Còn trẻ mà chỉ thấy bệnh người già, hết khó ngủ triền miên đến lú lẫn, "não cá vàng"
Gen Z ngày nay bất ổn lắm, mới tuổi đôi mươi đã mang trong mình đủ thứ bệnh của tuổi xế chiều.
Không ít bạn trẻ mới chỉ ở tuổi thanh thiếu niên nhưng đã tự nhận bản thân mắc mắc các bệnh của tuổi già. Bên cạnh hiện tượng sớm bị đau cột sống, mỏi gối, tê tay từng chia sẻ cách đây không lâu, ở Gen Z còn xuất hiện các căn bệnh người cao tuổi như khó ngủ hay mất ngủ triền miên, chưa già đã lẫn.
Lúc nhớ lúc quên, đầu óc như ở trên mây
Mới ra trường, chưa đi làm được lâu nhưng đầu óc nhớ nhớ quên quên, hay nhầm lẫn là tình trạng thường thấy của các bạn trẻ. Điển hình là Lan Anh (sinh năm 1997) từng gặp nhiều trường hợp dở khóc dở cười, thậm chí là phiền toái vì căn bệnh tuổi xế chiều này.
Cô chia sẻ: “Quên chìa khóa, quên khóa cửa trước khi ra khỏi nhà với mình là chuyện như cơm bữa. Bình thường cứ 8 giờ là mình đi làm, nhưng leo 4 tầng xuống lấy xe thì phát hiện không có chìa khóa, hoặc bất an chưa biết cửa khóa chưa thì lại phải chạy thêm 1 vòng lên phòng kiểm tra. Mới sáng ra đã cũng đủ mệt, leo 2 vòng là 16 tầng rồi”.
Nhớ nhớ quên quên trong công việc còn phát sinh rắc rối ngoài mong muốn. Lan Anh kể tiếp: “Nhiều hôm mình quên mất có lịch họp nên chẳng chuẩn bị nội dung hay tài liệu trước, thế là rơi vào thế bị động, lo lắng sợ bị sếp hỏi đến. Mình cũng từng quên gửi hợp đồng cho đối tác và phải chịu phạt vì khiến tiến độ công việc bị chậm trễ. Vài lần quên deadline, dù sau đó cố gắng hoàn thành công việc thật nhanh nhưng cũng không khỏi bị đánh giá thiếu chuyên nghiệp, thiếu trách nhiệm. Vậy nên mình luôn phải sử dụng app quản lý công việc để được nhắc nhở những việc cần làm”.
Tương tự, Mỹ Ngọc (sinh năm 2001) cũng khổ sở vì chưa già đã lẫn. Cô cho biết từ lúc lên đại học là thường xuyên lú lẫn nhiều thứ. “Có hôm phải đi học thì mình nhầm thành lịch làm thêm và ngược lại, nên nếu không bị phạt vì đi làm muộn thì sẽ bị trừ điểm vì đến lớp muộn. Hoặc gia đình gọi điện nhưng không tiện nghe, tự nhủ tối gọi lại cho bố mẹ xong cũng quên béng. Cứ như vậy mình cũng lo lắm, chẳng biết về già có còn tỉnh táo được không”.
Khó ngủ triền miên
Một tình trạng đáng lo ngại khác ở Gen Z là ban ngày mệt mỏi, bơ phờ vì thiếu ngủ nhưng cứ đến đêm thì trằn trọc mãi không vào giấc. Thu Hà (sinh năm 2000) bộc bạch: “Đêm nào cũng đến 2 giờ mình mới ngủ được. Không phải do làm việc hay cày phim, lướt web muộn, mình cố lên giường từ 23 giờ nhưng lăn lộn mãi không thể vào giấc”.
Thu Hiền (sinh năm 1998) đồng cảnh ngộ: “Từ năm cuối đại học là mình bị khó ngủ. Nhiều hôm cố tình dậy sớm và không ngủ trưa nhưng dù nhức mắt, mệt mỏi cũng phải trằn trọc mãi mới ngủ được”. Lâu dần, Hiền nhận thấy để 2 - 3 tiếng đồng hồ ban đêm trôi qua như vậy quá lãng phí nên đã sắp xếp học thêm ngoại ngữ vào khoảng thời gian này, khi nào mệt quá mới lên giường.
Lý do còn trẻ nhưng đã mắc bệnh người già
Nói về tình trạng mất ngủ hay khó ngủ ở Gen Z, PGS.TS Vũ Anh Nhị - Chủ tịch Hội Thần kinh học thành phố Hồ Chí Minh chỉ ra lý do là nhiều người trẻ bị áp lực trong học tập và công việc; các mối quan hệ bạn bè, tình cảm bị biến động; thói quen thức khuya kéo dài; có chế độ dinh dưỡng mất cân đối. Nhiều người còn chủ động thức khuya, dành thời gian buổi tối để hoàn thành công việc hoặc xem phim, chơi game, lướt mạng xã hội hay suy nghĩ vẩn vơ… vì nghĩ đêm còn dài. Các bạn trẻ cũng tự tin không lo mắc bệnh vì ỷ lại sức sống khỏe mạnh của tuổi thanh niên.
Tình trạng ngủ muộn kéo dài sẽ làm thay đổi đồng hồ sinh học trong cơ thể, quen với giờ ngủ muộn nên khó vào giấc hơn. Lâu dần dù muốn ngủ sớm cũng rất khó nên rơi vào tình trạng mất ngủ.
Vì bị thiếu ngủ nên não bị tổn thương, một trong những hệ quả rõ rệt là chứng hay quên ở người trẻ. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh hay quên đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hàng triệu người trên thế giới và dự báo đến năm 2050 sẽ tăng lên 1 tỷ người. Tại Việt Nam, khoảng 20-30% người trẻ đi khám có vấn đề về trí nhớ.
Sở dĩ bộ não của người trưởng thành có khoảng 100 tỷ nơ-ron thần kinh với nhiệm vụ giúp chúng ta lưu trữ thông tin, ghi nhớ, suy nghĩ, phát triển và vận động. Những nơ-ron này sẽ biến suy giảm dần khi con người bước vào tuổi 25-30, càng mất nhiều nơ-ron thì trí nhớ càng kém. Vậy nên nếu không ngủ đủ giấc, não không có đủ thời gian để củng cố các thông tin vừa được tiếp nhận nên làm giảm trí nhớ. Bên cạnh đó còn khiến người bệnh khó tập trung, khó kiểm soát cảm xúc và đưa ra quyết định trong cuộc sống hàng ngày.
Giấc ngủ rất quan trọng vì ảnh hưởng đến cả sức khỏe và trí nhớ nhưng suy cho cùng, đây là căn bệnh từ lối sống mà ra. Vì vậy, nếu mắc phải chứng khó ngủ hay đãng trí thì phải rèn luyện để điều chỉnh đồng hồ sinh học càng sớm càng tốt. Dù còn trẻ nhưng đừng vì vậy mà nghĩ sinh hoạt thế nào cũng được, mọi thói quen nhỏ đều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của bạn đấy.
CÁCH KHẮC PHỤC CHỨNG KHÓ NGỦ
Là căn bệnh do lối sống nên cách tốt nhất để khắc phục chứng khó ngủ là điều chỉnh lại chế độ sinh hoạt. Bạn có thể tham khảo các tips sau:
- Đảm bảo ngủ đủ, đều 5-6 tiếng mỗi ngày.
- Hãy dành ra 20-30 phút tập thể dục mỗi ngày nhưng tránh tập vào ban đêm để tránh làm cơ thể tỉnh táo, càng khó ngủ.
- Nói không với các thức uống làm mất ngủ như cà phê, trà, nước tăng lực.
- Cách ly với các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính, ti vi… khoảng 30 phút đến 1 tiếng trước khi ngủ, thay vào đó thì thử các hoạt động nhẹ nhàng như thiền, nghe nhạc hoặc podcast, tắm nước ấm để cơ thể thư giãn hơn…
- Tạo môi trường ngủ đủ tối để không bị khó chịu, dễ vào giấc hơn.