Công Phượng và vị đắng cà phê
"Mọi người sẽ nhớ những cốc cà phê thơm ngon mà Công Phượng đã pha trong phòng thay đồ". Đó là một lời tri ân đầy chua chát, thậm chí là mỉa mai, đối với một trong những tài năng đáng chú ý nhất của bóng đá Việt Nam một thập kỷ qua.
1. Trong hai mùa giải khoác áo Yokohama FC, Công Phượng thi đấu tổng cộng 3 trận (đều ở J League Cup), với vỏn vẹn 85 phút, không ghi bàn hay kiến tạo, và nhận 1 thẻ vàng. Ngay cả khi đội nhà tụt xuống J League 2, Phượng cũng không được đăng ký, chứ đừng nói là tìm cơ hội từ ghế dự bị.
Công Phượng là cầu thủ Việt Nam xuất ngoại nhiều nhất với tổng cộng 4 lần (Incheon United, Mito Hollyhock, Yokohama FC, Sint Truidense), nhưng đóng góp của anh về mặt chuyên môn thì chỉ là con số 0 tròn trĩnh. Suốt hành trình xuất ngoại, từ Nhật Bản, Hàn Quốc, cho đến Bỉ, anh được chơi vỏn vẹn 20 trận và không ghi bàn hay kiến tạo gì cả. Các đội bóng chiêu mộ Phượng hầu như không xuất phát từ lý do chuyên môn.
Trên trang transfermarkt, giá trị của Phượng đã giảm từ 275 nghìn euro (thời điểm gia nhập Yokohama FC) xuống 200 nghìn euro (tương đương 5,4 tỷ đồng). Đây là điều tất yếu, thậm chí giảm như vậy còn nhẹ, nếu xét vào bối cảnh Phượng gần như ngồi chơi xơi nước ở Yokohama dẫn đến thiếu thực tiễn thi đấu, và giờ đã 29 tuổi. Ngay cả khi V-League chưa đóng cửa thị trường chuyển nhượng, Công Phượng cũng chưa chắc giành vị trí đá chính ở sân chơi cao nhất của bóng đá Việt Nam. Giải hạng Nhất là lựa chọn phù hợp hơn cả đối với chân sút này ở thời điểm hiện tại.
Đó là hành trình buồn với một cầu thủ từng mang lại nhiều xúc cảm nhất cho bóng đá Việt Nam một thập kỷ qua. Trong số 4 cầu thủ học viện HAGL Arsenal JMG được HLV Arsene Wenger khen ngợi năm xưa, chỉ còn Tuấn Anh là còn để lại ấn tượng trong màu áo Nam Định. Trần Hữu Đông Triều đã bỏ bóng đá, Xuân Trường chìm nghỉm, và rất ít người tin Công Phượng có thể hồi sinh, dù cái tên của anh vẫn tạo ra sức hút nhất định với CĐV Việt Nam.
2. Với việc Công Phượng rời Yokohama FC, bóng đá Việt Nam đã sạch bóng cầu thủ thi đấu ở nước ngoài. Trong khu vực Đông Nam Á, ngoài Việt Nam, chỉ có Campuchia và Brunei là không có cầu thủ thi đấu ở nước ngoài.
Theo soccerway, Philippines có nhiều cầu thủ thi đấu ở nước ngoài nhất Đông Nam Á với 22 người. Nhưng điều này cũng chẳng có gì bất ngờ bởi đội tuyển nước này vốn được xây dựng trên những Phi kiều. Trong khi đó, với chính sách nhập tịch mạnh mẽ, Indonesia đứng thứ hai với 21 cầu thủ, tiếp theo là Thái Lan (12), Malaysia (5). Ngay cả những nền bóng đá dưới Việt Nam như Singapore, Myanmar, Lào, Timor Leste cũng có 2 cầu thủ chơi ở nước ngoài.
Trong khuôn khổ bài viết, người viết chỉ muốn nhắc tới những cầu thủ nội binh tự lực xuất ngoại như Công Phượng. Về mặt này, Thái Lan vẫn có những tuyển thủ đẳng cấp như Suphanat Mueanta (OH Leuven), Ekanit Panya (Urawa Reds), Supachok Sarachat (Consadole Sapporo), Sarach Yooyen (Renofa Yamaguchi). Indonesia có Marselino Ferdinan (Oxford United), Pratama Arhan (Suwon FC), Asnawi Muangkualam (Port FC).
Không ngạc nhiên khi Việt Nam đang lép vế so với Thái Lan và Indonesia. Với những tuyển thủ được tiếp xúc với các trận đấu đỉnh cao hàng tuần, chơi bóng bên cạnh các cầu thủ đẳng cấp cao thường xuyên, họ càng quen với áp lực, và thích nghi để tồn tại. Trong khi đó, với chế độ đãi ngộ trong nước tốt hơn, rào cản ngôn ngữ, văn hóa cho đến thất bại của những người đi trước làm thui chột ý chí "vươn ra biển lớn" của cầu thủ Việt.
Phải làm sao để cầu thủ Việt xuất ngoại không phải nếm vị đắng?