Cuộc đời sau ống kính: Nhớ cánh diều rồng xứ Huế
Đất nước đang rộn ràng đón chào năm mới Giáp Thìn với những hình ảnh rồng ở khắp mọi nơi. Tình cờ lục trong máy tính của mình, tôi lại thấy hình ảnh chụp chiếc diều rồng đã chụp ở Huế cách đây đúng 2 giáp, cũng là năm con rồng Canh Thìn (2000).
Đó là lần đầu tiên Festival Huế được tổ chức, trước đó, từ năm 1992, lễ hội này có tên là Festival Việt - Pháp.
Đã vài lần đến Huế, nhưng trở lại cố đô năm ấy, theo gợi ý của một nữ sinh văn khoa, tôi vẫn choáng ngợp bởi quy mô và tầm cỡ của một liên hoan quốc tế với quá nhiều hoạt động hoành tráng và có chiều sâu. Đặc biệt, một buổi chiều đẹp trời trên quảng trường Ngọ Môn, tôi đã thấy một lễ hội diều. Lạ lùng và bất ngờ nhất với tôi và rất nhiều du khách hôm ấy chính là con diều rồng với chiều dài có lẽ đến gần trăm mét, gồm nhiều "cánh" hình tròn có ngù lông hai bên và nối với nhau bằng 3 sợi dây tưởng như vô tận. Phải cần nhiều người mới thả được diều rồng. Một người giữ dây, người nâng đầu, cùng nhiều người nâng thân diều. Ngạc nhiên nữa là khi có gió, diều lên, thì chiều đầu của con rồng - diều lại chúi xuống và đuôi bay lên trời, một khái - niệm - diều hoàn toàn mới đối với tôi, kẻ cũng từng biết làm và chơi diều từ tấm bé…
Nghệ nhân diều Huế Nguyễn Văn Bê năm ấy nói với tôi rằng, diều rồng có thể là một đặc sản của diều Huế vì nó không tuân theo những nguyên tắc làm diều thông thường, hình dáng con diều khi bay lên trời cũng rất lạ lùng. Để làm một con diều rồng, ông phải mất cả tháng trời hoặc hơn, tùy theo con diều có thể dài 50 hay 70, hay 100 mét, tùy không gian và số người có thể thả nó…
Đã lâu rồi không trở lại Huế, nghệ nhân diều Nguyễn Văn Bê đã về cõi vĩnh hằng, cô sinh viên văn khoa đã ở phương Nam xa xôi, nhưng cảm giác khi xem lại những tấm ảnh diều Huế vẫn rộn ràng như khi đang bấm chụp. Hẹn gặp lại Huế một ngày gần nhất, dù những người mình từng gặp gỡ giờ đã không còn ở Huế nữa rồi…