Cuba chỉ trích Mỹ gia hạn lệnh bao vây cấm vận
Ngày 3/9, Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel đã chỉ trích quyết định của Chính phủ Mỹ kéo dài thời hạn áp dụng Luật Thương mại với Kẻ thù thêm 1 năm, qua đó tiếp tục duy trì cuộc bao vây cấm vận kéo dài hơn 6 thập kỷ chống lại đảo quốc láng giềng này.
Theo phóng viên TTXVN tại La Habana, chia sẻ trên mạng xã hội Twitter, Chủ tịch Díaz-Canel nêu rõ chính quyền của Tổng thông Joe Biden đã tiếp tục ký gia hạn lệnh bao vây cấm vận. Nhà lãnh đạo Cuba khẳng định tội ác này đã kéo dài quá lâu, nhưng Cách mạng Cuba sẽ sống mãi.
Trước đó 1 ngày, Tổng thống Joe Biden đã ký quyết định gia hạn thêm 1 năm cuộc bao vây cấm vận chống Cuba và trở thành nguyên thủ quốc gia thứ 12 của Mỹ tiếp tục duy trì chính sách thù địch này. Nhà Trắng đã công bố và gửi văn bản liên quan tới các văn phòng của Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, nhấn mạnh rằng quyết định nói trên, có hiệu lực đến ngày 14/9/2023, phục vụ "lợi ích quốc gia" của nước Mỹ.
Năm 1962, Tổng thống Mỹ John F. Kennedy đã sử dụng cái gọi là Luật Thương mại với Kẻ thù, được Quốc hội thông qua năm 1917, để thực hiện phong tỏa kinh tế đối với Cuba, sau một số quyết định hành pháp được người tiền nhiệm của ông, Tổng thống Dwight Eisenhower, áp dụng từ năm 1959. Luật này cho phép các Tổng thống Mỹ áp đặt và duy trì các hạn chế kinh tế đối với các quốc gia được coi là thù địch, áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế trong thời gian chiến tranh hoặc các trường hợp khẩn cấp quốc gia khác, đồng thời cấm trao đổi thương mại với kẻ thù hoặc đồng minh của kẻ thù trong các cuộc xung đột vũ trang.
- Mỹ nới lỏng một số quy định với Cuba
- Cuba bác bỏ các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ
- Cuba phản đối các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ
Theo 1 tài liệu của Bộ Ngoại giao Cuba, chiểu theo Luật Thương mại với Kẻ thù, Nhà Trắng đã thông qua nhiều luật và quy định hành chính khác chống lại đảo quốc này, bao gồm Luật Hỗ trợ nước ngoài (1961), các Quy định về Kiểm soát Tài sản Cuba (1963), Luật Quản lý Xuất khẩu (1979), Đạo luật Torricelli (1992), Đạo luật Helms-Burton (1996) và Quy định Quản lý Xuất khẩu (1979).
Cuba là quốc gia duy nhất đến thời điểm hiện tại bị Mỹ trừng phạt theo đạo luật nói trên. Kể từ năm 1992, hằng năm, Cuba đều trình lên Đại Hội đồng Liên hợp quốc dự thảo nghị quyết yêu cầu dỡ bỏ lệnh cấm vận của Mỹ và nhận được sự ủng hộ của hầu hết các quốc gia thành viên. Theo ước tính chính thức, lệnh cấm vận đã khiến Cuba thiệt hại gần 148 tỷ USD trong 6 thập kỷ qua.
Mai Phương/TTXVN