Cuộc chơi công bằng
(Thethaovanhoa.vn) - Nhắc lại, khi V-League 2020 phải thay đổi thể thức thi đấu vì dịch Covid-19, nhà tổ chức đã phải cân-đo-đong-đếm, nhấc lên hạ xuống rất nhiều lần, để chọn phương án tối ưu. Tưởng như đã giảm thiểu được hệ lụy một cuộc- chạy-tiếp-sức, nhưng xem ra thì vẫn có những sai số.
Chắc không phải nói thêm về một cuộc "chạy tiếp sức", khi lịch sử V-League 10 năm gần nhất, những việc này đã xảy ra ít nhất 3 lần. Và, các đội bóng có mối quan hệ hữu cơ đã nắm 7/10 chức vô địch, trong đó có 5 chiếc Cúp cho CLB Hà Nội, với phiên hiệu tiền thân là Hà Nội T&T. Người ngoại đạo cũng có thể thấy bằng mắt thường.
Chuyện này vẻ như đã không còn được tính tới khi V-League 2020 phân tốp và thể thức thi đấu thay đổi. Nhưng...
Người ta tính rằng, nếu HAGL hay Hồng Lĩnh Hà Tĩnh vô địch V-League mùa này, họ chỉ đá nhiều nhất 9 trận trên sân nhà; trong khi đó một số đội như Hà Nội hay Viettel, lại được chơi đến 11 trận sân nhà. Thế thì làm gì có công bằng của một cuộc chơi, một giải đấu tốn kém bao tiền của?
Tiêu chí 4 đội dẫn đầu sau lượt đi, sẽ được chơi 4/7 trận ở giai đoạn 2 trên sân nhà, về lý là nhằm kích thích nỗ lực của các đội bóng. Nhưng nó lại sinh ra kẽ hở chết người. Hà Nội FC là đội bóng được hưởng lợi nhiều nhất, hệt như Cúp quốc gia 2020, khi đại diện Thủ đô được đá trên sân nhà từ vòng 1/8 đến... tận trận chung kết. Không vô địch, nói như dân trong nghề thì... hơi bị phí!
Rồi về nguyên tắc, 3 lượt trận cuối ở tốp 8 đội dẫn đầu và ít nhất 2 lượt trận cuối ở nhóm 6 đội tranh vé trụ hạng, phải đá cùng giờ. Nhưng, các trường hợp của Hà Nội và Viettel, của TP.HCM và CLB Sài Gòn, lại đá trận trước trận sau. Nó dẫn tới việc, hiện lịch thi đấu ở lượt cuối, vẫn chưa thể chốt.
Nên nhớ, sân nhà và sân đối phương, thậm chí là sân trung lập đi chăng nữa, về tính chất là rất khác nhau. HAGL đã có 5/6 chiến thắng ở mùa này và vẫn bất bại, khi được chơi ở Pleiku. Hồng Lĩnh Hà Tĩnh cũng có 9/18 điểm tối đa trên sân nhà, với thành tích 2 thắng, 3 hòa và 1 thua.
Trở lại với cách xếp lịch giai đoạn 2. Nếu tính cả trận đấu với Viettel, CLB Hà Nội có tới 5/7 trận ở Hàng Đẫy, chứ không phải 4. Và đây là một lợi thế rất rõ rệt. Cả TP.HCM và Sài Gòn đều khó theo.
Xếp lịch thi đấu trong bóng đá có nguyên tắc và nguyên lý của nó, dựa trên quyền lợi chung và phải công bằng về các mặt. Cũng cần nhắc lại rằng, khi giải VĐQG ra đời từ năm 1980, việc xếp lịch thi đấu cũng đã gây nhiều tranh cãi khi lúc ấy, các đội thi đấu theo bảng, theo vòng và theo cả vùng miền vì điều kiện bấy giờ. Ngay cả khi chuyển sang đá theo hình thức League - tức gặp nhau vòng tròn 2 lượt trên sân nhà, sân khách, thì việc tính toán lịch làm sao để các đội bóng hợp lý trong di chuyển, thi đấu cũng rất được coi trọng.
Cho đến thời điểm này, nhiều CLB vẫn chưa cảm nhận hết cái thiệt của mình, mà họ chỉ chia sẻ với khó khăn chung của nhà tổ chức, vì hệ lụy của dịch Covid-19 mà thôi. Nhưng nếu vì hệ lụy của dịch bệnh và chỉ cốt để giải đấu về đích mà hạ thấp yếu tố chuyên môn, thì quả là lợi bất cấp hại.
Đã quá muộn để thay đổi, nên nếu phải xem xét vai trò, thì phải tính ngược xem ai là tác giả của hệ thống bốc thăm - xếp lịch giai đoạn 2, mà quy trách nhiệm hòng giúp kinh nghiệm cho những lần tổ chức tới. Quan trọng hơn nữa, cũng phải xem lại năng lực của bộ phận này, bởi xếp lịch là khởi thủy cho một cuộc chơi công bằng, trước khi tính tới các chức năng - bộ phận khác.
Tùy Phong