Công Phượng: 'Chưa thi xong đã phải về'
(Thethaovanhoa.vn) - Thể thao Việt Nam nói chung và bóng đá Việt Nam nói riêng hay có câu: “Thi xong xuôi tất cả lại về” để khóa sổ mỗi giải đấu quốc tế chúng ta tham dự mà không có thành tích như mong đợi.
- CLB Nhật Bản từ chối 'nhả' Công Phượng, Tuấn Anh?
- Tuyển Việt Nam triệu tập 30 cầu thủ, Công Phượng sắp về nước
- Công Phượng trở về, 3 năm nữa HAGL mới nghĩ đến thành tích
Còn nhớ, trong ngày Yokohama FC ký hợp đồng với Tuấn Anh, bầu Đức còn “nổ” tưng bừng rằng từ trước đến nay chưa ai bán được cầu thủ ra nước ngoài như ông và rằng HAGL còn tiếp tục bán thêm nhiều cầu thủ nữa như Tuấn Anh...
Ông Đức nói: “Tôi đào tạo cầu thủ để bán và bây giờ bán được thì tất nhiên rất tự hào. Tự hào hơn nữa khi tôi là người tiên phong. Có thể nói, từ thời cổ xưa đến giờ, lịch sử bóng đá Việt Nam chưa ai bán được cầu thủ ra nước ngoài như tôi.
Công Phượng (trái) sẽ về nước để có nhiều cơ hội thi đấu hơn.Ảnh: Mito Hollyhock
Sự việc lần này sẽ mở màn cho những đợt xuất khẩu khác của chúng tôi. Chắc chắn sẽ không chỉ ba cầu thủ này đâu, mà tôi sẽ cho nhiều cầu thủ đi nữa, qua các nước tiên tiến để tiến bộ cho bản thân và cho tương lai của bóng đá Việt Nam”.
Thế nhưng có lẽ do vui quá nên ông Đức quên mất một điều rằng nếu các đội bóng ở Nhật Bản hay Hàn Quốc chỉ mua cầu thủ vì mục đích chuyên môn thì HAGL hay bất cứ CLB nào khác của Việt Nam cũng không thể đáp ứng yêu cầu của họ, bởi sự khác biệt quá lớn giữa một nền bóng đá thuộc diện ở vùng trũng như Việt Nam với những ông lớn của bóng đá châu Á thường xuyên góp mặt ở World Cup như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Ngay cả cầu thủ số một Việt Nam trong vòng 10 năm vừa qua là Công Vinh cũng không thể đánh chiếm được một vị trí trong đội hình chính thức CLB Consadole Sapporo khi sang chơi bóng tại giải J-League 2, thì làm sao những tài năng chưa chín như Công Phượng hay Tuấn Anh lại có thể làm được điều gì đó tại Mito Hollyhock hay Yokohama FC?
Tất cả những người hiểu chuyện đều biết rằng bầu Đức xuất khẩu cầu thủ vì mục đích kinh doanh, và các đội bóng Nhật Bản, Hàn Quốc khi ký hợp đồng mượn Xuân Trường, Tuấn Anh và Công Phượng cũng nhắm tới mục tiêu kêu gọi tài trợ từ các doanh nghiệp đang làm ăn tại Việt Nam chứ không phải bởi tài năng của bộ ba này đã chói sáng tới mức buộc Mito Hollyhock, Yokohama FC hay Incheon United phải mua về bằng mọi giá.Có lẽ việc Consadole Sapporo ký được vô số hợp đồng tài trợ béo bở nhờ sự xuất hiện của Công Vinh trong mấy tháng ngắn ngủi của J-League 2 năm 2013 đã gợi nên cảm hứng “thấy người ta ăn khoai thì vác mai đi đào” cho 3 đội bóng Nhật Bản và Hàn Quốc mà chúng tôi đã nêu ở trên, nhưng Xuân Trường, Tuấn Anh và Công Phượng lại chưa đạt tới trình độ như Công Vinh, và việc họ phải mài mòn băng ghế dự bị ở CLB của mình là điều chẳng ai cảm thấy ngạc nhiên.
Khi các cầu thủ này còn thi đấu ở V-League 2015 trong màu áo HAGL, họ không thể hiện được sự vượt trội đặc biệt so với các đồng nghiệp vì thể hình thể lực còn chưa hoàn thiện, kinh nghiệm thi đấu vẫn còn hổng rất nhiều. Trong hoàn cảnh như thế, việc HAGL đẩy họ sang chơi tại những nền bóng đá có đẳng cấp cao hơn hẳn bóng đá Việt Nam là giải pháp quá phiêu lưu, và bây giờ thì tất cả đều đã thấy chuyến xuất ngoại của Xuân Trường, Tuấn Anh và Công Phượng thành công hay là thất bại.
Có lẽ HAGL phải tự xem lại chính sách sử dụng nhân sự của mình, khi năm ngoái họ có đầy đủ cả Xuân Trường, Tuấn Anh và Công Phượng trong đội hình mà phải trầy trật lắm mới trụ hạng thành công với một số trận đấu bị mang điều tiếng, còn năm nay với những cầu thủ không được nhiều người biết đến như A Hoàng, Văn Thắng thì HAGL lại thi đấu khá ung dung mà vẫn hoàn tất mục tiêu trụ hạng.
Tức là dù với Xuân Trường, Tuấn Anh và Công Phượng hay HAGL thì mùa bóng năm nay cũng chẳng thể coi là thành công mỹ mãn với họ, đúng theo kiểu “thi xong xuôi tất cả lại về”.
Huy Anh
Thể thao & Văn hóa