Cộng hòa Séc đối mặt với nguy cơ khủng hoảng tiền tệ
Theo phóng viên TTXVN tại Praha, Cộng hòa Séc sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tiền tệ vào năm 2023 do ngân sách ngày càng tăng và các vấn đề bên ngoài.
Ngoài Cộng hòa Séc, 2 quốc gia khác trong khu vực là Hungary và Romania cũng sẽ phải đối mặt với nguy cơ tương tự. Đây là cảnh báo do các chuyên gia phân tích của tập đoàn tài chính Nomura Holdings (Nhật Bản) đưa ra ngày 21/11. Cảnh báo trên dựa trên việc phân tích 8 chỉ số, bao gồm cả tỉ lệ dự trữ ngoại hối/nhập khẩu, lãi suất ngắn hạn cùng các chỉ số ngân sách và thương mại.
Theo các chuyên gia của Nomura Holdings, 3 quốc gia Trung Âu nói trên nằm trong số các thị trường mới nổi đang phải đối mặt với những lỗ hổng trong chính sách tiền tệ được coi là lớn nhất trong vòng 20 năm qua.
Báo cáo của Nomura Holdings cho thấy đồng forint của Hungary là 1 trong những đồng tiền hoạt động kém hiệu quả nhất tại các thị trường mới nổi, đồng thời các tranh cãi xung quanh vấn đề tài chính của các quỹ thuộc Liên minh châu Âu càng góp phần khiến đồng tiền này suy giảm mạnh hơn. Trong khi đó, đồng koruna của Cộng hòa Séc và đồng lei của Romania cũng đã suy yếu đáng kể trong năm 2022.
Trên thực tế, đúng như dự đoán trước đó của giới chuyên gia, Ngân hàng Trung ương Cộng hòa Séc (CNB) hồi đầu tháng này đã ấn định lãi suất cơ bản ở mức 7%. CNB cũng khẳng định sẽ tiếp tục ngăn chặn sự biến động quá mức tỉ giá đồng koruna.
Trước đó, hồi tháng 9, CNB đã phải chi 2,6 tỉ euro (hơn 63 tỉ koruna) như một phần của các biện pháp can thiệp để hỗ trợ đồng nội tệ, qua đó nâng tổng số tiền chi ra để hỗ trợ đồng tiền này lên đến 25,5 tỉ euro (khoảng 620 tỉ koruna), tương đương 16% dữ trự ngoại hối lớn nhất mà CNB đạt được hồi tháng 4 năm nay.