Công bố 10 sự kiện ngành Tài nguyên và Môi trường năm 2019: Vấn đề môi trường vẫn 'nóng'
(Thethaovanhoa.vn) - Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố 10 sự kiện của ngành trong năm 2019, trong đó có 3 sự kiện về lĩnh vực môi trường được bình chọn. Điều này chứng tỏ lĩnh vực môi trường đã và vẫn là vấn đề “nóng” của xã hội hiện nay.
Năm 2016, khi được giao trọng trách “Tư lệnh ngành tài nguyên và môi trường”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã cảnh báo rằng: “Vấn đề môi trường của Việt Nam đã đến ngưỡng”! Đó là cái giá phải trả cho phát triển ”quá nóng” của nền kinh tế Việt Nam.
Minh chứng là ba sự cố phát sinh về môi trường trong năm 2019 gây bức xúc nhất trong dư luận, được Hội đồng bầu chọn 10 sự kiện của ngành nhất trí cao và đứng thứ 4 trong số 10 sự kiện được chọn, vì ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.
Điển hình như vụ cháy xảy ra tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông thuộc quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội gây ô nhiễm môi trường không khí, môi trường nước; xả thải gây ô nhiễm nguồn nước của Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) gây khủng hoảng nước sạch nhiều quận, huyện thành phố Hà Nội trong nhiều ngày; các đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng xảy ra tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh đã tác động tiêu cực đến sức khỏe, môi trường sống của người dân...
Qua đây, vấn đề bảo vệ môi trường, an ninh môi trường cho đời sống dân sinh cần các giải pháp tổng thể và liên ngành trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội nhanh, mạnh hiện nay.
Tuy vậy, cùng sự chung tay nỗ lực của cả hệ thống chính trị và cộng đồng, công tác bảo vệ môi trường đã thu được một số kết quả nhất định. “Nỗ lực thực hiện cam kết giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa” đứng đầu trong 10 sự kiện của ngành. Bởi hàng loạt hoạt động trong nước và quốc tế được thực hiện như ký kết Ý định thư giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Diễn đàn Kinh tế thế giới về hợp tác xử lý rác thải nhựa; thành lập Liên minh chống rác thải nhựa… Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ tham dự, chỉ đạo Lễ ra quân chống rác thải nhựa tại Thủ đô Hà Nội tháng 6 năm 2019 và tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 tại Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 04 tháng 12 năm 2019 gồm 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm thống nhất thực hiện các biện pháp giảm rác thải nhựa đại dương từ đất liền ra biển.
Điểm sáng nữa về bảo vệ môi trường bền vững là sự kiện hoạt động bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển bền vững được các địa phương tích cực thực hiện. Tiêu biểu là trong 10 năm qua, nhân dân thành phố Đà Nẵng quyết tâm, đồng thuận, chung sức thực hiện nhiều nhiệm vụ, chương trình hành động nhằm nâng cao chất lượng bảo vệ môi trường dựa trên xu thế phát triển đô thị trong bối cảnh hội nhập, phát triển toàn cầu và tác động của biến đổi khí hậu; bảo tồn gắn với quản lý, khai thác các giá trị tài nguyên thiên nhiên để trở thành tiêu điểm và hấp dẫn toàn cầu về điểm đến du lịch sinh thái, thân thiện môi trường.
Riêng tỉnh Nam Định được Thủ tướng Chính phủ công nhận về đích sớm hơn một năm xây dựng nông thôn mới. Hiện Nam Định tập trung nguồn lực thực hiện xây dựng mô hình huyện nông thôn mới kiểu mẫu với các tiêu chí về môi trường như Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp để phát triển bền vững giai đoạn 2020 - 2025. Đây là tiền đề để nhân rộng phong trào bảo vệ môi trường xây dựng nông thôn mới trên khắp các địa phương cả nước trong thời gian tới.
10 sự kiện ngành Tài nguyên và Môi trường năm 2019:
1. Nỗ lực thực hiện cam kết giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa.
2. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong triển khai các giải pháp phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long.
3. Ngành Khí tượng Thủy văn Việt Nam khẳng định lịch sử hình thành và phát triển; chủ động hợp tác, hội nhập quốc tế sâu rộng.
4. Nhiều sự cố, vấn đề liên quan đến môi trường phát sinh ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.
5. Việt Nam hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch Ủy ban Liên hợp Ủy hội sông Mê Công quốc tế.
6. Khánh thành hệ thống trạm định vị vệ tinh quốc gia (VNGEONET); hoàn thành công tác đo đạc và bản đồ về biên giới quốc gia phục vụ ký các văn kiện pháp lý ghi nhận thành quả phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia năm 2019.
7. Hoàn thành bộ bản đồ tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1/200.000 thống nhất theo hệ quy chiếu quốc gia VN-2000 trên quy mô toàn quốc.
8. Năm có nhiều nhất Vườn di sản ASEAN được Ban Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) công nhận: Vườn quốc gia Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh; Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà, tỉnh Lâm Đồng; Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, tỉnh Tây Ninh và Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, tỉnh Kon Tum.
9. Hoàn thành các chỉ tiêu thực hiện Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, cải cách hành chính, đổi mới phương thức làm việc theo hướng điện tử hóa, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.
10. Hoạt động bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển bền vững được các địa phương tích cực thực hiện.
Văn Hào/TTXVN