Cùng “hoán đổi” để hiểu con hơn: Tưởng không hay mà hay không tưởng
Bố mẹ thường hay than phiền con rất nghịch ngợm, không nghe lời, không hợp tác… Là do trẻ khó bảo hay bố mẹ chưa hiểu con? Hãy thử hoán đổi vị trí để các “bố mẹ nhí” chăm sóc, quản thúc sẽ giúp phụ huynh thật sự “đọc vị” và hiểu cảm xúc, tâm lý của con trẻ.
Đó cũng là ý nghĩa nhân văn và sâu sắc được truyền tải từ bộ ảnh “hoán đổi” do Cộng đồng Khoẻ đẹp mỗi ngày của Dược Hậu Giang thực hiện. Điều đặc biệt giúp bộ ảnh trở nên ấn tượng và có tính giáo dục cao là bố mẹ và con cái “đổi chỗ” cho nhau. Những đứa trẻ vốn tinh nghịch trở nên nghiêm khắc hơn và những ông bố, bà mẹ thường ngày “hét ra lửa” lại trở nên ngoan ngoãn, nghe lời…
“Mẹ ơi, con ốm rồi”, những lúc trẻ ra “tín hiệu” như thế này, bố mẹ hãy nhẹ nhàng và để ý đến cảm xúc của con một chút để con vui vẻ hợp tác tốt trong việc nghỉ ngơi và uống thuốc nhé. Bình thường, trẻ rất thích làm nũng với bố mẹ rồi nên những khi bị ốm, cơ thể mệt mỏi, khó chịu sẽ mè nheo hơn. Bất kỳ đứa trẻ nào cũng sẽ sẽ ngoan và nghe lời nếu nghe được những lời nhẹ nhàng, yêu thương từ người lớn.
Trẻ con mà, ham chơi quên giờ giấc là chuyện rất bình thường. Một vài lời khuyên nhẹ nhàng hay áp dụng hình phạt nhẹ nhàng, hợp lý trong từng độ tuổi sẽ giúp các bạn nhỏ nhận thức được lỗi sai của bản thân và tránh tái phạm, đồng thời sẽ không khiến con cảm thấy khó chịu hay bị gò bó quá mức.
Bản tính của trẻ con là nghịch ngợm và hiếu thắng nên chuyện tranh giành đồ chơi, tị nạnh là không thể tránh khỏi. Bố mẹ có thể nhân những lúc tranh giành này để đưa ra những lời khuyên, dạy trẻ cách nhường nhịn và chia sẻ lẫn nhau. Những nhắc nhở và chỉ bảo đúng đắn từ người lớn trong các tình huống tranh cãi cũng là cách rất hiệu quả giúp trẻ rèn kỹ năng quản lý cảm xúc, giải quyết vấn đề sau này.
Để con luôn ăn ngon miệng mẹ có thể đa dạng hơn món ăn hàng ngày, làm một số món theo sở thích của trẻ hoặc trao đổi một số điều kiện phù hợp với sở thích của trẻ như sẽ được đi chơi, mua kẹo, mua đồ chơi, xem phim… nếu trẻ chịu hợp tác. Một bữa ăn vui vẻ, tràn ngập tiếng cười và trò chuyện cũng là yếu tố kích thích trẻ ăn ngon và dễ tiêu hóa hơn.
“Con không muốn chơi nữa”, “Con không muốn học nữa”… khi trẻ nói ra những điều này bố mẹ đừng vội quát hay bắt quay lại bàn học ngay nha. Trẻ con cũng như người lớn thôi, thỉnh thoảng sẽ cảm thấy mất hứng thú với việc gì đó. A lê hấp! Lúc này bé con chỉ cần một lời cổ vũ, khuyến khích như “Con nghỉ ngơi 1 chút rồi học tiếp” hoặc “Mẹ biết con làm được mà, cố lên một chút rồi đi chơi nào” là lấy lại được sự tự tin hơn và hào hứng ngay thôi.
Không phải đứa trẻ nào sinh ra đã là thiên tài và bố mẹ chính là những người thầy đầu tiên của con nên hãy kiên nhẫn với con một chút nhé! Trẻ sẽ hào hứng hơn rất nhiều nếu được chơi cùng bố mẹ cũng như sự đồng hành, ủng hộ của bố mẹ trong mọi việc. Có “hậu phương” vững chắc, trẻ sẽ tự tin hơn trong việc “phô diễn” tài năng, sở trường của mình đấy!
Xử lý thế nào khi con mắc lỗi: La mắng, đưa ra các nguyên tác nghiêm khắc? Không, con không muốn như thế đâu! Người lớn cũng mắc lỗi mà, đâu phải chỉ trẻ con nên điều con cần là bố mẹ giúp con hiểu được mức độ của những lỗi sai. Chẳng hạn như làm bể đồ vật, bẩn quần áo, làm rách sách vở… thì có thể bỏ qua và cố gắng cẩn thận hơn. Nhưng lỗi sai trong lời nói, hành động làm tổn thương người khác thì con không nên lặp lại đâu đấy!
Khi trẻ nói “Con có thể làm được mà”, đó không phải là lời nói dối đâu, con thật sự có thể làm được đấy nên bố mẹ hãy lắng nghe, tôn trọng ý kiến và năng lực của con nha! Bố mẹ thương con nhưng không cần lúc nào cũng “làm thay” con bất cứ việc gì đâu.
Có thể nói, bộ ảnh từ Cộng đồng Khoẻ đẹp mỗi ngày đã giúp “mở khóa” cho nhiều phụ huynh trong cách dạy dỗ, đồng hành cùng con. Để hiểu con, không chỉ bằng việc trò chuyện, lắng nghe con nhiều hơn mà đôi khi còn phải tự đặt mình vào vị trí của con để ngộ ra rất nhiều điều từ góc nhìn của một đứa trẻ, từ đó có phương pháp dạy con hiệu quả nhất.