Công nghệ số tiếp sức cho ngành xuất bản: Dự báo tương lai gần, xuất bản số sẽ bùng nổ!
Các loại hình sách mới như ebook, audiobook, video book đã xuất hiện ngày một nhiều hơn trên thị trường xuất bản Việt Nam, không chỉ đáp ứng nhu cầu của bạn đọc thông thường mà còn tiếp sức cho hoạt động "số hóa" ngành xuất bản.
Làn sóng mới của ngành xuất bản
Chuyển đổi số đang diễn ra nhanh chóng trong ngành xuất bản với sự xuất hiện của các hình thức kết hợp giữa bản thảo truyền thống với công nghệ hiện đại như sách điện tử, sách nói, ứng dụng tóm tắt sách... Thống kê từ Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết, tính đến tháng 5.2022, đã có 16 nhà xuất bản đủ điều kiện xuất bản điện tử. Từ năm 2019 đến năm 2021, bình quân mỗi năm toàn ngành xuất bản ra mắt từ 2.000 đến 2.500 xuất bản phẩm điện tử, trong đó riêng Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã xuất bản được gần 1.200 đầu sách, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông xuất bản được trên 1.000 đầu sách.
Nhiều loại hình xuất bản phẩm điện tử hiện đại đã ra đời với sự hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp phát hành xuất bản phẩm điện tử với các doanh nghiệp công nghệ. Sự tăng trưởng ấn tượng của một số doanh nghiệp khởi nghiệp với các ứng dụng: sách nói Fonos, sách điện tử Waka, giải pháp công nghệ V&V với các nền tảng quảng bá và phát hành sách... sự có mặt của các ứng dụng này và các đơn vị vận hành phía sau với công nghệ mới, tư duy mới đã tạo ra làn sóng sản phẩm mới trong ngành xuất bản.
Chìa khóa đổi mới mang tên chuyển đổi số
Sự góp mặt của một loạt công nghệ mới từ hoạt động chuyển đổi số có thể mang đến những thay đổi ngày càng rõ nét trong các khâu xuất bản, truyền thông, phát hành. Những công đoạn của xuất bản truyền thống sẽ được giảm tải để đến tay nhiều độc giả trong thời gian nhanh nhất. Chuỗi quá trình, từ sáng tạo tác phẩm đến khi được phát hành đến bạn đọc, có thể được điều chỉnh phù hợp với nhiều mô hình kinh doanh khác nhau. Cùng với đó là khả năng đo lường sự quan tâm của bạn đọc với một xuất bản phẩm đang trong kế hoạch xuất bản hoặc sắp được công bố, thông qua mạng xã hội và các kênh phát hành riêng của nhà xuất bản, để kịp thời có những bước đi hợp lý tới tay bạn đọc.
Với độc giả, tiến tới việc đọc và thưởng thức tác phẩm cũng có nhiều thay đổi dễ nhận thấy, đó là sự tương tác qua lại giữa người đọc và sách dưới hình thức điện tử. Việc đọc sách sẽ đem đến nhiều trải nghiệm mới với việc thưởng thức các thành phần đa phương tiện như đã nêu trên; đồng thời là khả năng tra cứu tức thời các nội dung quan tâm, hoặc người đọc cũng có khả năng dễ dàng đối chiếu nội dung với những phần mở rộng (ngoài nội dung chính của sách) được tích hợp ngay trong cuốn sách điện tử.
Mang lại rất nhiều cơ hội mới nhưng hoạt động chuyển đổi số ngành xuất bản cũng đối mặt với những khó khăn về đảm bảo nội dung bản quyền, tác quyền. Bà Nguyễn Hồng Nhung - trưởng phòng truyền thông và tăng trưởng Fonos cho biết, hiện Fonos hiện đang là đối tác chiến lược của hầu hết các Nhà xuất bản lớn tại Việt Nam, mang đến hơn 3000+ nội dung độc quyền, trong đó có hơn 1000 sách nói. Vấn đề bản quyền vẫn khá đau đầu trong ngành xuất bản do nhiều bên tự ý lấy nội dung mang đọc, phát tán... tuy vậy, chuyển đổi số ngành xuất bản vẫn có được sự phát triển ấn tượng. Dù phải đối mặt với các vấn đề vi phạm bản quyền, doanh thu của Fonos vẫn đạt mức tăng trưởng trên 20% mỗi tháng. "Qua đó cho thấy người dùng thật sự quan tâm đến các nội dung chất lượng. Chúng tôi sẽ không ngừng phát triển công nghệ và đồng hành với các đơn vị phát hành nội dung số bảo vệ bản quyền tác phẩm." - bà Nhung cho biết.
Sự tăng trưởng không chỉ diễn ra ở lĩnh vực sách nói. Tại một hội thảo diễn ra đầu tháng 2/2023 tại tp. Hồ Chí Minh, ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết, trong năm 2022, TP. Hồ Chí Minh có đến 3.200 đầu sách điện tử được xuất bản và khoảng 4 triệu lượt người dùng trong năm 2022, tốc độ tăng trưởng ngành xuất bản điện tử khá cao, khoảng 312% so với năm 2021.
Không ngừng phát triển công nghệ mới để tối ưu hóa trải nghiệm người dùng
Rất nhiều những ứng dụng số hóa sách nói, sách điện tử đã ra đời với công nghệ hiện đại mang lại trải nghiệm mới lạ cho khán giả. Fonos, Waka, … cho phép người dùng tải về các cuốn sách audio và nghe trực tuyến trên nhiều thiết bị khác nhau. Tốc độ cập nhật sách của các ứng dụng này rất nhanh, trung bình 5 – 10 ngày từ khi sách xuất bản, người dùng đã có thể trải nghiệm tác phẩm qua hình thức sách nói.
Ngoài ra, còn có những ứng dụng khác như Goodreads, Scribd và OverDrive, giúp người dùng truy cập vào thư viện sách khổng lồ, tìm kiếm và đọc các tác phẩm mà mình yêu thích.
Tại hội Sách và Văn hóa đọc lần thứ hai tại TP.HCM diễn ra từ ngày 18 đến 22 tháng 4, bên cạnh sự tham gia của 30 đơn vị xuất bản, phát hành, lần đầu tiên hội sách có sự góp mặt của các startup ứng dụng sách nói hàng đầu tại Việt Nam hiện nay. Gian hàng của FONOS thu hút rất nhiều khách thăm quan, đặc biệt là các bạn trẻ, không chỉ bởi sự mới lạ của hình thức chương trình, trải nghiệm cho độc giả, ước tính gần 10.000 lượt ghé thăm mỗi ngày. Sự song hành của các đơn vị xuất bản lớn như: Nhã Nam, NXB Trẻ, NXB Kim Đồng, Công ty Cổ phần sách Thái Hà… cùng các ứng dụng công nghệ Fonos, Voiz, Waka minh chứng rõ cho sự cộng hưởng phát triển và hướng đi mới cho ngành xuất bản tại Việt Nam.
Các ứng dụng đọc sách có cách tiếp cận độc giả cụ thể và chủ động nhờ công nghệ. Với Fonos, chỉ cần làm một khảo sát về nhu cầu, sở thích, mục đích của người dùng khi bắt đầu sử dụng, ứng dụng này sẽ gợi ý những đầu sách phù hợp để bắt đầu trải nghiệm nghe sách đầu tiên hiệu quả. Hơn thế nữa, Fonos ứng dụng công nghệ thu âm tại các phòng thu chuyên nghiệp với bởi các diễn viên có giọng nói cuốn hút, dễ nghe và được tuyển chọn kỹ càng, phù hợp với từng thể loại, nhân vật. Ngoài ra đối với nhiều đầu sách đặc thù, người thu âm cuốn sách đó đôi khi cũng chính là những tác giả sách, người nắm được rõ nhất tinh thần và thông điệp cuốn sách muốn truyền tải. Đảm bảo trải nghiệm đến tai người nghe một cách sống động nhất, Fonos không có quảng cáo trong ứng dụng để hạn chế sự gián đoạn khi nghe sách.
Chuyển đổi số trong chính ngành xuất bản
Không chỉ phát triển các tính năng cho người đọc và công chúng, chuyển đổi số cũng đang được nghiên cứu ứng dụng trong chính ngành xuất bản. Là ứng dụng sách điện tử được yêu thích hiện nay, WAKA mới đây đã giới thiệu các nền tảng hỗ trợ xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử bao gồm: hệ thống Thư viện điện tử, Phân hệ xuất bản (số hoá, phát hành, thu hồi, thống kê, gamification).
Là phần mềm phục vụ chuyển đổi số cho nhà xuất bản, Công ty CP Công nghệ VHMT Việt Nam tập trung vào trải nghiệm nghe và đọc sách trên các thiết bị điện tử, đồng thời, kết nối các nhà xuất bản trong việc quản lý và phát hành sách điện tử. VHMT xây dựng hệ thống quản lý xuất bản, thiết kế những tiện ích dành cho NXB như soạn thảo văn bản, thiết kế bìa, soát lỗi từ "cần lưu ý", cảnh báo tác giả, tác phẩm cần lưu ý. Đây là công cụ hỗ trợ đắc lực cho quá trình biên tập sách, giúp BTV biên tập nhanh chóng hơn. Trong hệ thống phát hành sách và sách điện tử, VHMT thiết kế nhiều tiện ích dành cho bạn đọc, tiện ích dành cho NXB, công cụ kinh doanh sách điện tử hiệu quả... Trong khi đó, công ty CP Đầu tư và Phát triển giải pháp công nghệ V&V đề xuất cần tạo ra mạng xã hội nội bộ 4.0 dành cho ngành xuất bản hiện đại. Lấy ví dụ demo từ trang mạng nội bộ của Cục Xuất bản, In và Phát hành sẽ tích hợp Quy trình nộp báo cáo hoạt động xuất bản định kỳ; Quy trình nộp lưu chiểu; Hoạt động truyền thông giữa Cục và các đơn vị xuất bản khác.
Theo dự báo của nhiều nước phát triển, trong tương lai gần, xuất bản số sẽ là một phương thức cơ bản của hoạt động xuất bản. Cùng với ứng dụng cộng nghệ nổi trội, hợp tác với nhiều đơn vị phát hành sách, sách nói (audio book) đã góp phần đưa tri thức lan rộng đến nhiều đối tượng công chúng.