Cử nhân lên mạng 'than thở' vì nộp 800 đơn xin việc, 30 lần phỏng vấn vẫn thất nghiệp: Do thị trường quá khắc nghiệt hay bản thân chưa đủ xuất sắc?
Hoàn cảnh của cô gái khiến nhiều người đồng cảm nhưng cũng có ý kiến cho rằng không tìm được việc là do chưa đủ cố gắng.
Nộp hơn 800 đơn xin việc nhưng chỉ nhận được phản hồi từ 30 công ty
Chia sẻ của một cô gái trẻ ở Hà Nam (Trung Quốc) đã nhận được sự quan tâm đặc biệt. Cô là cử nhân mới ra trường nhưng vẫn chật vật tìm việc làm. Dù đã nộp 800 bộ hồ sơ, phỏng vấn 30 lần nhưng cô vẫn chưa có công việc ổn định.
Trong video, cô không giấu nước nước mắt và hỏi: “Tôi học đại học để làm gì?”. Đoạn video nhanh chóng được lan truyền trên Douyin, làm dấy lên các cuộc thảo luận về những thách thức mà sinh viên mới tốt nghiệp ở Trung Quốc phải đối mặt.
Cử nhân trẻ cho biết cô học chuyên ngành viết quảng cáo và lập kế hoạch. Trước khi tốt nghiệp, cô đã từng đi thực tập. Điều đáng nói là vị trí thực tập sinh tại các công ty thường không có lương và không thể đảm bảo có việc làm toàn thời gian khi kết thúc thời gian thực tập.
Cô tiếp tục kể về người bạn thân nhất của mình đang có một công việc ở Bắc Kinh với mức lương hàng tháng chỉ 7.500 nhân dân tệ. Người bạn cũng thường xuyên làm việc ngoài giờ trong nhiều ngày.
“Bạn tôi đi làm về lúc 1 giờ sáng, có khi 3, 4 giờ. Ngày hôm sau, cô ấy phải dậy lúc 7 giờ sáng để tiếp tục làm việc”, chủ nhân của video chia sẻ.
Đã tốt nghiệp nhưng chưa tìm được công việc ổn định, nhân vật trong video cho biết bản thân áp lực đến nỗi không dám về nhà: "Còn tôi thì sao? Gia đình gây áp lực muốn tôi về làm giáo viên hoặc xin vào một cơ quan nhà nước. Nhưng xin việc đâu có dễ như vậy”. Cô phải tránh về nhà vào dịp Tết Nguyên đán để không phải giải quyết các câu hỏi của người thân.
Nhiều bình luận đồng cảm với cô và dành những lời động viên. Một số khác thì cho rằng do bản thân cô gái không chủ động trau dồi kỹ năng giao tiếp và kỹ năng mềm nên mới dẫn đến tình trạng như vậy.
Thị trường lao động cạnh tranh hơn bao giờ hết
Năm 2022, thị trường lao động Trung Quốc sẽ chứng kiến số lượng sinh viên tốt nghiệp đạt mức kỷ lục là 10,8 triệu người. Tìm kiếm cơ hội việc làm cho nhóm cử nhân là một vấn đề đau đầu.
Một số trường đại học ở Trung Quốc thậm chí còn thúc giục sinh viên năm cuối hoãn lại đợt tốt nghiệp. Các sinh viên chia sẻ với hãng tin Caixin rằng họ chưa được trường phê duyệt để bảo vệ luận án trừ khi tìm được việc làm. Trong khi đó, một số sinh viên đã lựa chọn tự kinh doanh để có thể lấy bằng tốt nghiệp. Theo trang web tuyển dụng trực tuyến Zhaopin, tính đến tháng 4, chưa đến ½ số sinh viên tốt nghiệp Trung Quốc nhận được lời mời làm việc.
Theo Bloomberg, các trường đại học được nhà nước tài trợ đang gặp nhiều khó khăn. Trong tháng 5, tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên thành thị Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục là 18,4%.
Tại Trung Quốc, ngày càng nhiều sinh viên muốn làm việc trong các cơ quan nhà nước khi vừa mới ra trường. Theo cuộc khảo sát mới nhất của Zhaopin, doanh nghiệp nhà nước là những nơi được nhiều sinh viên mong muốn làm việc nhất, trong khi chỉ có 17,4% muốn làm việc ở các công ty tư nhân.
Không muốn thất nghiệp, phải biết cách nâng giá trị bản thân
Có hàng ngàn lý do khiến một người không tìm được việc làm. Đây là cơ hội để chúng ta đánh giá lại bản thân cũng như tái tạo lại chính mình. Người đi trước có câu: "Khi một cánh cửa đóng lại, một cánh cửa khác sẽ mở ra". Nếu bạn biết sử dụng khoảng thời gian này một cách khôn ngoan thì cánh cửa mới kia rất có thể là bước tiến nhảy vọt trong con đường sự nghiệp của bạn.
Có nhiều cách khác nhau để khai thác và làm mới bản thân, điều quan trọng là phải biết kiểm soát tình hình và tận dụng tối đa thời gian bạn có trong tay. Dưới đây là bốn cách để tận dụng "lợi thế" của việc thất nghiệp:
1. Học các kỹ năng mới
Trong thời gian rảnh đừng cho phép đầu óc của bạn nghỉ ngơi mà hãy giữ cho nó hoạt động bằng cách học một kỹ năng mới. Các nhà tuyển dụng sẽ đánh giá cao việc bạn biết tận dụng khoảng thời gian này để bắt kịp những thay đổi của ngành hoặc phát triển một kỹ năng mới.
Lựa chọn hàng đầu để bắt đầu là các khóa học trực tuyến miễn phí hoặc chi phí thấp. Nếu bạn cảm thấy các khóa học mình muốn tham gia tốn một khoản tiền lớn, hãy coi chúng như một khoản đầu tư vào bản thân.
Ngoài ra, hãy chú ý nắm bắt tất cả thông tin mới trong lĩnh vực của bạn để khi đến thời điểm nộp đơn ứng tuyển cho công việc mới, bạn có thể sẵn sàng trả lời các câu hỏi không chỉ về khả năng của bản thân mà còn cả ngành nói chung và thuyết phục nhà tuyển dụng rằng các kỹ năng bạn đã học sẽ giúp ích cho công ty, doanh nghiệp...
2. Chăm sóc sức khỏe
Vào thời điểm căng thẳng như vậy, bạn cần phải chăm sóc bản thân nhiều hơn. Bạn không thể lấy lý do để trì hoãn việc bắt đầu một chế độ tập thể dục vì bạn không có thời gian. Bạn có rất nhiều!
Bạn không nhất thiết phải đến phòng tập thể dục hoặc thuê một huấn luyện viên cá nhân. Hãy chạy hoặc đạp xe, tham gia các cuộc thám hiểm khám phá khu vực nơi bạn sống, hoặc đơn giản là tạo thói quen tập thể dục hàng ngày tại nhà riêng và thực hiện đều đặn mỗi ngày. Chắc chắn, bạn sẽ có cơ thể đẹp hơn, sức khỏe dẻo dai hơn, cảm thấy dễ chịu hơn và quan trọng là bớt căng thẳng hơn — tất cả những điều này sẽ giúp bạn tự tin hơn.
3. Làm lại Sơ yếu lý lịch/CV
Bây giờ chính là lúc để cập nhật và "đánh bóng" sơ yếu lý lịch của bạn. Nếu bạn đã làm công việc tương tự trong một thời gian dài, bạn nên nghiên cứu cách tốt nhất để tối ưu hóa sơ yếu lý lịch của mình.
Ngoài ra, hãy bắt đầu cải thiện hoạt động trực tuyến nhiều hơn bằng cách tạo hoặc cập nhật hồ sơ online và tham gia các nhóm ngành chuyên nghiệp. Tất cả những kết nối đó sẽ giúp bạn học hỏi và là cách tuyệt vời để tìm kiếm những vị trí mới cho bạn trong tương lai.
Ngoài ra, hãy đăng ký nhận thông báo việc làm hàng ngày và lập danh sách nhóm phỏng vấn của bạn. Việc tìm kiếm của bạn càng xác định được mục tiêu rõ ràng, bạn càng dễ dàng tìm được việc làm hơn.
Lời dạy của ông chủ đại gia khiến tôi bừng ngộ: ‘Sai sót giống như cỏ dại, để lâu không được dọn dẹp, chúng sẽ nhanh chóng xâm chiếm cả khu vườn’