Công viên Thống Nhất: Chuyện chưa dứt về 'lá phổi' của Thủ đô
(Thethaovanhoa.vn) - Cuộc tranh luận về việc xây bãi để xe ngầm trong công viên Thống Nhất vẫn chỉ là bề nổi của một thực tế: chúng ta có thừa ý thức bảo vệ không gian xanh cho cộng đồng, nhưng lại luôn loay hoay trong việc khai thác nó đúng với tiềm năng.
1. Câu chuyện của công viên Thống Nhất diễn ra vào tháng 3 vừa qua, khi bãi đỗ xe ngầm được quyết định xây dựng. Và, đó là hệ quả từ một cuộc tranh luận gay gắt vào 8 năm trước.
Năm 2008, đúng 50 năm sau khi công viên Thống Nhất được người dân Hà Nội khởi công xây dựng, một khách sạn 5 sao có tên SAS Hanoi Royal cũng được… khởi công. SAS Hanoi Royal nằm trên diện tích hơn 9.000m2 của công viên, theo một dự án được Hà Nội phê duyệt vào 17 năm trươc đó. Bài toán được đặt ra: chấp nhận thực tế ấy, như sản phẩm của một thời… ấu trĩ kêu gọi đầu tư, hay trả một cái giá rất đắt cho nhà đầu tư để khắc phục sai lầm?
Dư luận vào cuộc. Giới kiến trúc sư và các chuyên gia văn hóa “rát cổ”kêu gọi gìn giữ công viên Thống Nhất được vẹn nguyên. Kết quả: dự án xây khách sạn phải dừng, và chính thức hủy vào năm 2013. “Sản phẩm” để lại là 3 tầng hầm đã kịp thi công xong, và được quây tôn kín mít trong những năm sau đó.
Công viên Thống Nhất nhìn từ bên trong. Ảnh: CVTN
Nghĩa là, 9.000m2 ấy vẫn chỉ được trả lại cho công viên trên lý thuyết. Còn thực tế, cộng đồng (và cả lãnh đạo Hà Nội) vẫn chưa được hưởng thành quả trực tiếp từ quyết định dũng cảm của mình. Để rồi, khi khu đất đã bị bê tông hóa này được quyết định chuyển đổi thành bãi để xe ngầm, thì cuộc tranh cãi lại được khơi lên.
Ý tưởng đề ra khá hoàn hảo. 9.000m2 được phủ xanh trở lại và dành cho cộng đồng. Đổi lại, 3 tầng hầm được tận dụng khai thác làm bãi đỗ xe và trung tâm thương mại ngầm, vừa để thu hút nhà đầu tư, vừa để tạo ra những tiện ích bổ sung cho người tới công viên Thống Nhất. Thế nhưng, với những gì từng xảy ra, nhiều người vẫn lo lắng về khả năng những hoạt động thương mại có thể từ dưới đất “lan” lên bề mặt của công viên, theo một cách nào đó ít ai ngờ…
2. Nhưng, dù được “bảo vệ” với tinh thần cao thế nào, công viên Thống Nhất vẫn được nhắc đến hàng chục lần trong những cuộc hội thảo về một góc độ khác: sự lãng phí trong việc khai thác tiềm năng.
Như KTS Phó Đức Tùng từng phân tích, nếu tính theo giá đất, diện tích 42 ha nằm giữa vùng “lõi đô thị” của công viên Thống Nhất có giá trị cực lớn về kinh tế. Và, Hà Nội đã phải chấp nhận hy sinh phần giá trị kinh tế ấy, để đổi lấy việc tạo dựng một không gian công cộng cho mình.
“Hồ Gươm rộng 15 ha, chỉ bằng 1/3 diện tích của công viên Thống Nhất. Nhưng không có nó, Hà Nội rõ ràng không còn là Hà Nội” - KTS Tùng chia sẻ với Thể thao &Văn hóa. “Theo cách đặt vấn đề như vậy, thì rõ ràng công viên Thống Nhất chưa tạo tác động gì đáng kể tới bộ mặt của thành phố cả”.
Nhìn từ trên cao, trục đường lớn Trần Khắc Chân là một lý do hạn chế việc tiếp cận công viên Thống Nhất của du khách.
Theo một nghĩa nào đó, công viên Thống Nhất là kiến trúc điển hình của thời bao cấp: được xây dựng với mồ hôi và nhiệt tình của cộng đồng, hướng tới việc phục vụ cộng đồng, để rồi ít nhiều không còn phù hợp khi nhịp sống đổi thay. Việc duy trì hệ thống tường rào, sự phát triển của 2 trục giao thông lớn bao quanh (các phố Lê Duẩn và Trần Khắc Chân), cũng như việc có quá ít tuyến phố “nối” ra xung quanh đã vô tình hạn chế tối đa khả năng tiếp cận công viên của những người có nhu cầu.
Rồi, sự đơn điệu, nghèo nàn trong lòng công viên cũng từng được chỉ ra như một lý do quan trọng khiến quần thể này có những thời điểm gần như vắng hẳn bóng người trong giờ hành chính hàng ngày. Và, trong khi những công trình dành cho cộng đồng chưa được bổ sung, báo giới đã khá nhiều lần lên tiếng về việc nhiều hạng mục hiện có đang ở tình trạng xuống cấp vì thiếu duy tu bảo dưỡng…
3. Thực tế, năm 2011, một cuộc thi thiết kế cải tạo công viên Thống Nhất đã được mạng Ashui tổ chức với tên gọi “Công viên Thống Nhất cho tất cả mọi người”. Khá nhiều ý tưởng hay đã được đưa ra: hồ Bảy Mẫu và hệ thống cây xanh thuộc công viên cần được cải tạo; những công trình dành cho cộng đồng cần được xây dựng thêm; tường rào bao quanh công viên nên gỡ bỏ, hoặc xây dựng những cầu bộ hành để kết nối với không gian của hồ Thiền Quang, hồ Ba Mẫu bên cạnh đó…
Thậm chí, như chia sẻ của một số KTS, song song với việc bảo tồn công viên Thống Nhất, khu vực dân cư quanh công viên cần được cải tạo bằng việc mở thêm những tuyến phố hướng ra công viên, xây một số trung tâm thương mại - văn phòng ở khu vực hồ Ba Mẫu. Bởi, khi tường rào được gỡ bỏ, không gian mở rộng của công viên Thống Nhất sẽ phát huy tối đa tác dụng nếu có sự kết nối và trở thành điểm dừng chân của những tuyến phố thương mại quanh đó.
Nhưng, để làm được ngần ấy công việc, vốn đầu tư cho việc cải tạo và chỉnh trang công viên Thống Nhất sẽ là một con số không nhỏ. Và, dường như có chút gì vừa lúng túng, vừa… bất lực trong cách yêu và giữ công viên Thống Nhất của người Hà Nội. Yêu, nên hết sức “cảnh giác” và luôn lên tiếng phản biện trước nguy cơ xuất hiện bất cứ công trình mang tính thương mại nào tại không gian này. Lúng túng, bởi nếu không có giải pháp phù hợp để thu hút nguồn vốn xã hội hóa tư nhân, việc cải tạo, cũng như duy tu công viên Thống Nhất, chỉ có thể trông vào nguồn kinh phí đầu tư từ Nhà nước - điều khó lòng khả thi trong thời gian ngắn…
Chỉ tính riêng 9 quận nội thành Hà Nội, theo thống kê được quỹ JICA (Nhật Bản) tiến hành năm 2006, tỷ lệ đất công viên cây xanh bình quân theo đầu người là 0,9m2/người. (Riêng 2 quận Đống Đa, Gia Lâm chỉ đạt 0,05m2/người).Tỷ lệ này là vô cùng thấp, nếu nhìn sang các số liệu của một số thành phố như Tokyo 7,5m2/người, London 26,9m2/người, Berlin 27,4m2/người, New York 29,3m2/người, Moskva 24m2/người... Theo quy hoạch được Hà Nội phê duyệt năm 2014, tới năm 2030, vùng đô thị lõi (gồm các quận nội thành) sẽ có 18 công viên được xây mới, 42 công viên được nâng cấp cải tạo và đạt tổng diện tích 4.000 ha. |
Sơn Tùng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần