Cuộc đời sau ống kính: 'Hôm qua em đi Chùa Hương…'
(Thethaovanhoa.vn) - Nếu bây giờ những người sành điệu phải “lên phây” khoe vừa đi Mũi Né hay Phú Quốc mới tạm được gọi là sang chảnh, thì ngày xưa, 30 hoặc 40 năm trước, đi được Chùa Hương cũng là “thành tích” hoành tráng của nhiều người.
Các bà, các cụ thì đi liên tục nhiều “khóa” để về cõi Phật, còn giới trẻ thì đi Chùa Hương như một chỗ “phải đi” mỗi độ Xuân về.
Để đi Chùa Hương, xưa người ở xa phải đi 2 - 3 ngày, gần như Hà Nội mà muốn đi đủ các chùa cũng phải mất 2 ngày. Đi Chùa Hương 30 năm trước, ngoài việc được ngồi thảnh thơi vài giờ trên đò, không có gì ngoài sự gian khổ, khi các điểm tham quan, lễ bái đều cách trở với đường lầy lội, xấu và dốc. Mưa núi thì luôn dầm dề trong mỗi tiết Xuân.
Cảnh các bà, các chị đi chùa trong bức ảnh này (chụp năm 1992) có lẽ không khác mấy so với cảnh Nguyễn Nhược Pháp mô tả trong bài thơ Chùa Hương viết năm 1935 bao nhiêu.
Sau 57 năm, đường từ Thiên Trù vào chùa chính Hương Tích vẫn còn “mây đá cheo veo”, vẫn là “chùa lấp sau rừng cây”, với “hơn 100 ăn mày”… và những người phụ nữ lòng thành vẫn xắn quần, xách dép, chống gậy và mang theo niềm tin để đến với Phật pháp…
Lưu Quang Phổ