'Cuộc chiến' với xuất bản phẩm giả: Bài 3: Nói 'Không' với sách giả, sách không bản quyền
(Thethaovanhoa.vn) - Cuộc chiến đối với sách giả, sách không bản quyền còn rất nhiều khó khăn. Để có thể thành công, rất cần thay đổi nhận thức và chung tay hành động cả các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các địa phương, các nhà xuất bản, cũng như sự góp sức của toàn xã hội.
Thay đổi nhận thức về vấn đề bản quyền
Theo bà Vũ Hồng Yến, Luật sư điều hành Công ty Luật Trách nhiệm hữu hạn Rouse Legal Việt Nam, trong bản báo cáo đặc biệt về điều khoản 301 của đại diện thương mại Mỹ năm 2019, Việt Nam vẫn nằm trong danh sách các quốc gia phải theo dõi về thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Bởi, tình hình xâm phạm bản quyền, trong đó có sách lậu, vẫn còn rất nhiều thách thức. Tất cả những mánh khóe của các đối tượng làm sách lậu vẫn đang tiếp diễn do nhận thức của người dân về vấn đề bản quyền và tôn trọng tác quyền còn yếu.
Vấn nạn sách giả đang đe dọa sự sống còn của ngành xuất bản, gây hệ lụy vô cùng lớn tới tác giả chân chính cũng như cộng đồng độc giả. Giám đốc First News - Trí Việt Nguyễn Văn Phước trăn trở, nhận thức từ bạn đọc, kể cả các ban, ngành vẫn chưa nhận ra tác hại sâu xa từ việc in lậu, phát hành, tiêu thụ sách giả. Ngoài thái độ bàng quan, nhiều ý kiến còn bày tỏ quan điểm ủng hộ sách lậu vì sách giả có xấu một chút, đọc nhức mắt một chút, sai một chút nhưng lại rẻ. Tuy nhiên, nếu cổ súy hay để mặc cho việc in sách giả - thực chất là ăn cắp, tham nhũng trí tuệ của người khác, đó chỉ là tư duy, cách nghĩ thiển cận. Các quốc gia phát triển đều rất tôn trọng bản quyền trí tuệ văn hóa, căm ghét sự giả dối, kiếm tiền bất chính, xem những hành vi đó là quốc nạn thực sự.
Ông Nguyễn Văn Phước dẫn chứng: Một số sách về sơ cấp cứu, sách tra cứu thuốc, chữa bệnh… nếu sai nội dung, dù chỉ một dòng, một chữ, cũng vô cùng nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của độc giả và người thân, nếu áp dụng theo sách in lậu trong những tình huống khẩn cấp...
Sách giáo dục bị làm giả sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến độc giả, trong đó phần lớn là học sinh, sinh viên. Xuất bản phẩm giả sai sót về màu sắc, ký hiệu, nét chữ, kiến thức, hay bị thiếu dữ liệu, không cập nhật thông tin dẫn đến sai lệch về nội dung kiến thức. Ngoài ra, xuất bản phẩm giáo dục giả chất lượng giấy in thấp, in bị mờ, không đảm bảo quy cách tiêu chuẩn kỹ thuật, làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của học sinh, đặc biệt là thị lực. Việc sử dụng xuất bản phẩm giáo dục giả ngay trong nhà trường cũng sẽ ảnh hưởng xấu đến nhận thức, ý thức chấp hành kỷ cương, pháp luật về lâu dài.
Đại diện các đơn vị xuất bản đều khẳng định: Ngành Xuất bản dù đóng góp ít nhất cho GDP của một quốc gia, nhưng lại đóng vai trò quan trọng, nền móng nhất để phát triển giáo dục, trình độ dân trí và tinh thần quốc đạo của một dân tộc. Muốn quốc gia thay đổi để phát triển thực sự, chắc chắn phải thay đổi tận gốc rễ, từ nhận thức, ý thức tự trọng, trách nhiệm từ con người, của những người lãnh đạo, các cơ quan quản lý, bạn đọc và tất cả người dân.
Các cơ quan có thẩm quyền cần tiếp tục nâng cao nhận thức về phòng, chống in và tiêu thụ xuất bản phẩm lậu cho mọi người dân, để nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến trong xã hội, thông qua việc đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật; phản ánh những tác hại, hậu quả của việc sử dụng xuất bản phẩm lậu, lên án những hành vi vi phạm; kêu gọi các lực lượng xã hội cùng quan tâm, chia sẻ các giải pháp, góp sức ngăn chặn, từng bước đẩy lùi vấn nạn sách giả, sách lậu.
Góp sức ngăn chặn xuất bản phẩm giả
Để chặn tình trạng bán sách giả, sách lậu, Phó Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam Lê Thành Anh kiến nghị Nhà nước, các cơ quan bảo pháp luật, cơ quan quản lý thị trường, chính quyền địa phương, các đơn vị truyền thông, các nhà xuất bản, tác giả, độc giả cả nước tiếp tục thực hiện hiệu quả hoạt động phòng, chống hành vi tiêu cực này.
Cụ thể, các cơ quan chức năng tiếp tục rà soát, bổ sung các quy định, chế tài xử lý hành vi in lậu, in trái phép, tàng trữ, tiêu thụ xuất bản phẩm giả..., một cách đầy đủ, bao quát được thực tiễn, với chế tài xử phạt nghiêm khắc, có tính răn đe cao để các đối tượng không dám vi phạm. Đưa hành vi sản xuất, in, tàng trữ, tiêu thụ xuất bản phẩm giả là sản xuất, tàng trữ, buôn bán hàng giả để có mức xử phạt nghiêm khắc; đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm của các cơ quản quản lý, cơ quan bảo vệ pháp luật.
Các nhà xuất bản cần tiếp tục duy trì, củng cố, đảm bảo chuẩn mực cao, tính chính xác đối với chất lượng nội dung, hình thức, mẫu mã của xuất bản phẩm; củng cố, tổ chức bài bản công tác phòng, chống, ngăn ngừa việc in, tàng trữ, tiêu thụ xuất bản phẩm giáo dục lậu; có kế hoạch công tác, chủ động, tích cực, thường xuyên tổ chức rà soát, điều tra thực tế để phát hiện hành vi, dấu hiệu vi phạm pháp luật liên quan đến xuất bản phẩm giả, lậu; phối hợp, thông tin với các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan bảo vệ pháp luật, quản lý thị trường, chính quyền địa phương... để phát hiện, xử lý các hành vi in, tàng trữ, tiêu thụ xuất bản phẩm lậu. Song song đó, các nhà xuất bản có thể nghiên cứu các giải pháp về công nghệ, như áp dụng tiến bộ của công nghệ để trợ giúp hiệu quả cho việc ngăn ngừa, phát hiện hành vi in, phát hành lậu xuất bản phẩm, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực xuất bản (tem chống giả đặc thù, tem code, thẻ cào dán trên xuất bản phẩm để có quyền truy cập vào tài nguyên, dữ liệu online, ứng dụng nhận diện sách thật sách giả...).
Cũng theo ông Lê Thành Anh, cần tiếp tục nâng cao nhận thức về phòng, chống in, tiêu thụ xuất bản phẩm cho người dân, thông qua việc đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật, phản ánh những tác hại, hậu quả của việc sử dụng xuất bản phẩm lậu, lên án những hành vi vi phạm, kêu gọi các lực lượng xã hội cùng quan tâm, chia sẻ các giải pháp góp sức ngăn chặn, từng bước đẩy lùi vấn nạn sách giả, sách lậu.
Phó Cục trưởng Cục Xuất bản - In và Phát hành Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng trong điều kiện hoạt động xuất bản ngày càng phát triển, tình trạng xuất bản phẩm giả sẽ ngày càng phức tạp. Thời gian tới, Cục sẽ rà soát thị trường, xây dựng hệ thống văn bản pháp luật về quy trình xử lý, xử phạt nghiêm các trường hợp in, phát hành, xuất bản xuất bản phẩm giả, trên tinh thần để hoạt động xuất bản đi vào nền nếp; xây dựng cơ chế phối hợp giữa đoàn liên ngành phòng, chống in lậu Trung ương, các cơ quan chức năng, đoàn liên ngành phòng, chống in lậu địa phương để có chương trình tổng thể nhằm tăng cường phát hiện, phòng chống, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm.
- 'Cuộc chiến' với xuất bản phẩm giả: Khó khăn trong xử lý vi phạm
- 'Cuộc chiến' với xuất bản phẩm giả: Sai phạm có chiều hướng gia tăng
- Tác giả Yên Ba: Tái hiện 'cuộc chiến điệp báo' giữa các siêu cường
Đồng thời, các nhà xuất bản, các đối tác liên kết cần tăng cường phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước trong hoạt động thanh, kiểm tra để bảo vệ sản phẩm của mình. Đặc biệt, để làm tốt hoạt động này, ông Nguyễn Ngọc Bảo mong muốn các cơ quan xây dựng pháp luật của các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương ủng hộ việc đưa hành vi phát hành, xuất bản xuất bản phẩm giả vào các chế tài xử lý hàng giả để có biện pháp xử lý cao nhất.
Bên cạnh các biện pháp căn cơ, mang tính lâu dài của các cơ quan chức năng, yếu tố quan trọng nhất trong "cuộc chiến" đối với các xuất bản phẩm giả, chính là những người mua sách. Mỗi độc giả chân chính cần tẩy chay sách giả, sách in lậu bằng cách không mua bán, trao đổi sách giả; tìm mua sách ở những cửa hàng, hiệu sách có uy tín... Bởi khi nói "không" với các xuất bản phẩm giả, người đọc đã góp phần thể hiện lối sống văn hóa, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và ủng hộ sự phát triển của ngành xuất bản Việt Nam...
Phúc Hằng/TTXVN