Cùng Trần Tuấn 'Uống cà phê trên đường của Vũ'
(Thethaovanhoa.vn) - Trần Tuấn ra sách, mà ra luôn “một cặp”, anh em chiến hữu đều mừng vì cũng khá lâu rồi, với một người có bút lực khá thâm hậu, sức vóc lao động cần cù, lẽ ra anh đã phải sòn sòn ra sách. Chừng đó đủ thấy Tuấn luôn hết sức nghiêm cẩn với câu chữ của anh, dù là thơ hay mảng báo chí.
1.Tôi cũng được tặng hai cuốn: Chậm hơn sự dừng lại (thơ) và Uống cà phê trên đường của Vũ (bút ký, hoặc có thể gọi là tản văn cũng được). Trần Tuấn gọi đến Văn phòng đại diện báo Tiền Phong tại Đà Nẵng nhận sách, nhân tiện anh em “lai rai” xung quanh hai cuốn sách vừa mới ra lò. Về thơ, có lẽ cuốn Chậm hơn sự dừng lại nên dành cho các thi nhân, nhà phê bình nhận xét bởi nhiều người gọi thơ Trần Tuấn là “cõi ma”, “cõi trên”, người ngoại đạo khó chạm đến cảnh giới thơ của anh. Chỉ lớt phớt với anh dăm câu hỏi về thơ.
- Anh làm thơ dễ không, tác động ngoại cảnh có ảnh hưởng đến thơ anh?
- Không- Trần Tuấn đáp nhanh. Tôi ít khi bị tác động bởi ngoại cảnh, không “tuyết, nguyệt, trăng, hoa”. Thơ tôi đi từ bên trong, thường là những lúc lơ mơ trong bóng tối, hoặc khi đọc sách… Tất nhiên sức ép của ngoại cảnh, hay chính xác là nghiệt ngã của đời sống càng mạnh, càng nén tôi càng viết “dữ” hơn.
Và như đã từng nói, tôi thường viết liền mạch xong cả tập thơ, chứ không rải rác từng bài. Chính vì thế mỗi tập, như “Ma thuật ngón” (2008), đến “Chậm hơn sự dừng lại” (2017) đều chứa đựng chủ đề, ý tưởng xuyên suốt, riêng biệt.
Nói về tập thơ này, trên facebook của mình nhà thơ Lê Vĩnh Tài tỏ ra phấn chấn: “Câu chuyện vui của các chàng công chức rời sở làm lúc 5h và về nhà với vợ lúc 4h, vô lý như câu thơ "chậm hơn sự dừng lại" của Trần Tuấn, nhưng vì thế mà nó mãi tồn tại. Nhiệt liệt chào mừng nhà thơ Ma Thuật Ngón tái xuất giang hồ...”. Và Lê Vĩnh Tài trích những câu thơ mà theo anh là “hay đến tàn nhẫn”: "Cái chết thành con mồi của cuộc săn giấc mơ/ hay giấc mơ - con mồi của cuộc săn cái chết/ cái chết xanh nhung/ những kẻ chưa sinh và những kẻ chết rồi/ cùng ngồi lại nâng cao ly rượu/ dưới một con mắt
sống lâu vô hạn...".
Còn đây, tâm trạng nhà thơ Văn Công Hùng khi cầm trên tay “Chậm hơn sự dừng lại”: “Phải để đọc lai rai. Tuấn là phu chữ, khổ chữ thứ thiệt, từng chữ như rứt từ tim gan phèo phổi mình ra, nên chữ, không chỉ roi rói mà nó quằn quại, hi hóp, sấp ngửa. Và tư duy của Tuấn thì, nhiều lúc, nó như của cõi nào, cứ trập trùng như mây tích điện, sẵn sàng nổ khi gặp đối cực. Mệt nhưng ma mị, lạc vào đấy là phải mắt nhắm tay sờ và tự mình cũng phải phát hồi quang mà lần đi...”.
2. 32 bài bút ký (hoặc có thể gọi tản văn) trong cuốn Uống cà phê trên đường của Vũ, (đường Lưu Quang Vũ ở phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn- Đà Nẵng) đều in rải rác trên báo Tiền Phong (là chủ yếu) nhiều năm. Được Tuấn sắp xếp khá tinh thế, để hợp với tính thời sự của báo chí mà không đánh mất cái chất thi- văn riêng của anh.
Tuấn cũng thừa nhận bút ký Uống cà phê trên đường của Vũ không phải là hay nhất trong cuốn sách. Nhiều người khi đọc cuốn sách hẳn cũng có suy nghĩ vậy. Những ai từng học văn chương ở Huế, thì có thể thấy lứa Trần Tuấn có thể gọi là “thế hệ vàng” còn sót lại khi sản sinh ra nhiều cây viết xuất sắc mà các đồng môn sau này khó sánh kịp. Sự khác biệt của lứa Trần Tuấn về trước, đấy là nội lực. Họ đọc nhiều, được trải nghiệm qua nhiều biến cố vừa buồn bã nhưng không kém phần bi tráng của đất nước. Vậy nên, thi- văn họ đầy trầm tích.
Trần Tuấn cũng vậy, anh đọc nhiều, đọc kỹ và chiêm nghiệm theo tư tưởng rất riêng. Lại là nhà thơ sành câu chữ, nên ở các thể loại báo chí, câu chữ đã kết tủa, có sức kiến giải và ám gợi sâu sắc với độc giả.
Cho nên, thế mạnh của bút ký Trần Tuấn là ở các bài viết về các tiền bối, các vùng đất đầy trầm tích văn vật, như Không mưa ở Nhã Nam, Tìm nơi Bùi Giáng chăn dê, Anh em nhà Thạch Lam, từ Cẩm Phô tới Cẩm Giàng, Trăm tuổi khói sương…Ở không gian đó, dù số lượng câu chữ của bài báo không cho phép dàn trải nhưng Trần Tuấn vẫn phô diễn được suy tư và kiến văn của mình.
3. Trở lại thắc mắc vì sao Trần Tuấn lại đặt tên cuốn sách là Uống cà phê trên đường của Vũ. Anh kể rằng đã phải loanh quanh cả buổi để đi tìm một quán cà phê bất kỳ trên đường Lưu Quang Vũ ở Đà Nẵng. Ngay sau khi nhà thơ, nhà viết kịch được đặt tên đường tại đây, cũng là con đường mang tên Lưu Quang Vũ đầu tiên trong cả nước. Bởi ly cà phê trong thơ Vũ luôn hiện lên một cách buồn bã, cô độc mà rất đẹp. “Đấy là con đường kỳ lạ, đứt đoạn, trần ai và cô đơn, như chính cuộc đời Vũ. Tôi yêu Vũ vì văn nghiệp của ông tính tư tưởng lớn, xuyên thời gian. Tôi yêu Vũ bởi ông còn là người Đà Nẵng. Tôi càng yêu Vũ trong những ngày tôi cà phê hoang hoải thời bơ phờ di trú ở Hà Nội”.
Tôi linh cảm vì sao Trần Tuấn yêu Lưu Quang Vũ, tôn thờ (và có lẽ chịu không ít ảnh hưởng) từ người đàn ông tài hoa, bạc mệnh Lưu Quang Vũ.
“Tôi dừng lại ở khoang nghỉ giữa cầu, cái nốt lặng cong khum vành móng ngựa trên dòng nhạc sắt thép dài tưởng vô biên. Thú tội gì đây trước dòng sông, rằng tôi quá ma mị cõi đời này chẳng như chàng Tất Đạt để có thể nghe được tiếng “OM” mầu nhiệm vọng lên từ những chồi sóng miệt mài huyễn hoặc dưới kia. Rằng lẽ ra trong đêm tháng chạp ấy chính tại nơi này tôi đã đươc một người thồ rau nhặt về. Để không có những đêm hoang hủy, không có những mê mị ảo tưởng, để khỏe khoắn tưới giọt mồ hôi hữu ích xuống dòng sông. (Đạp xe qua sông).
Trong bút ký này, Tuấn kể khi 5 tuổi, bố anh đạp xe qua sông Hồng, qua cầu Long Biên và Tuấn bị rơi xuống. Anh nằm gọn trên cầu, may thay bố anh quay lại tìm được, nếu không đã có thể trở thành con của một người bán rau, có thể thành người nông dân trồng rau bên bờ bãi sông Hồng. Để rồi, không có một sáng tinh mờ lần về nơi đã “ngã” để dằn vặt về sự tồn tại của mình lúc đó...
Bút ký này viết năm 2005, lúc đó Trần Tuấn trải qua một biến cố nghề nghiệp để rồi phải di trú ra Hà Nội một thời gian. Những ngày tháng vàng phai đó không dễ chịu với anh, một tâm hồn đa cảm và vô cùng yêu Đà Nẵng.
Trong bút ký này, anh cũng viết về Vũ: “Quán cà phê dưới gầm cầu xe lửa/ Hạt mưa đen rơi trên ô kính vỡ…”, Apollinaire nhìn xuống dòng nước hưu quạnh dưới cầu Mirabeau, còn Vũ của tôi thì dõi lên dòng mưa ly loạn rối bời, cơn váng vất siêu thực của những chàng thi sĩ khi đứng trước hai dòng sông nào khác chi. Quán ấy còn không, của một thời lầm lũi, chàng thi sỹ nhiều day dứt kia ơi?”.
Ở các bài bút ký báo chí mang tính thời sự, Trần Tuấn cũng có cách khai thác riêng, mang phong vị riêng. Anh thường thích cái kết có hậu, hoặc tự tìm một cái kết có hậu. Bản thân anh, trong vai trò nhà báo, đã tự mình mang đến niềm vui cho không ít thân phận. Điều đó chỉ có thể gọi phải có tình yêu, cái tâm với nghề, tình yêu với tha nhân, Tuấn mới làm nhiều việc mà không ít người bảo là “gàn”!
Có thể khá lâu nữa, Trần Tuấn lại ra sách, đấy là tính cách của anh. Như anh từng nói thời in Ma thuật ngón, không cảm thấy sốt ruột về điều gì. Mười năm, anh được nén lại một cách đầy khoái lạc và bình thản như thế. Cho đến khi viết hầu như liền một mạch Ma thuật ngón.
Giờ Tuấn đã có tất cả, đã tìm được bản ngã, vấn đề còn lại của anh là những chuyến đi dài, chạm đến được những vùng đất bao la, mỡ màng để nguồn mạch thi- văn- báo giàu suy tư của anh được bón thêm những nguồn năng lượng mới .
Trần Tuấn. Sinh năm 1967 tại Hà Nội. Trưởng Ban đại diện Báo Tiền Phong tại Đà Nẵng. Đã in: Ma Thuật ngón (Thơ 2008). Đừng gọi tôi là Lại Phiền Hà (Ký sự nhân vật, 2008) |
Hữu Quý