Công suất lắp ráp tăng với hàng trăm nghìn chiếc, ô tô ở Việt Nam có giảm giá?
(Thethaovanhoa.vn) - Từ đầu năm 2018, nhiều chính sách trong lĩnh vực ô tô có hiệu lực, thị trường ô tô đã có những thay đổi đáng kể, sản xuất lắp xe trong 6 tháng đầu năm tăng trưởng và đã kiểm soát tốt lượng xe nhập khẩu.
- Mất lái, thiết giáp BMP-1 chồm lên đè bẹp ô tô trên đường phố
- TP.HCM: Ba ô tô tông nhau liên hoàn, nhiều người hoảng loạn
Ngay từ đầu năm 2018, nhiều chính sách liên quan đến lĩnh vực ô tô có hiệu lực, như chính sách thuế nhập khẩu của một số dòng xe từ ASEAN về 0%, thuế tiêu thụ đặc biệt của các dòng xe động cơ dưới 2.0L giảm thêm 5%, Nghị định 116/2017/NĐ-CP và Nghị định 125/2017/NĐ-CP có hiệu lực thi hành.
Với những chính sách trên, các công ty lắp ráp ô tô tăng cường mở rộng, nâng công suất, như Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco) đã khánh thành và đi vào hoạt động Nhà máy Thaco Mazda với công suất ban đầu 50.000 xe/năm. Công ty Huyndai Thành Công mở rộng sản xuất, lắp ráp dòng xe thương mại công suất 42.000 xe/năm... Qua đó, sản lượng ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước phục hồi mạnh, đạt 114.600 xe các loại trong 6 tháng đầu năm và tăng khoảng 15,5% so với cùng kỳ năm 2017.
Cùng với sản xuất lắp ráp trong nước, sau khi nhập khẩu ô tô giảm mạnh trong 2 tháng đầu năm (tháng 1 nhập khẩu 340 xe, tháng 2 nhập khẩu 222 xe), bước sang tháng tháng 3 nhập khẩu ô tô đã tăng trở lại với 3.676 xe. Tuy nhiên, lượng ô tô nhập khẩu có xu hướng giảm nhẹ dần trong tháng 4, tháng 5 và giảm mạnh trong tháng 6 khi nhập về chỉ 2.200 xe, trong đó có 1.500 xe dưới 9 chỗ ngồi.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2018, lượng xe ô tô nhập khẩu về Việt Nam đạt 11.273 xe các loại; trong đó xe ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ nhập về Việt Nam đạt 8.315 xe, trị giá đạt 188 triệu USD, giảm 68,6% về lượng và 58% về kim ngạch. Qua đó, góp phần kiểm soát tốt lượng ô tô nhập khẩu cũng như giá trị kim ngạch nhập khẩu.
Dự báo, thị trường ô tô từ quý III trở đi, nhập khẩu ô tô sẽ tăng mạnh so với 2 quý đầu năm do các doanh nghiệp dần thích ứng với các quy định mới, trong đó có Nghị định 116/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô.
Bộ Công Thương cũng dự báo sản lượng sản xuất, lắp ráp ô tô cả năm 2018 sẽ đạt khoảng 235.000 xe các loại, giảm 1,3% so với năm 2017; trong đó, từng quý còn lại sản xuất khoảng 60.000 xe.
Lý giải về việc tổng lượng xe sản xuất, lắp ráp cả năm 2018 không tăng trưởng so với năm 2017, Bộ Công Thương cho rằng, kết quả kinh doanh của các hãng xe còn tùy thuộc vào khả năng thích nghi với Nghị định 116/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô.
Để thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô trong nước, Bộ Công Thương cho rằng, cần có biện pháp để kiểm soát tốt lượng ô tô nhập khẩu và hỗ trợ cho sản xuất, lắp ráp trong nước.
Theo đó là hỗ trợ để thúc đẩy nhanh dự án mở rộng nhà máy của Công ty Hyundai Thành Công đã ký thỏa thuận hợp tác với Hyundai Motor Hàn Quốc trong việc hợp tác sản xuất xe du lịch Hyundai tại Việt Nam. Cùng với Thaco đã đi vào hoạt động nhà máy Thaco Mazda, thì việc mở rộng nhà máy sản xuất xe của Hyundai là tín hiệu tốt cho việc tăng sản lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong thời gian tới.
Bên cạnh đó là phối hợp với Bộ Tài chính để đề xuất, điều chỉnh thuế nhập khẩu linh kiện và phụ tùng theo nguyên tắc thấp hơn mức thuế nhập khẩu ô tô thành phẩm theo cam kết đã ký.
Cùng với đó là nghiên cứu khả năng áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe có tỷ lệ nội địa hóa cao (không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị tạo ra trong nước). Đồng thời xây dựng chuỗi cung ứng ngành ô tô cho các doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô trong và ngoài nước.
Về dài hạn, cần có các cơ chế chính sách thu hút đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án có quy mô lớn tại Việt Nam, đặc biệt tập trung vào các thương hiệu và dòng xe chưa có tại khu vực ASEAN. Qua đó, tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu nhất vào chuỗi sản xuất ô tô đa quốc gia.
Văn Xuyên - TTXVN