thu thuế và gặt hái thành công vang dội ở tuổi gần 60 với tiểu thuyết Don Quixote, vẫn chưa có lời giải.
Từ nhiều thập kỷ qua giới chuyên gia đã sử dụng các tài liệu chính thức, nghiên cứu phần mở đầu trong các cuốn truyện của ông để giải mã bí ẩn của người được xem là “cha đẻ” của tiểu thuyết hiện đại.
Cervantes sinh năm 1547 ở Alcala de Henares, gần thủ đô Madrid, trong một gia đình nghèo. Gia đình Cervantes chuyển tới Madrid khi ông gần 20 tuổi và ở đây ông đã sáng tác bài thơ đầu tiên.
Tuy nhiên vào năm 1569, Cervantes đã chuyển tới Roma (Italy) với những lý do hiện vẫn chưa được biết rõ, song nhiều người cho rằng có thể ông dính dáng tới một cuộc đọ súng tay đôi nên buộc phải trốn. Ở Italy, Cervantes nhập ngũ và tham gia cuộc chiến Lepanto, đánh bại một hạm đội của Đế chế Ottoman ở vùng biển Hy Lạp.
“Run lên vì sốt, Cervantes nằm trên một chiếc giường ọp ẹp đầy chấy rận kê giữa boong tầu. Ông bị say sóng và sốt rét” – theo nhà viết tiểu sử Jean Canavaggio viết về Cervantes trong cuộc chiến. Vậy mà Cervantes vẫn tham gia chiến đấu trên boong tầu, nhưng ông đã bị thương ở ngực và tay trái. Sau đó ông vĩnh viễn không sử dụng được tay trái nữa. Sau khi lành vết thương, Cervantes tiếp tục tham gia vào các chiến dịch quân sự cho tới khi quyết định trở về Tây Ban Nha vào năm 1575.
Tuy nhiên, Cervantes đã bị cướp biển Bắc Phi bắt giữ khi trên đường trở về quê hương. Chúng đòi tiền chuộc quá lớn, gia đình ông không kịp chuẩn bị và triều đình thì không hề quan tâm. Ông bị giam 10 năm ở Algie, thành phố do Đế chế Ottoman cai quản, tiếp xúc với văn hóa Hồi giáo (sau trở thành tư liệu quan trọng cho sáng tác của ông).
Đến năm 1580, khoản tiền chuộc giảm xuống một phần vì bọn cướp khâm phục lòng dũng cảm của ông, một phần vì chúng nhận ra không thể lợi dụng ông để lấy tiền từ triều đình Tây Ban Nha. Hai chị gái của ông đã phải gia nhập vào nhà thờ để nhận được một số tiền đem chuộc ông.
Vẫn gắn với cuộc sống đương đại
Về Tây Ban Nha, Cervantes cố gắng trở lại quân ngũ, song bất thành. Năm 1584, ông có con gái với một phụ nữ trước khi kết hôn với một người phụ nữ khác kém ông gần 20 tuổi.
Cervantes và vợ sống trong một ngôi làng nhỏ ở Castilla-la-Mancha, nơi ông đã lấy làm bối cảnh cho cuốn tiểu thuyết Don Quixote. Trong thời gian ở đây, Cervantes đã viết cuốn tiểu thuyết đầu tay La Galatea, song không mấy thành công.
Năm 1587, Cervantes lại nhận được một công việc khiến ông phải xa nhà trong suốt 1 thập kỷ. Ông đi trưng dụng lúa mì và dầu ở miền Nam Tây Ban Nha cho các nhà chức trách và sau đó là thu thuế.
Tuy nhiên, trong thời gian đó Cervantes từng phải ngồi tù vì liên quan tới nợ nần. Nhiều người cho rằng đó là thời điểm Cervantes bắt đầu ấp ủ tiểu thuyết Don Quixote. Khi Don Quixote được xuất bản lần đầu vào năm 1605, nó đã lập tức thành công.
“Cervantes đã sống một cuộc đời vô cùng dữ dội và đó là những gì khiến cho phong cách viết của ông mạnh mẽ đến như vậy” – theo nhiếp ảnh gia Jose Manuel Navia, người đã chụp ảnh nhiều địa điểm mà Cervantes từng đặt chân tới để trưng bày trong một triển lãm ở Madrid.
Nhiều năm sau, Cervantes trở về Madrid và dành toàn bộ thời gian để viết văn, gồm cả phần 2 cuốn Don Quixote, trước khi qua đời vào năm 1616 do bệnh tật, trong tình cảnh nghèo khó.
Có lẽ, Cervantes không bao giờ hình dung được ông đã để lại một di sản trường tồn có sức ảnh hưởng lớn đến như vậy. Don Quixote đã trở thành một trong những tác phẩm văn học được chuyển ngữ nhiều nhất thế giới, chỉ đứng sau Kinh Thánh.
Câu chuyện về nhà quý tộc nghèo khoảng 50 tuổi luôn tưởng tượng mình là một hiệp sĩ và quyết định trở thành hiệp sĩ lang thang, chu du khắp bốn phương trời để cứu khốn phò nguy, diệt trừ yêu quái và những kẻ thù khổng lồ, thiết lập trật tự và công lý, thử thách mình bằng các hiểm nguy như trong các truyện kiếm hiệp, đã thu hút nhiều thế hệ độc giả.
Cách viết truyện của Cervantes đã tạo nên một cuộc cách mạng văn chương và tạo sức ảnh hưởng tới nhiều nhà văn, từ Jane Austen, Fyodor Dostoyevsky tới Gustave Flaubert và Mark Twain.
Đối với Javier Rodriguez Palacios, Thị trưởng Alcala de Henares, Cervantes vẫn gắn với cuộc sống đương đại. “Chỉ cần bạn mô tả cuộc sống của Cervantes cho một người 16 tuổi, người đó sẽ nhận biết được những gì đang diễn ra hiện nay, tình trạng thất nghiệp, nhiều người trẻ phải tha hương nơi đất khách, các cuộc xung đột liên miên giữa những người bản xứ và người nhập cư. Bản thân Cervantes cũng từng trải qua những chuyện đó” – Palacios nói.
Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa