Conte, Allegri và Ancelotti cho thấy bản năng cầm quân của những HLV người Italy
(Thethaovanhoa.vn) – Jose Mourinho từng nói "Ở Italy, ai cũng nghĩ mình là HLV". Nhìn cách Antonio Conte, Massimo Allegri và Carlos Ancelotti lần lượt dẫn đầu Premier League, Serie A và Bundesliga, người ta mới thấy phát biểu của "Người đặc biệt" không sai chút nào.
- Chelsea phiên bản Conte vô địch Premier League đầy thuyết phục
- Conte: Tôi đến, tôi thấy, tôi thắng (*)
- Antonio Conte là định nghĩa về huấn luyện viên
Người Italy thống trị châu Âu
Hôm 13/5, Antonio Conte đăng quang cùng Chelsea tại Premier League sớm 2 vòng đấu sau chiến thắng 1-0 trước West Brom. Ông là HLV người Italy thứ 4 trong 8 mùa giải gần đây có vinh dự nâng chiếc cúp bạc Premier League. Carlos Ancelotti (Chelsea, 2010), Roberto Mancini (Manchester City, 2012) và Claudio Ranieri (Leicester City, 2016) là những người vô địch trước Antonio Conte.
Tính đến thời điểm này, trong 5 giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu, đã có tới 2 HLV người Italy xưng vương. Bên cạnh Antonio Conte, HLV Carlos Ancelotti cũng đã giúp Bayern Munich vô địch Bundesliga. Nếu Massimo Allegri dẫn Juventus tới chiếc Scudetto thứ 6 liên tiếp thì ông sẽ trở thành HLV người Italy thứ 3 vô địch ở mùa giải này. Chưa kể, Allegri còn đưa "Lão bà" vào tới tận chung kết Champions League. Nếu đánh bại Real Madrid, Allegri sẽ là HLV người Italy thứ 3 vô địch Champions League trong 6 mùa giải gần đây.
Ở Nga, cựu trợ lý Massimo Carrera của Antonio Conte đã giúp Spartak Moscow vô địch lần đầu tiên sau 16 năm chờ đợi. Toàn châu Âu, người Italy đang thống trị. Không quốc gia nào có số lượng HLV đang làm việc tại 5 giải hàng đầu châu Âu nhiều như Italy (18 người). Ngay cả đội tuyển Trung Quốc, Albania cũng được dẫn dắt bởi HLV Italy. Cùng với đó, đội tuyển Anh, Nga và Nhật Bản trong những năm gần đây cũng từng tin tưởng HLV người Italy.
Đây không phải điều gì mới mẻ trong lịch sử bóng đá. Trong nhiều thập kỷ qua, người Italy vô địch Champions League/Europa League nhiều hơn bất kỳ ai. Tại các giải đấu thuộc UEFA, các HLV Italy tổng cộng đã mang về 46 danh hiệu. Con số này của Tây Ban Nha và Đức lần lượt chỉ là 37 và 27. Vậy đâu là bí mật dẫn tới thành công của họ?
Người Italy ám ảnh chiến thuật
Câu trả lời đơn giản có lẽ do người Italy là những bậc thầy về chiến thuật. Họ thường là những người đi tiên phong trong các cuộc cách mạng. Từ những 1960, Inter của Helenio và AC Milan của Nereo Rocco đã cùng nhau thống trị cúp châu Âu. Sau này, tới lượt Arrigo Sacchi xây dựng lối đá pressing cho AC Milan, tiếp đó Luciano Spalletti sinh ra "số 9 ảo" với Francesco Totti tại Roma. Người Italy luôn tạo ra phong cách mới trong bóng đá.
"Các CLB Italy không có điều kiện để chi ra những phí chuyển nhượng cao giống các giải đấu khác. Tuy nhiên, bạn không mua được các ý tưởng chiến thuật. Vì thế, trường đào tạo HLV của chúng tôi chính là nơi đi tiên phong", huyền thoại Giovanni Trapattoni chia sẻ với Corriere dello Sport.
Người Italy luôn bị ám ảnh bởi chiến thuật. Tầm quan trọng của chiến thuật đã được "tiêm nhiễm" vào đầu các cầu thủ trẻ từ khi họ còn nhỏ. Các HLV luôn nghiên cứu đối thủ của mình một cách tỉ mẩn. Các buổi tập luyện luôn dành phần lớn vào yếu tố chiến thuật.
Trung tâm kỹ thuật Coverciano ở Florence là nơi nổi tiếng về đào tạo và phát triển HLV của Italy. Ở đây, các HLV sẽ được giảng dạy phương pháp để thích ứng với các môi trường bóng đá. Tuy nhiên, thực tế khả năng chiến thuật là điều không thể giảng dạy được. Khả năng phân tích và thống kê là điều ăn sâu vào tận gốc rễ mỗi người Italy rồi.
Khả năng thích nghi và thay đổi
"Khả năng vượt trội của các HLV Italy là kiến thức về chiến thuật và tạo ra động lực thi đấu cho tập thể. Họ luôn chuẩn bị rất kỹ càng về chiến thuật, tốt hơn bất kỳ ai, và luôn là như vậy. Các HLV Italy là người giỏi nhất trên thế giới", ông Trapattoni đề cao người Italy.
Nói về khả năng thích nghi, người Italy tốt nhất có lẽ là Claudio Ranieri. Biệt danh "Gã thợ hàn" đã nói lên tất cả khả năng của ông. Ông cũng từng khiến cả thế giới phải ngả mũ thán phục bởi chức vô địch Premier League 2015/16 cùng Leicester. Ranieri luôn dành sự quan tâm lớn tới các cầu thủ và toàn bộ hệ thống của đội bóng. Tuy nhiên, để thành công trong bóng đá hiện đại, không HLV nào có thể áp dụng cố định một đội hình, một chiến thuật trong tất cả các trận đấu. Ngày nay, có rất nhiều thiết bị để giúp các HLV nghiên cứu đối thủ. Vì thế, nếu không thay đổi, HLV đó sẽ bị bắt bài.
Hiện tại, HLV thường xuyên thay đổi lối chơi nhất là Massimo Allegri của Juventus. Trong suốt mùa giải này, ông đã luân phiên dùng từ 3-5-2 đến 4-3-1-2 rồi 4-4-2 và có khi 4-2-3-1. Gần đây nhất, ông đi theo xu hướng 3-4-3 cùng với cả thế giới.
Ở trận bán kết Champions League lượt về với Monaco, trong khoảng 10 phút đầu, Juventus thi đấu với 3 hậu vệ và để lộ quá nhiều khoảng trống ở hai cánh. Sau đó, Allegri xoay đội hình trở về đội hình hàng phòng ngự 4 người. Juventus sau đó đã áp đảo và giành chiến thắng Monaco với tỷ số 2-1.
"Họ biết cần phải làm gì để giành chiến thắng và hòa nhập tốt với quốc gia mình làm việc. Khi tôi ở Juventus và không thi đấu tốt, chủ tịch Gianni Agnelli sẽ nói với tôi rằng: "Hôm nay, đội bóng chơi không đẹp mắt nhưng điều quan trọng là chúng ta đã chiến thắng. Tốt lắm".", ông Trapattoni kể lại.
Người Italy là tấm gương
Premier League có thể là giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh nhưng trong suốt 25 năm lịch sử của giải đấu, chưa một HLV người Anh nào có thể giành chức vô địch. Thành tích tốt nhất của một HLV người Anh đó là kết thúc ở vị trí thứ hai. Điều đó đã được Kevin Keegan thực hiện cách đây 21 năm. Cách đây 14 năm, Sir Bobby Robson cũng chỉ cán đích ở vị trí thứ 3. Kể từ Thế chiến thứ II, mới chỉ có 3 HLV người Anh giành chức vô địch ở 4 giải hàng đầu châu Âu (Pháp, Italy, Tây Ban Nha và Đức). Hai trong số đó đến vào các năm 1946 và 1950.
Có rất ít người Anh được tin tưởng ở lĩnh vực cầm quân trong những năm gần đây. Thậm chí, không ít người còn tự hủy hoại danh tiếng của mình, giống Gary Neville khi dẫn dắt Valencia. Giờ đây, Tony Adams đang làm HLV ở Granada và chưa biết tương lai sẽ đi về đâu.
Tất cả cho thấy cần có một cuộc cách mạng trí tuệ ở Anh, trên các phương tiện truyền thông và ở các học viện đào tạo trẻ. Họ cần coi chiến thuật và yếu tố tinh thần là điều không thể tách rời khỏi bóng đá. Để làm được điều này, người Anh cần học hỏi Italy.
Hiệp Hoàng
Tổng hợp