Cử tri đề nghị tăng mức xử phạt hành vi vi phạm liên quan đến thực phẩm chức năng
Sáng 12/11, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn với Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Phiên chất vất và trả lời chất vấn được đông đảo cử tri, nhân dân thành phố Đà Nẵng, tỉnh Ninh Thuận quan tâm theo dõi.
Sôi nổi, thẳng thắn
Nhiều cử tri và người dân tại Đà Nẵng, Ninh Thuận bày tỏ tán thành, đánh giá cao nội dung chất vấn của các đại biểu Quốc hội rất thẳng thắn, đề cập đến vấn đề "nóng" đang được xã hội quan tâm cũng như phần trả lời rõ ràng, đầy đủ của các Bộ trưởng và thành viên Chính phủ.
Cử tri tỉnh Ninh Thuận nhận xét, không khí phiên chất vấn, trả lời chất vấn diễn ra sôi nổi, dân chủ, trên tinh thần xây dựng, có nhiều thông tin phản ánh đúng thực trạng tình hình, nêu nhiều đề xuất, kiến nghị, hiến kế trong chỉ đạo, quản lý và điều hành. Cách điều hành phiên chất vấn của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn rất linh hoạt, nhiều vấn đề đặt ra tại nghị trường được giải đáp rõ ràng, cụ thể.
Qua theo dõi, cử tri Lê Vũ Chương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Ninh Thuận đánh giá, nhiều vấn đề được đại biểu đặt ra cho Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan có tính phản biện cao. Những vấn đề này không chỉ sâu sát mà còn cấp thiết vì gắn liền với sức khỏe nhân dân và cử tri cả nước.
Về nhóm vấn đề lĩnh vực y tế, trong đó có việc quản lý thực phẩm chức năng, cử tri Lê Vũ Chương cho biết, hiện tại Ninh Thuận chưa có cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng hay mỹ phẩm. Tỉnh hiện có 314 cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng, trong đó 7 cơ sở dược phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của tuyến tỉnh và 305 cơ sở dược phẩm thuộc thẩm quyền quản lý tuyến huyện, thành phố.
Qua thanh tra, kiểm tra hầu hết các cơ sở đều chấp hành đúng quy định của pháp luật trong kinh doanh thực phẩm chức năng và dược phẩm. Tuy nhiên, còn một số tồn tại như: Sản phẩm thực phẩm chức năng còn để lẫn với thuốc; không có khu vực riêng biệt cho sản phẩm không phải là thuốc. Để khắc phục tình trạng này, Thanh tra Sở Y tế, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, UBND huyện, thành phố cùng đơn vị liên quan phối hợp thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định về hành nghề dược và an toàn thực phẩm tại cơ sở có kinh doanh thực phẩm chức năng theo phân cấp quản lý và xử lý nghiêm vi phạm.
Sở Y tế Ninh Thuận khuyến cáo người dân không quá tin tưởng vào thực phẩm chức năng, khi mắc bệnh nên đến cơ sở y tế để chữa trị theo phác đồ của bác sĩ.
Dược sĩ Nguyễn Thị Hậu, chủ Nhà thuốc Minh Châu ở quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng) chia sẻ, hiện nay, thực phẩm chức năng được sản xuất nhiều và mua bán rất dễ trên mạng internet. Nhiều công ty tổ chức hội nghị bán hàng trực tiếp kèm tặng quà cho người dân tại thôn, xóm chủ yếu, nhằm vào đối tượng người cao tuổi không nắm rõ thông tin, bán với giá rất cao, chất lượng không đảm bảo, ảnh hưởng đến người tiêu dùng. Chị Hậu đồng tình với Bộ trưởng Đào Hồng Lan về việc cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý thực phẩm chức năng và mỹ phẩm theo hướng quy định chặt chẽ hơn điều kiện kinh doanh, đồng thời tăng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm. Cùng với đó, các bên liên quan đẩy mạnh hoạt động quản lý thị trường, thanh, kiểm tra, ngăn chặn lưu thông hàng hóa trái phép nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, Hội Bảo vệ quyền lợi tiêu dùng đặc biệt ở địa phương…
Xử lý hành vi vi phạm về quảng cáo
Đối với nhóm vấn đề thứ ba thuộc lĩnh vực Thông tin và Truyền thông, cử tri Nguyễn Tri Long, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Ninh Thuận bày tỏ ấn tượng với phần trả lời chất vấn thẳng thắn, trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.
Cử tri cho rằng, giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng hoạt động của ngành báo chí trong giai đoạn bùng nổ về truyền thông trên mạng xã hội hiện nay cần có sự kết hợp giữa nâng cao chất lượng thông tin, đổi mới mô hình kinh doanh và sự hỗ trợ của Nhà nước. Cụ thể, cần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế tài chính đối với cơ quan báo chí; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền; quan tâm, bổ sung nguồn nhân lực; thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực quản lý. Trên hết, báo chí cần giữ vững vai trò là người lính xung kích trên mặt trận văn hóa tư tưởng, đảm bảo thông tin chính xác, kịp thời, đúng định hướng, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Ông Nguyễn Tri Long cũng nêu rõ, việc kiểm soát nội dung quảng cáo luôn được cơ quan báo chí địa phương coi trọng, bảo đảm chặt chẽ từ khâu tiếp, đăng tải trên các ấn phẩm. Tuy nhiên, hiện nay, hoạt động quảng cáo có sự chuyển dịch từ truyền thống sang môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới. Điều này dẫn đến những khó khăn trong công tác quản lý Nhà nước, do việc ràng buộc trách nhiệm, phát hiện và xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo trên phương tiện này áp dụng với một loại chủ thể không giới hạn phạm vi lãnh thổ. Luật Quảng cáo năm 2012 chưa có quy định cụ thể về quyền, trách nhiệm của đối tượng tham gia, quy trình phát hiện và xử lý vi phạm mà các quy định đang nằm rải rác tại một số văn bản dưới luật nên hiệu quả quản lý chưa cao.
Hoạt động quảng cáo, nội dung quảng cáo liên quan đến nhiều lĩnh vực chuyên ngành như y tế, văn hóa, giáo dục, công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn… Do vậy, ngành Thông tin và Truyền thông cần phối hợp với các cơ quan chuyên ngành để rà soát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi vi phạm về quảng cáo trên báo chí, xuất bản phẩm và thông tin điện tử để bảo vệ quyền lợi của người dân, các tổ chức, cử tri Nguyễn Tri Long kiến nghị.
Cử tri Đà Nẵng quan tâm đến vấn đề thông tin quảng cáo không đúng, tin xấu đang lan truyền trên môi trường mạng. Ông Trần Xuân Khánh ở quận Hải Châu cho rằng, các đại biểu đặt câu hỏi cụ thể, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời đi thẳng vào vấn đề và có giải pháp. Đó là, Bộ Thông tin và Truyền thông hình thành và đưa vào vận hành Trung tâm thông tin quốc gia, gần đây một số địa phương đã bắt đầu hình thành trung tâm chống tin giả, tin sai sự thật; tập trung kiểm tra, giám sát các nền tảng mạng xã hội lớn có nhiều vi phạm…Đồng thời là việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm nhãn hàng thuốc, quảng cáo có nội dung vi phạm pháp luật; tập trung làm việc với đại diện các nền tảng xuyên biên giới để yêu cầu tuân thủ luật pháp Việt Nam.